Nghiệp vụ

Tòa án và hành trình đồng hành cùng người bị hại

Trâm Trần 08/05/2025 - 15:16

Trên hành trình đi tìm công lý, người bị hại không còn đơn độc khi có sự đồng hành của các cơ quan tố tụng. Trong đó, bằng bản lĩnh, sự công tâm và trách nhiệm, mỗi phán quyết không chỉ bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng mà còn khẳng định vai trò của Tòa án trong việc gìn giữ niềm tin, bảo vệ lẽ phải và sự công bằng cho xã hội.

Công lý - điểm tựa nhân văn

5-5-baovebihai3.jpg
Ảnh minh họa

Điểm tựa pháp lý cho bị hại trong các vụ án hình sự đã được quy định rõ trong Bộ luật Tố tụng hình sự, đặc biệt là tại Điều 62 và các quy định liên quan đến tham gia tố tụng, bảo vệ, bồi thường, hỗ trợ tâm lý…

Việc hiện thực hóa các quyền của bị hại không chỉ dừng lại ở các quy định trên giấy mà còn cần sự vận hành thực chất trong từng thủ tục tố tụng. Trong đó, Tòa án giữ vai trò trung tâm, vừa đảm bảo quy trình xét xử công bằng, vừa chủ động lắng nghe, bảo vệ và đồng hành cùng bị hại, để pháp luật không chỉ là lý thuyết mà còn trở thành điểm tựa nhân văn trong mỗi vụ án.

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã ghi nhận bị hại là một chủ thể tố tụng độc lập với hệ thống quyền năng pháp lý cụ thể, từ quyền yêu cầu khởi tố, được thông báo kết quả điều tra, đến quyền đề nghị xét xử kín, trình bày quan điểm, kháng cáo bản án... Đây là tinh thần nhân văn, đặt con người- đặc biệt là nạn nhân vào vị trí cần được bảo vệ trong quá trình tố tụng.

Tuy nhiên trên thực tế, vẫn còn khoảng trống đến từ sự chênh lệch về nhận thức, khả năng tiếp cận pháp luật và cả định kiến xã hội.

Một Kiểm sát viên tại TP. Đà Nẵng chia sẻ: “Chúng tôi luôn nỗ lực bảo vệ tối đa quyền lợi của bị hại trong các vụ án hình sự, nhất là nhóm yếu thế. Tuy nhiên, thực tế còn nhiều vướng mắc, đặc biệt trong những vụ nhạy cảm như xâm hại tình dục hay bạo lực gia đình. Có trường hợp bị hại là trẻ nhỏ, lời khai không nhất quán, dễ bị ảnh hưởng bởi người thân, có khi chính gia đình bị hại vì lo sợ điều tiếng mà né tránh tố giác… Những điều này khiến quá trình xử lý gặp rất nhiều khó khăn, dù cơ quan chức năng đã rất cố gắng, dẫn đến việc bảo vệ bị hại chưa đạt hiệu quả như mong muốn”.

Khi công lý cần cả sự lắng nghe và sẻ chia

Từ thực tiễn xét xử nói chung và tại TP. Đà Nẵng nói riêng, không khó để nhận ra rằng nhiều Hội đồng xét xử đã rất nỗ lực tạo điều kiện cho người bị hại được trình bày đầy đủ, được tôn trọng danh tính và cảm xúc. Có những phiên tòa sắp xếp lại không gian để tách biệt bị cáo và bị hại, giảm thiểu căng thẳng. Có những trường hợp bị hại là người không biết chữ hoặc không thạo tiếng phổ thông, Tòa án đã bố trí phiên dịch, luật sư trợ giúp pháp lý miễn phí. Những nỗ lực ấy là minh chứng sống động rằng Tòa án không chỉ đơn thuần là nơi phân xử đúng sai mà còn là chỗ dựa để công lý thể hiện sự nhân văn.

Chánh án TAND quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng - Đặng Văn Mạnh, chia sẻ: “Chúng tôi luôn mong muốn mỗi phiên tòa không chỉ là nơi xét xử, mà còn là không gian để công lý được sẻ chia, nơi người bị tổn thương được lắng nghe, được phục hồi. Tuy nhiên, để làm được điều đó, cần sự đồng hành từ các cơ quan, tổ chức xã hội và cả nhận thức của cộng đồng. Bởi vì, dù Tòa có xử đúng luật nhưng nếu nạn nhân vẫn mang tâm lý sợ hãi, cô lập sau phiên xử thì công lý đó chưa trọn vẹn”.

Luật Sư Nguyễn Thị Thu Sương (Đoàn Luật sư TP. Đà Nẵng) đã từng tư vấn tâm lý, pháp lý và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại là trẻ em, là vị thành niên, phụ nữ nghèo, người già neo đơn, mồ côi cha mẹ miễn phí không chỉ ở TP. Đà Nẵng mà còn là các tỉnh khác... chia sẻ thêm góc nhìn: “Luật sư nhận thấy, ngoài việc áp dụng pháp luật một cách nghiêm túc, cần xây dựng cơ chế hỗ trợ bị hại rõ ràng từ đầu đến cuối vụ án, có người hướng dẫn cụ thể. Đặc biệt, cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan trong việc đảm bảo thực thi các quyền của bị hại”.

5-5-baovebihai4.jpg
Luật Sư Nguyễn Thị Thu Sương (Đoàn Luật sư TP. Đà Nẵng)

Điều đáng mừng là tại TP. Đà Nẵng, các cơ quan như Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước, Hội Bảo vệ quyền trẻ em, Hội Phụ nữ các cấp… đã và đang phối hợp với ngành Tòa án để hình thành mạng lưới hỗ trợ bị hại từ sớm. Một số phiên tòa có sự tham gia của chuyên viên tâm lý, giúp trẻ em là người bị hại cảm thấy an toàn hơn khi kể lại câu chuyện của mình.

Hành trình bảo vệ quyền lợi cho bị hại không chỉ là câu chuyện về pháp luật, mà còn là câu chuyện nhân văn. Sự lắng nghe, sự đồng hành, sự chủ động của các cơ quan tố tụng nói chung và các cơ quan tố tụng tại TP. Đà Nẵng nói riêng trong thời gian qua là những tín hiệu tích cực. Song, để tiến xa hơn, cần một chiến lược tổng thể, kết nối mạnh mẽ hơn giữa các cơ quan tố tụng, các tổ chức xã hội và cộng đồng dân cư.

Trâm Trần