Bộ Nông nghiệp và Môi trường họp khẩn, tìm giải pháp giữ vững thị trường sầu riêng
Tính từ đầu năm 2025, xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc ghi nhận mức sụt giảm nghiêm trọng, chỉ đạt khoảng 20% kế hoạch đề ra. Trước thực trạng này, Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN-MT) họp bàn nhằm đưa ra các giải pháp giữ thị trường và nâng giá trị ngành hàng này.
Ngày 8/5, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ NN&MT Đỗ Đức Duy chủ trì cuộc họp khẩn bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành sầu riêng xuất khẩu.
Sầu riêng đang khẳng định vị thế là một trong những sản phẩm xuất khẩu chủ lực, đặc biệt với thị trường Trung Quốc. Giá trị gia tăng khi xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc cao gấp hơn hai lần so với tiêu thụ nội địa, đóng góp tích cực vào kim ngạch nông sản. Tuy nhiên, bên cạnh những con số tăng trưởng ấn tượng là những thách thức đang ngày một bộc lộ rõ nét.
Theo báo cáo, những tháng đầu năm 2025, xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc ghi nhận mức sụt giảm nghiêm trọng, chỉ đạt khoảng 20% kế hoạch đề ra. Hệ quả không chỉ khiến chỉ tiêu chung của toàn ngành bị ảnh hưởng, mà còn kéo giá sầu riêng trong nước xuống thấp, chỉ bằng một phần tư so với giá xuất khẩu.
Nguyên nhân chủ yếu được xác định là do các điểm nghẽn lâu nay chưa được xử lý triệt để. Hệ thống pháp lý và quy trình kiểm dịch chưa rõ ràng, công tác kiểm soát chất lượng và an toàn thực phẩm còn chậm, trong khi việc cấp mã số vùng trồng và phê duyệt cơ sở đóng gói vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu từ phía Trung Quốc - thị trường lớn nhưng cũng đầy rủi ro nếu không chuẩn bị kỹ.

Sau khi nghe ý kiến và báo cáo của các cơ quan chuyên môn, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đã đưa ra hàng loạt giải pháp mang tính đồng bộ, nhằm tháo gỡ khó khăn trước mắt và xây dựng nền tảng phát triển bền vững cho ngành hàng sầu riêng.
Trong ngắn hạn, Bộ NN&MT sẽ phối hợp chặt với cơ quan Hải quan Trung Quốc để tháo gỡ các rào cản kỹ thuật, đồng thời thúc đẩy tiến độ cấp mã số vùng trồng, phê duyệt cơ sở đóng gói và quy trình kiểm dịch thực vật.
Về dài hạn, Bộ trưởng Bộ NN&MT yêu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan xuất khẩu nông sản, chuẩn hóa chuỗi kỹ thuật từ sản xuất đến chế biến và thúc đẩy phát triển các sản phẩm chế biến sâu như sầu riêng đông lạnh để giảm lệ thuộc vào xuất khẩu tươi.
Trước bối cảnh thị trường nhiều biến động, việc giữ vững vị thế sầu riêng Việt Nam không thể chỉ dựa vào sự tăng trưởng nóng mà cần nền tảng pháp lý vững chắc, tiêu chuẩn kỹ thuật đồng bộ và một hệ thống quản lý chủ động, minh bạch.
Bộ trưởng đề nghị các cơ quan chuyên môn phải nỗ lực hơn nữa cùng đồng hành cùng doanh nghiệp, sát cánh với địa phương, phối hợp cùng các cơ quan liên quan để bảo vệ thị trường, nâng cao giá trị và từng bước xây dựng thương hiệu sầu riêng Việt Nam trên bản đồ nông sản thế giới.