Một cây xà cừ cổ thụ có tuổi đời tới 70-80 năm bị quật ngã bởi bão Yagi năm 2024 tại vườn hoa Cổ Tân, Hoàn Kiếm, Hà Nội đã thực sự 'hồi sinh' trong một hình hài khác.
Cây xà cừ trong khuôn viên vườn hoa Cổ Tân có độ cao 20 mét, thuộc nhóm cây được người Pháp du nhập từ châu Phi để trồng thí điểm thành cây xanh đô thị (quá trình này bắt đầu từ cuối thế kỷ XIX).
Suốt mấy chục năm tươi tốt, cây xà cừ này cùng với 25.000 cây xanh các loại khác ở Hà Nội đã bị cơn bão Yagi quật ngã vào ngày 7/9/2024.
Tác phẩm "Hồi sinh" không chỉ là một sắp đặt nghệ thuật, mà còn là một hành trình chuyển hóa từ thân cây xà cừ dù đã gục ngã thành một công trình sáng tạo có tính bền vững.
Tác phẩm "Hồi sinh" góp phần tạo không gian sáng tạo cho cư dân Hà Nội cũng như du khách có thể ngắm nhìn, trải nghiệm hàng ngày.
Cây đổ “hồi sinh” và những thông điệp mang nhiều ý nghĩa.Đây là tác phẩm của nhà thiết kế Tia-Thủy Nguyễn với mong muốn đưa công chúng Thủ đô đến gần hơn với mỹ thuật đương đại, cũng như thúc đẩy sự sáng tạo của đội ngũ nghệ sĩ Việt Nam.Nhà thiết kế Tia-Thủy Nguyễn đã sử dụng hơn 6 tấn kim loại, hàng nghìn chiếc lá bằng thép không gỉ, thạch anh và 6.000 giờ công để hoàn thành tác phẩm nghệ thuật sắp đặt mang tên “Hồi sinh”.Thông điệp mà tác giả gửi gắm, mong muốn truyền tải là mọi thứ đều có khả năng thay đổi và phát triển, giống như một cây đã chết có thể trở thành một tác phẩm nghệ thuật đẹp mắt.Cây xà cừ như "Hồi sinh" sau khi được mặc áo mới, sắp đặt lại tại chính địa điểm cũ nơi nó từng sống một kiếp trước xanh tươi.Các tấm thép không gỉ dày 5mm được gò thủ công, ôm theo hình dáng của thân cây. Tiếp theo, những người thợ tiến hành hàn kín, đồng thời tạo ra những nốt và rãnh xù xì bám vào lớp vỏ cây để tạo nên một lớp vỏ bọc ánh kim ngũ sắc, phản chiếu khi ánh sáng rọi vào.Lớp kim loại bên ngoài này vừa là khung tác phẩm, vừa là lớp trang sức tạo nên sức hút cho cây. Cành cây được tạo hình mô phỏng sự khúc khuỷu, tự nhiên và tán lá tươi tốt tựa như cành cây thật. Hàng nghìn chiếc lá bằng thép óng ánh và “hoa” từ đá thạch anh đủ sắc màu, reo ca dưới ánh nắng.Cây xà cừ vẫn đứng yên, nhưng nó không chỉ lặng lẽ tỏa bóng mà trở nên sống động hơn, ứng biến với từng giọt nắng chạm vào "cơ thể" đã được khoác áo mới của mình.Sự sống và năng lượng của "Hồi sinh" không chỉ nằm ở chính nó, mà còn ở sự tiếp xúc của nó với thế giới chung quanh.Tác phẩm trở thành sợi dây nối kết, không chỉ giữa người thưởng lãm và ánh sáng tự nhiên, mà còn chính họ với từng nỗi nhớ đang hiện diện bên trong. Một tia nắng đúng hẹn sẽ khiến lòng cây bừng sáng.Với "Hồi sinh", cái cây đã chết là khởi đầu cho một “chương mới”, một hình hài của sự nhẹ nhõm khi vượt qua gánh nặng của sự tồn tại và có lẽ quan trọng nhất là sự hiển lộ vẻ đẹp giữa cơn bão.Tác phẩm đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ của lãnh đạo thành phố Hà Nội và Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm, hướng tới mục đích phục hồi và làm đẹp không gian công cộng sau bão Yagi, tạo điểm nhấn nghệ thuật và văn hóa cho quận, phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô, đồng thời phát huy giá trị lịch sử và di sản của cây xanh đô thị.