Chính trị

Chủ tịch Quốc hội: Bây giờ chọn cán bộ mới khó

Duy Tuấn - Hữu Tuấn 07/05/2025 - 21:50

Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, "sắp xếp, sáp nhập thì dễ nhưng bây giờ chọn cán bộ mới khó. Bố trí ai là Bí thư, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND, HĐND cấp xã? Không phải cán bộ cấp xã nào hiện nay cũng làm được."

Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp 9, chiều 7/5, Quốc hội thảo luận tại tổ Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi, Dự thảo Luật Cán bộ công chức sửa đổi.

ct2.jpg
Toàn cảnh thảo luận tại tổ 13.

Phát biểu tại tổ, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Nhân dân, cử tri, ai cũng mong muốn bộ máy tinh gọn hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.

Giai đoạn 1 của cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, chúng ta đã sắp xếp các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, các bộ, ngành ở Trung ương.

Giai đoạn 2, sẽ rất khó khăn khi sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã và kết thúc đơn vị hành chính cấp huyện.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, việc sửa đổi Hiến pháp lần này chỉ gọn trong khoảng 8/120 điều, liên quan tới Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, về đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương. Nếu Quốc hội thông qua sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp thì kết thúc 694 đơn vị hành chính cấp huyện.

ct1.jpg
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, hiện nay các cơ quan từ Trung ương tới địa phương đang mong chờ việc sửa đổi Hiến pháp được Quốc hội thông qua để kết thúc cấp huyện, sắp xếp, sáp nhập tỉnh, xã.

“Sắp xếp, sáp nhập thì dễ nhưng bây giờ chọn cán bộ mới khó. Bố trí ai là Bí thư, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND, HĐND cấp xã? Không phải cán bộ cấp xã nào hiện nay cũng làm được. Khi kết thúc cấp huyện thì phải làm rõ, việc gì giao về cho xã, việc gì chuyển về tỉnh quản lý”- Chủ tịch Quốc hội phân tích.

Nêu ví dụ, chỉ 2 sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn và Tài nguyên Môi trường mà 3 tỉnh sáp nhập thì tổng cộng là 6 sở, 6 Giám đốc sở, giờ chỉ còn giám đốc. Rồi Phó Giám đốc sở thì có thể giữ nguyên trạng nhưng cấp dưới nữa thì phải tăng cường cho xã làm công tác chuyên môn. Chủ tịch Quốc hội đặc biệt nhấn mạnh “sắp xếp thì dễ nhưng bố trí cán bộ mới khó”. Vì tính chất phức tạp của việc sắp xếp, bố trí cán bộ sau sáp nhập nên cuối tuần nào Bộ Chính trị cũng phải họp với các địa phương.

Theo phương án dự kiến đã được công bố, sau sắp xếp, cả nước còn 34 tỉnh, thành (giảm 50% so với hiện nay), còn 6 TP trực thuộc Trung ương và 28 tỉnh. Còn cấp xã hiện có 10.035, chủ trương giảm 60 - 70%, dự kiến còn 3.320 đơn vị hành chính cấp xã.

Theo Chủ tịch Quốc hội, sau khi có nghị quyết chính thức mới biết cả nước còn bao nhiêu đơn vị hành chính cấp xã. Chính phủ sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện. Trong tháng 5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ họp vấn đề này.

Duy Tuấn - Hữu Tuấn