Những người trẻ viết tiếp bản sắc văn hóa dân tộc
Văn hóa dân tộc là nền tảng tinh thần, là cốt lõi làm nên bản sắc Việt Nam suốt hàng nghìn năm lịch sử. Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự bùng nổ của công nghệ, đã có thời điểm người ta lo ngại rằng lớp trẻ sẽ dần xa rời những giá trị truyền thống. Nhưng thực tế đang chứng minh điều ngược lại. Một thế hệ trẻ với tư duy cởi mở, sáng tạo và trách nhiệm đang từng bước khôi phục, tiếp nối và phát huy văn hóa dân tộc theo cách riêng của mình.
Giới trẻ và hành trình đánh thức mạch nguồn dân tộc
Nếu như trước đây, văn hóa truyền thống thường gắn liền với những hình ảnh trang nghiêm trong bảo tàng, những buổi học lịch sử khô khan trên ghế nhà trường, thì ngày nay, giới trẻ đang chủ động tiếp cận và biến văn hóa thành một phần của đời sống thường ngày. Ở Hà Nội, những con phố như Phùng Hưng, 19/12 hay các không gian văn hóa như Nhà Di sản 87 Mã Mây, Bảo tàng Văn hóa dân gian đã trở thành điểm hẹn để các bạn trẻ tìm hiểu và trải nghiệm phong tục xưa. Còn ở TP. Hồ Chí Minh, các sự kiện như Lễ hội Tết Việt, Phố Ông Đồ, Đường hoa Nguyễn Huệ không chỉ phục dựng không gian Tết truyền thống mà còn khơi dậy niềm tự hào văn hóa trong mỗi người trẻ.

Lê Thanh Vân, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, là một trong những bạn trẻ say mê tìm hiểu và thực hành thư pháp. Vân thường xuyên tham gia các lớp học thư pháp tổ chức tại Nhà Văn hóa Thanh niên và các workshop nghệ thuật truyền thống. “Không phải ai cũng có thời gian và điều kiện để theo học thư pháp cổ điển. Nhưng chỉ cần yêu thích và kiên trì luyện tập, chúng ta hoàn toàn có thể giữ gìn và lan tỏa vẻ đẹp của nghệ thuật này trong đời sống hiện đại,” Vân chia sẻ.
Nguyễn Phương Thảo, 21 tuổi, sinh viên Đại học Y Hà Nội, hào hứng: “Mình từng nghĩ gốm chỉ là một món đồ vật bình thường, nhưng khi tham gia một workshop làm gốm, mình mới thực sự cảm nhận được vẻ đẹp của những họa tiết Bát Tràng, Chu Đậu. Mỗi nét vẽ, mỗi đường khắc đều có ý nghĩa, có linh hồn. Và thế là từ chỗ tò mò, mình đã dần say mê tìm hiểu về văn hóa làng nghề.”

Không chỉ trong đời thực, trên không gian mạng - nơi tưởng chừng chỉ tràn ngập những nội dung giải trí nhanh thì những kênh TikTok, YouTube về lịch sử, văn hóa dân gian đang thu hút sự quan tâm mạnh mẽ. Những tài khoản của những bạn trẻ làm về lịch sử như “Yêu sử Việt”, “Giao Cùn”, “GenZ vẽ Việt” biến các câu chuyện lịch sử, nghệ thuật dân gian thành những nội dung sinh động, dễ tiếp cận, giúp thế hệ trẻ hiểu rằng văn hóa không phải là thứ gì xa vời, mà luôn hiện hữu quanh họ.

Sự hồi sinh văn hóa truyền thống trong thế hệ trẻ không chỉ đơn thuần là sự yêu thích nhất thời mà đang dần trở thành một xu hướng bền vững, thể hiện sự thay đổi trong nhận thức và tư duy của một thế hệ mới.
Để văn hoá truyền thống không chỉ là hoài niệm
Dẫu vậy, không thể phủ nhận rằng việc đưa văn hóa truyền thống trở lại với giới trẻ vẫn còn nhiều thách thức. Một trong những vấn đề lớn nhất là sự đứt gãy trong quá trình truyền thừa di sản. Nhiều làng nghề đang đứng trước nguy cơ mai một khi lớp nghệ nhân cao tuổi dần mất đi, mà thế hệ kế cận lại không mặn mà với nghề. Những bộ môn nghệ thuật như tuồng, chèo, cải lương dù đã có nhiều nỗ lực đổi mới nhưng vẫn gặp không ít khó khăn trong việc thu hút khán giả trẻ.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Tuấn, một trong số ít người còn giữ nghề làm quạt giấy Chàng Sơn (Thạch Thất, Hà Nội), chia sẻ:“Lớp trẻ bây giờ thích công nghệ, thích những thứ mới mẻ hơn là ngồi cả ngày làm quạt. Phải luôn không ngừng đổi mới, sáng tạo kết hợp truyền thống với hiện đại, nếu không mai này nghề này sẽ thất truyền.”

Bên cạnh đó, trong bối cảnh kinh tế thị trường, văn hóa truyền thống đôi khi bị thương mại hóa theo cách méo mó, mất đi giá trị cốt lõi. Không ít chương trình mang danh “gìn giữ di sản” nhưng thực chất chỉ là các hoạt động trình diễn hời hợt, thiếu chiều sâu, thậm chí làm sai lệch bản chất văn hóa dân tộc.
Làm thế nào để văn hóa truyền thống không chỉ là những phong trào nhất thời, mà thực sự trở thành một phần trong đời sống của thế hệ trẻ? Đây là câu hỏi đặt ra không chỉ với những người làm văn hóa mà còn với cả xã hội.
Muốn văn hóa dân tộc không bị mai một, trước hết, cần thay đổi cách tiếp cận và truyền tải. Giáo dục văn hóa trong nhà trường phải sinh động hơn, gắn liền với trải nghiệm thực tế thay vì chỉ dừng lại ở những bài học lý thuyết khô cứng. Những chương trình như “Đưa chèo vào học đường”, “Học lịch sử qua phim ảnh” đã chứng minh rằng, khi được tiếp cận một cách hấp dẫn, giới trẻ hoàn toàn có thể đón nhận văn hóa truyền thống một cách tự nhiên.
Bên cạnh đó, chính các nghệ nhân, nhà nghiên cứu văn hóa cũng cần chủ động hơn trong việc kết nối với thế hệ trẻ. Việc tổ chức các workshop, sự kiện trải nghiệm thực tế thay vì chỉ giữ văn hóa trong không gian bảo tàng sẽ giúp những giá trị này đi vào đời sống một cách sinh động hơn.
Nhưng quan trọng hơn cả, chính thế hệ trẻ cũng cần nhận thức rằng, văn hóa dân tộc không chỉ là một di sản của quá khứ mà còn là một phần của tương lai. Nếu không có sự tiếp nhận, sáng tạo và phát triển, thì dù di sản có quý giá đến đâu, cũng chỉ là những ký ức xa vời. Văn hóa phải được sống trong từng hành vi, từng lựa chọn của mỗi cá nhân, từ cách ăn mặc, giao tiếp, đến cách nghĩ, cách làm.
Thế hệ trẻ đang đứng trước một cơ hội: Không chỉ là những người tiếp nhận, họ chính là những người viết tiếp bản sắc dân tộc theo cách của thời đại. Và nếu biết cách gìn giữ, trân trọng và phát huy, thế hệ trẻ hôm nay sẽ chính là những người thắp sáng ngọn lửa văn hóa Việt trong tương lai.