Thay đổi tư duy về bình đẳng giới

Đời sống - Ngày đăng : 06:52, 08/05/2018

Tại Hội thảo tham vấn đánh giá tác động giới trong đề nghị xây dựng Bộ luật Lao động (sửa đổi) vừa được tổ chức mới đây, vấn đề bình đẳng giới được nhiều đại biểu đề cập.

Theo các đại biểu, Bộ luật Lao động (BLLĐ) năm 2012 về cơ bản đã thể hiện được nguyên tắc bình đẳng giới. Bộ luật có nhiều quy định thể hiện sự quan tâm, ưu tiên đối với lao động nữ như là một trong những giải pháp chính sách để thực hiện mục tiêu bình đẳng giới. Điều 153 BLLĐ quy định về chính sách của Nhà nước đối với lao động nữ như: Bảo đảm quyền làm việc bình đẳng của lao động nữ. Khuyến khích người sử dụng lao động tạo điều kiện để lao động nữ có việc làm thường xuyên. Có biện pháp tạo việc làm, cải thiện điều kiện lao động, nâng cao trình độ nghề nghiệp, chăm sóc sức khoẻ, tăng cường phúc lợi về vật chất và tinh thần của lao động nữ…

Tuy nhiên, từ thực tế triển khai BLLĐ cho thấy, bên cạnh những tác động tích cực từ các chính sách ưu tiên, thì một số quy định tưởng chừng như tạo điều kiện cho lao động nữ lại vô tình trở thành rào cản. Khoản 3, Khoản 4, Điều 154 BLLĐ quy định nghĩa vụ của người sử dụng lao động đối với lao động nữ, theo đó, người sử dụng lao động bảo đảm có đủ buồng tắm và buồng vệ sinh phù hợp tại nơi làm việc. Cùng với đó, người sử dụng lao động có nghĩa vụ giúp đỡ, hỗ trợ xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc một phần chi phí gửi trẻ, mẫu giáo cho lao động nữ. Nhiều ý kiến cho rằng, với quy định này sẽ làm cho các doanh nghiệp cảm thấy “e ngại” hơn khi tuyển dụng lao động nữ. Bởi lẽ, tuyển dụng lao động nữ rất có thể họ sẽ trở thành những đơn vị vi phạm quy định của pháp luật về chính sách đối với lao động nữ. Để tránh vi phạm pháp luật đối với lao động nữ, không ít doanh nghiệp đã âm thầm lựa chọn giải pháp an toàn cho mình, đó là “ưu tiên tuyển dụng lao động là nam giới”.

Trước nhiều vấn đề giới mới xuất hiện trong các mối quan hệ xã hội, có ý kiến đề xuất, việc sửa đổi BLLĐ lần này cần bổ sung một số quy định nhằm nhận diện rõ và bảo vệ tốt hơn người lao động khỏi bị cưỡng bức lao động, phân biệt đối xử tại nơi làm việc, quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Cùng với đó, mở rộng quy định cho phép hưởng trợ cấp nghỉ việc trong một số trường hợp quy định tại Điều 159 cho cả lao động nam và lao động nữ khi nghỉ để chăm sóc con ốm. Ngày nay, vai trò của người cha đối với trẻ em ngày càng trở nên quan trọng, vì vậy trong điều chỉnh chính sách để bảo đảm bình đẳng giới, cần bổ sung quy định chính sách cho nam giới nghỉ thai sản. Bởi lẽ, nếu chỉ quy định doanh nghiệp phải chi trợ cấp thai sản cho nữ giới thì sẽ hình thành xu hướng doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng nam giới.

Nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc cần thay đổi cách tư duy về bình đẳng giới. Bình đẳng giới không chỉ đơn thuần là có chính sách ưu tiên cho lao động nữ hay nam nữ hưởng quyền và thực hiện nghĩa vụ giống nhau. Để bảo đảm mục tiêu bình đẳng giới, các chuyên gia cho rằng, cần thiết kế chính sách theo hướng thúc đẩy bình đẳng giới tại nơi làm việc, hỗ trợ cho cả lao động nam và lao động nữ có thể thực hiện trách nhiệm công việc và gia đình.

Trung Nguyễn