Vấn đề quan tâm

Một số chính sách giáo dục mới có hiệu lực từ tháng 5/2025

Minh Lý 05/05/2025 - 13:29

Quy định trong tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non, trong đó sửa đổi quy định về xét tuyển thẳng bổ sung; trẻ em nhà trẻ bán trú vào diện được thụ hưởng chính sách hỗ trợ học tập từ nguồn ngân sách Nhà nước ......là một trong những chính sách mới về lĩnh vực giáo dục có hiệu lực từ tháng 5/2025.

Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non sửa đổi

Thông tư số 06/2025/TT-BGDDT của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non được quy định.

Cùng với bỏ xét tuyển sớm; Xét tuyển học bạ dựa trên kết quả cả năm lớp 12 với trọng số không dưới 25%; Cơ sở đào tạo phải xác định quy tắc quy đổi tương đương ngưỡng đầu vào và điểm trúng tuyển của các phương thức tuyển sinh, phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển theo hướng dẫn thống nhất của Bộ GD&ĐT..., Thông tư 06/2025/TT-BGDDT đã sửa đổi quy định về xét tuyển thẳng.

Theo đó, cơ sở đào tạo tổ chức xét tuyển thẳng cho những thí sinh đủ điều kiện, công bố và đưa danh sách thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển (trừ điều kiện tốt nghiệp THPT) lên hệ thống để xử lý nguyện vọng cùng với các phương thức xét tuyển khác theo kế hoạch chung, hoàn thành trước khi thí sinh đăng ký xét tuyển trên hệ thống.

Thí sinh đã trúng tuyển vào cơ sở đào tạo theo kế hoạch xét tuyển thẳng thực hiện đăng ký nguyện vọng trên hệ thống theo kế hoạch chung của Bộ GD&ĐT để lựa chọn chương trình, ngành, nhóm ngành đã trúng tuyển thẳng tại một cơ sở đào tạo hoặc đăng ký nguyện vọng xét tuyển khác.

Thí sinh trúng tuyển thẳng xác nhận nhập học theo kế hoạch chung, cơ sở đào tạo không được yêu cầu thí sinh cam kết nhập học hoặc xác nhận nhập học sớm hơn lịch trình theo kế hoạch chung.

Thông tư có hiệu lực vào ngày 5/5/2025.

anh-mn-sua.jpg
Ảnh minh hoạ.

Chính sách cho trẻ em, học sinh miền núi, hải đảo...

Nghị định số 66/2025/NĐ-CP quy định chính sách cho trẻ em nhà trẻ, học sinh, học viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo và cơ sở giáo dục có trẻ em nhà trẻ, học sinh hưởng chính sách, bao gồm: đối tượng áp dụng, điều kiện, nguyên tắc, mức hưởng chính sách, quy trình xét duyệt hưởng chính sách, cấp phát gạo và kinh phí thực hiện chính sách đối với trẻ em nhà trẻ, học sinh cơ sở giáo dục phổ thông, học sinh trường dự bị đại học, học viên cơ sở giáo dục thường xuyên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.

Đối tượng trẻ em nhà trẻ, học sinh, học viên bao gồm: Trẻ em nhà trẻ bán trú học tại cơ sở giáo dục mầm non;

Học sinh bán trú học tại cơ sở giáo dục phổ thông; Học viên bán trú học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS, THPT;

Học sinh dân tộc nội trú học tại cơ sở giáo dục phổ thông được cấp có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ giáo dục học sinh dân tộc nội trú, Trường phổ thông Vùng cao Việt Bắc, Trường Hữu nghị 80, Trường Hữu nghị T78;

Học sinh dự bị đại học học tại trường dự bị đại học, Trường phổ thông Vùng cao Việt Bắc.

Điểm lưu ý, Nghị định số 66/2025/NĐ-CP đã bổ sung trẻ em nhà trẻ bán trú (từ 3 tháng tuổi đến 3 tuổi) vào diện được thụ hưởng chính sách hỗ trợ học tập từ nguồn ngân sách nhà nước.

Cụ thể, mức hưởng chính sách đối với trẻ em nhà trẻ bán trú được hỗ trợ tiền ăn trưa 360 nghìn đồng/tháng; đối với học sinh, học viên bán trú hỗ trợ tiền ăn 936 nghìn đồng/tháng; mức hỗ trợ tiền nhà ở đối với học sinh lớp 1, lớp 2, học sinh khuyết tật có nhu cầu tự túc chỗ ở gần trường để người thân chăm sóc thì mỗi tháng được hỗ trợ 360 nghìn đồng; mỗi học sinh, học viên được hỗ trợ 15kg gạo/tháng... Các mức hỗ trợ trên không quá 9 tháng/năm học.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5/2025.

Quy định về tổ chức thực hiện liên kết đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ giữa cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam và cơ sở giáo dục đại học nước ngoài.

Thông tư số 07/2025/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT quy định về liên kết đào tạo giữa cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam và cơ sở giáo dục đại học nước ngoài trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ. Trong đó có các quy định về chứng chỉ văn bằng ngoại ngữ phù hợp như sau.

Chứng chỉ ngoại ngữ được cấp bởi đơn vị được phép tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ và được công nhận cấp độ tương đương với các bậc của Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam theo quy định của Bộ GD&ĐT;

Chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài được tổ chức thi hợp pháp tại Việt Nam hoặc ở nước ngoài và đã được Bộ GD&ĐT công nhận cấp độ tương đương với các bậc của Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam;

Văn bằng tốt nghiệp từ trình độ đại học trở lên ngành ngôn ngữ nước ngoài do cơ sở giáo dục đại học Việt Nam cấp, có xác định năng lực ngoại ngữ của người học theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam;

Văn bằng tốt nghiệp từ trình độ đại học trở lên do cơ sở giáo dục đại học nước ngoài cấp cho người học tốt nghiệp các chương trình đào tạo toàn thời gian ở nước ngoài.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 5/5/2025.

Minh Lý