Trung Quốc vươn lên vị trí số 1 về nhập khẩu thủy sản Việt Nam
Xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam thay đổi sau khi Mỹ ban hành chính sách thuế đối ứng. Không còn ở vị trí dẫn đầu, Mỹ hiện nay là quốc gia đứng thứ 3 sau Trung Quốc và Nhật Bản về nhập khẩu thuỷ sản của Việt Nam.
Theo số liệu từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 4 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu thủy sản Việt Nam ghi nhận mức phục hồi mạnh, đạt kim ngạch 3,3 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, cơ cấu thị trường xuất khẩu đã có sự thay đổi lớn khi Trung Quốc vượt Mỹ để trở thành điểm đến số 1 của thủy sản Việt.
Cụ thể: Trung Quốc (bao gồm cả Hồng Kông) đã nhập khẩu 709,8 triệu USD thủy sản Việt Nam trong 4 tháng qua, tăng tới 56% so với cùng kỳ 2024. Riêng tháng 4, kim ngạch đạt 182,3 triệu USD, tăng 29%. Động lực chính đến từ nhu cầu cao về tôm, cua, ghẹ và nhuyễn thể trong phân khúc cao cấp.
Mỹ – từng là thị trường xuất khẩu lớn nhất năm 2024 – đã tụt xuống vị trí thứ ba với kim ngạch 498,4 triệu USD, chỉ tăng nhẹ 7%. Tháng 4/2025, xuất khẩu sang Mỹ giảm mạnh 15%, chỉ còn 120,5 triệu USD. VASEP nhận định, sự suy giảm này phản ánh rõ rệt tác động từ chính sách thuế quan đối ứng mà Hoa Kỳ áp dụng.
Xuất khẩu sang Nhật Bản tiếp tục giữ đà tăng trưởng ổn định, đạt 536,6 triệu USD trong 4 tháng, tăng 22%.
.jpg)
Xuất khẩu sang EU 4 tháng đầu năm đạt kim ngạch 351,5 triệu USD (tăng 17%), Hàn Quốc là 264 triệu USD (tăng 15%) nhờ tận dụng hiệu quả các ưu đãi thuế quan từ EVFTA. ASEAN là điểm sáng với 218,8 triệu USD (tăng 25%), trong khi Trung Đông giảm 8% do nhu cầu tiêu thụ yếu.
Ở trong nước hai doanh nghiệp xuất khẩu tôm và cá tra hàng đầu Việt Nam là Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta và công ty thuỷ sản Vĩnh Hoàn đang có những quan điểm khác nhau cho giai đoạn sắp tới của mình.
Đối với công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta, doanh nghiệp này đang cân nhắc rút khỏi thị trường Mỹ nếu mức thuế lên tới 46% được áp dụng, thay thế vào đó, công ty sẽ tăng cường thâm nhập các thị trường Canada, Australia, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Còn với Vĩnh Hoàn, công ty này cho biết vẫn duy trì kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu sang Mỹ trong giai đoạn trước thuế. Tuy nhiên, kế hoạch lợi nhuận năm 2025 đã được điều chỉnh giảm 226 tỷ đồng so với năm trước
VASEP dự báo trong hai tháng tới, xuất khẩu sang Mỹ có thể tăng 10-15% so với tháng 4 nhờ các hợp đồng gấp rút và chính sách giá linh hoạt nhằm giữ thị phần. Trong khi đó, xuất khẩu sang Trung Quốc và ASEAN có nguy cơ chững lại, tăng trưởng chỉ khoảng 3–5% do áp lực cạnh tranh từ chính sản phẩm thủy sản Trung Quốc quay trở lại thị trường sau khi bị Mỹ áp thuế. EU và Nhật Bản được kỳ vọng duy trì tăng trưởng ổn định từ 8-10% nhờ nền tảng vững từ các hiệp định thương mại tự do.