Tăng thuế thuốc lá: Chỉ có lợi cho sức khỏe cộng đồng và phát triển bền vững của đất nước
Nhiều phân tích chuyên sâu gần đây từ các cơ quan nghiên cứu trong nước và quốc tế cho thấy việc tăng thuế thuốc lá là một lựa chọn kinh tế hợp lý, góp phần thúc đẩy tăng trưởng bền vững, củng cố ngân sách và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Giải pháp kinh tế kép cho sức khỏe và tăng trưởng bền vững
Trong bối cảnh Quốc hội đang thảo luận sửa đổi Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), việc điều chỉnh thuế thuốc lá đang trở thành tâm điểm tranh luận. Không ít ý kiến cho rằng tăng thuế có thể gây tác động đến doanh nghiệp sản xuất, việc làm và tiêu dùng.
Tuy nhiên, nhiều phân tích chuyên sâu gần đây từ các cơ quan nghiên cứu trong nước và quốc tế lại cho thấy điều ngược lại: tăng thuế thuốc lá là một lựa chọn kinh tế hợp lý, góp phần thúc đẩy tăng trưởng bền vững, củng cố ngân sách và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Báo cáo Chi phí sức khỏe từ sử dụng thuốc lá của Hội Khoa học Kinh tế Y tế (2023), tiêu dùng thuốc lá gây thiệt hại khoảng 108.000 tỷ đồng mỗi năm, tương đương 1,14% GDP, do chi phí điều trị bệnh và mất năng suất lao động. Song song, Trung tâm Toàn cầu về Quản trị Tốt trong Kiểm soát Thuốc lá (GGTC, 2022) cũng ước tính chi phí tổn thất môi trường từ rác thải thuốc lá lên tới gần 99.000 tỷ đồng/năm, tương đương 1,04% GDP.
Tổng cộng, chỉ riêng tiêu dùng thuốc lá đã lấy đi hơn 2,18% GDP mỗi năm, trong khi phần thu từ thuế hay đóng góp doanh nghiệp chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng thể kinh tế.
Tăng thuế để khôi phục năng suất lao động
Nghiên cứu từ Hội Khoa học Kinh tế Y tế cũng cho biết mỗi năm Việt Nam mất khoảng 21,7 triệu giờ lao động do bệnh tật và tử vong liên quan đến thuốc lá. Ngoài ra, theo ước tính của UNDP (2024), chỉ riêng việc hút thuốc trong giờ làm việc cũng làm giảm năng suất lao động tương ứng với 3.300 tỷ đồng/năm.
Tăng thuế, do đó, không chỉ nhằm giảm tiêu dùng, mà còn giúp cải thiện sức khỏe lao động và hiệu quả làm việc – hai yếu tố then chốt cho tăng trưởng kinh tế bền vững, đặc biệt trong bối cảnh Chính phủ đang thúc đẩy chuyển dịch mô hình tăng trưởng theo hướng năng suất, đổi mới sáng tạo (Chỉ thị 05/CT-TTg, 2025).
“… Tăng trưởng kinh tế nhanh nhưng phải bền vững, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, công bằng tiến bộ xã hội, bảo vệ môi trường; cân đối, hài hòa giữa thực hiện mục tiêu tăng trưởng trong ngắn hạn với phát triển trong trung và dài hạn; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Tăng trưởng kinh tế phải dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, nhân lực chất lượng cao, tăng năng suất lao động. Mục tiêu là hướng tới tăng trưởng bền vững, bao trùm, toàn diện, mang lại lợi ích cho tất cả mọi người dân.”
Nội dung Chỉ thị thể hiện tinh thần chỉ đạo của Đảng và Nhà nước là phát triển nhưng vẫn phải đảm bảo an sinh xã hội, sức khỏe, môi trường, không chấp nhận đánh đổi xã hội và môi trường lấy lợi ích kinh tế đơn thuần, có chiến lược ưu tiên và các ngành mũi nhọn như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo đồng thời với phát triển nhân lực chất lượng cao, tăng năng suất lao động.
