Huế thông qua nghị quyết chuyển đổi hơn 26 ha rừng
HĐND TP. Huế vừa chính thức thông qua nghị quyết về chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, nhằm phục vụ triển khai 4 dự án trên địa bàn thành phố và các khu vực lân cận.
Tổng diện tích rừng được chuyển đổi là 26,005 ha, trong đó có 0,550 ha là rừng phòng hộ và 25,455 ha là rừng sản xuất.

Cụ thể: Dự án đầu tư xây dựng mở rộng đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông đoạn Cam Lộ – La Sơn, đây là dự án quy mô lớn, đi qua các địa phương thuộc TP. Huế gồm: quận Phú Xuân, thị xã Phong Điền, thị xã Hương Trà, thị xã Hương Thủy và huyện Phú Lộc. Tổng diện tích đất rừng cần chuyển đổi để thực hiện dự án là 53,3 ha, trong đó có 21,749 ha rừng trồng được đề nghị chuyển đổi, bao gồm 0,550 ha rừng phòng hộ và 21,199 ha rừng sản xuất.
Hiện trạng đất bao gồm 21,436 ha đất khác (đất trống, đất nông nghiệp, giao thông…) và 31,864 ha rừng gỗ trồng núi đất. Rừng trồng chủ yếu là cây keo, cao su, tràm gió, phần lớn thuộc cấp tuổi I và II, do các hộ gia đình, UBND xã, doanh nghiệp và cơ sở giáo dục quản lý. Trữ lượng rừng bình quân đạt khoảng 15,40 m3/ha.
Dự án điều chỉnh công suất khai thác đá gabro và gabrodiorit tại thôn Bát Sơn, xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc được triển khai tại khoảnh 5, tiểu khu 203 với diện tích 0,54 ha rừng trồng sản xuất, hiện do Hợp tác xã Nông nghiệp Đông Sơn quản lý. Rừng trồng chủ yếu là keo lai cấp tuổi I, chưa có trữ lượng.
Dự án khai thác lộ thiên đá gabro làm đá ốp lát tại xã Hương Xuân, huyện Phú Lộc, triển khai tại khoảnh 3, tiểu khu 390 với tổng diện tích 3,67 ha, trong đó diện tích rừng cần chuyển đổi là 3,32 ha rừng trồng sản xuất. Hiện trạng bao gồm 0,21 ha đất trống cây bụi và 3,46 ha rừng trồng núi đất.
Dự án Trạm biến áp 220kV Chân Mây và đường dây đấu nối tại xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc, sử dụng tổng diện tích 4,7884 ha, trong đó 0,396 ha rừng trồng sản xuất thuộc phạm vi chuyển đổi. Khu vực này còn có 3,8608 ha đất chưa sử dụng và đất nông nghiệp, cùng 0,5316 ha đất trống có cây tái sinh. Loài cây trồng chủ yếu là keo, do hộ gia đình quản lý, với trữ lượng trung bình đạt 41,055 m3/ha.
Việc HĐND TP. Huế thông qua nghị quyết là bước đi quan trọng để tháo gỡ điểm nghẽn về mặt bằng, đồng thời tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại TP. Huế.