Chính sách thuế TTĐB có thể trở thành một công cụ quan trọng góp phần đạt được các mục tiêu của Chỉ thị, do vừa có vai trò điều tiết tiêu dùng theo hướng nâng cao sức khỏe đảm bảo an sinh xã hội, môi trường. Việc nâng cao sức khỏe cũng là một yếu tố then chốt giúp lực lượng lao động bảo đảm thể lực, trí lực, năng suất cao. Trong khi đó, tác động điều tiết của thuế TTĐB cũng góp phần điều chuyển dần nguồn lực tổng thể của xã hội vào những ngành mũi nhọn.
Không gây “sốc” cho ngành sản xuất mà còn đóng góp cho tăng trưởng GDP
Dữ liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy sản lượng thuốc lá tại Việt Nam vẫn tăng 17% trong giai đoạn 2021–2023, bất chấp hai lần tăng thuế vào năm 2016 và 2019. Điều này phản ánh đặc tính co giãn thấp của sản phẩm, và rằng tăng thuế không làm giảm mạnh doanh số hay gây đứt gãy chuỗi sản xuất, mà là biện pháp điều tiết có lộ trình.
Một góc nhìn quan trọng từ góc độ phân tích kinh tế vĩ mô đến từ mô hình liên ngành Input–Output, được nhóm nghiên cứu của Thu Hiền và cộng sự (2018, cập nhật 2025) sử dụng để đánh giá tác động của thuế TTĐB thuốc lá tới toàn bộ nền kinh tế. Theo đó, thuế thuốc lá không làm giảm tổng sản lượng hay việc làm, mà ngược lại, có thể giúp tăng trưởng GDP và số lượng việc làm, nếu được thiết kế phù hợp.
.jpg)
Lý do là khi giá thuốc lá tăng, tiêu dùng thuốc lá giảm, người dân sẽ chuyển dòng chi tiêu sang các ngành nghề khác trong nền kinh tế – đặc biệt là các lĩnh vực sử dụng nhiều lao động hơn, như dịch vụ, giáo dục, thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu… Điều này giúp gia tăng tổng cầu hiệu quả và kích thích sản xuất trong các ngành có năng suất và hiệu quả xã hội cao hơn.
Kết quả mô hình cho thấy nếu tăng thuế suất thuốc lá từ 65% lên 85%, GDP có thể tăng thêm 0,09%; Nếu tăng thuế suất lên 105%, GDP có thể tăng thêm 0,18%.
Điều này củng cố cho nhận định của nhiều chuyên gia rằng, thuế TTĐB thuốc lá không chỉ là một công cụ điều chỉnh hành vi tiêu dùng, mà còn là một công cụ chính sách tài khóa thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng lành mạnh, bao trùm và hiệu quả hơn.
Tác động tích cực tới chi tiêu hộ gia đình
Nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Phát triển (DEPOCEN) cho thấy tiêu dùng thuốc lá làm lấn át chi tiêu cho giáo dục và y tế, đặc biệt ở các hộ thu nhập thấp. Khi giá thuốc lá tăng, người dân có xu hướng chuyển tiêu dùng sang các khoản chi mang lại lợi ích dài hạn như học tập, chăm sóc sức khỏe, hay tiết kiệm đầu tư.
Phân tích từ CIEM (2024–2025) cũng cho thấy nếu sử dụng nguồn thu từ TTĐB cho các chương trình hỗ trợ giáo dục, y tế, an sinh xã hội, Nhà nước có thể góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo và cải thiện chỉ số GINI – đo lường bất bình đẳng thu nhập.
Tăng thuế – Vì một chiến lược kinh tế bền vững hơn
Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới, với yêu cầu tăng trưởng không chỉ dựa vào mở rộng sản xuất, mà còn dựa trên tăng năng suất, chuyển dịch tiêu dùng, và nâng cao chất lượng sống. Chính sách thuế – trong đó có thuế thuốc lá – là một trong những công cụ điều tiết hiệu quả nhất để đạt được mục tiêu này.
Chậm trễ trong việc điều chỉnh thuế thuốc lá không chỉ là đánh mất nguồn thu, mà còn là bỏ lỡ cơ hội củng cố nền tảng cho tăng trưởng bền vững và công bằng, cơ hội cứu sống hàng trăm ngàn người. Khi bài toán chi phí – lợi ích đã rõ ràng, điều cần thiết lúc này là quyết tâm chính trị và hành động kịp thời vì sức khỏe và tương lai của người dân và sự phát triển bền vững của đất nước.