Ký ức hào hùng về một thời hoa lửa
Đời sống - Ngày đăng : 06:43, 08/05/2018
Bồng con đi chiến dịch
Đã hơn sáu thập kỷ trôi qua, thế nhưng ký ức về thời binh lửa của những nữ dân quân, du kích, thanh niên xung phong, những người luôn kề vai, sát cánh cùng người lính Điện Biên làm lên chiến thắng lừng lẫy năm châu năm xưa, vẫn không hề phai nhạt. Dù đều đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, nhiều người ngay cả việc đi lại, di chuyển còn rất khó khăn, thế nhưng đối với họ, những ngày tháng “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” như vừa mới diễn ra.
Bà Vũ Thị Tăng kể lại những ngày tháng tham gia chiến dịch
“Mới 17 tuổi, tôi đã xin vào đội dân quân du kích. Để được trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ khi ấy tôi đã phải nói dối bố, mẹ là đi tìm anh trai. Mẹ tôi nói, làm gì thì làm nhưng không được rời xa con bởi cháu đang còn nhỏ. Thế là tôi cõng luôn cả đứa con đầu lòng mới được 3 tháng tuổi trên lưng rồi lên đường”, bà Cầm Thị Dực (SN 1930, ở tổ 17, phường Mường Thanh, TP. Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) trong chiến dịch Điện Biên Phủ là chiến sĩ thuộc Trung đoàn 141, Sư đoàn 312, nhớ lại.
Bà Dực bảo, do cõng theo con nhỏ tham gia chiến dịch nên hai mẹ con gặp rất nhiều vất vả. Nhưng khi nhìn thấy những đồng đội, đồng chí của mình chiến đấu nơi chiến hào bị thương, lương thực tiếp tế gián đoạn, do máy bay địch cản trở, nhiều người phải nhịn đói cả ngày, bị thương không được băng bó kịp thời, bà lại động viên mình cố gắng, không sờn lòng, chùn bước.
Vậy là cứ ban ngày bà Dực cùng đồng đội vào rừng tránh máy bay, ban đêm lại cõng con cùng đồng đội đến các chiến hào tiếp tế thuốc men, lương thực và chuyển thương binh về tuyến sau. Cậu con trai cũng dần quen ngủ trên lưng mẹ. Có lần trong đêm tối, mải lo khiêng cáng thương binh về điều trị, bà bị vấp ngã, đứa con trôi tuột khỏi lưng. Về đến nơi tập kết, bà hoảng sợ khi sờ lên chiếc địu không thấy con, quay lại tìm thì thấy con đang ngon giấc trong lùm cây bên đường. Bà òa khóc...
Càng gần đến ngày chiến thắng thì thương vong của bộ đội càng nhiều, cũng đồng nghĩa với việc hàng đêm, bà Dực cùng đồng đội của mình phải đi nhiều hơn. Dù có nhiều lần con ốm nhưng bà quyết không nghỉ vẫn địu con theo. Bởi trong bà luôn suy nghĩ phải cố gắng thật nhiều, cho bộ đội giành chiến thắng. “Hơn 60 năm qua rồi, nhưng những kỷ niệm về thời kỳ gian khổ mà oai hùng đó với tôi không thể phai mờ. So với nhiều đồng đội, công lao của tôi cũng chưa là gì cả”, bà Dực tâm sự.
Cũng tham gia vào dân quân chuyên đi tải đạn và lương thực cho bộ đội từ khi mới 17 tuổi, bà Mai Thị Thạch (SN 1934, ở tổ dân phố 3, phường Tân Thanh, TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) đến giờ vẫn nhớ những đêm cùng đồng đội hành quân xuyên qua các cánh rừng. “Lúc đó, trong đội nữ dân quân, dù đi đâu chúng tôi cũng luôn mang theo một con dao và chiếc xẻng, dùng để phát cây rừng và đào hầm trú ẩn. Mỗi lần đào hầm, chúng tôi phải buộc hai ống quần lại, rồi cho đất vào đó rồi đem đi thật xa để đổ, tránh bị địch phát hiện. Còn địch thì giăng bẫy ở khắp nơi, phát hiện bất cứ chỗ nào khả nghi là chúng bắn pháo sáng, thả bom…”, bà Thạch kể.
Bà Vũ Thị Tăng kể lại những ngày tháng tham gia chiến dịch
Gian khổ, hiểm nguy là thế nhưng không thể làm cho các cô gái độ tuổi mới 16 – 20 trong tiểu đội của bà Thạch chùn bước. Bởi tất cả đều nghĩ, phía trước là những trận đánh ác liệt, nhiều người bị thương, nhiều người đói lả vì thiếu lương thực, vũ khí và không đủ súng, đạn để công phá đồn giặc, rất cần được chi viện. Tiếng gọi tiền tuyến ấy đã thôi thúc bước chân của những nữ dân quân nhanh hơn, vội vã hơn. Họ miệt mài gánh gồng những tải gạo, lương thực, rau, vật dụng cần thiết cho sinh hoạt hằng ngày; họ bất chấp hiểm nguy vượt qua mưa bom bão đạn quân thù hết lượt này đến lượt khác kiên trì vận chuyển hàng hóa theo yêu cầu của chiến dịch; họ cũng sẵn sàng nằm trên những tấm ni lông trải dưới đất, không dám ngủ hết giấc; những bàn chân, đôi tay chai sần, tóe máu gắng sức để lương thực cung ứng cho chiến dịch không bao giờ bị ngừng lại.
“Tất cả cho tiền tuyến”
Do Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra ở địa hình rừng núi hiểm trở, có nhiều đèo cao, vực sâu, mạng lưới đường giao thông chiến lược hầu như chưa có; miền Tây Bắc mới được giải phóng, kinh tế chậm phát triển. Vì thế, bảo đảm vật chất hậu cần, y tế, kỹ thuật cho chiến dịch lớn, dài ngày gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, Đảng ta đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hậu phương và tiền tuyến nhằm cung cấp đầy đủ, kịp thời mọi yêu cầu của bộ đội trong trận quyết chiến chiến lược.
Chính vì thế, tuy không cầm súng trực tiếp chiến đấu, nhưng những nữ dân quân, du kích, dân công hỏa tuyến như bà Dực, bà Thạch đã đóng góp phần không nhỏ cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Đã có hàng nghìn dân công chủ yếu được huy động từ nhiều xã, huyện khác nhau trong các tỉnh ở Tây Bắc, Việt Bắc, Liện khu 3 và Liên khu 4 tham gia vào việc vận chuyển vũ khí, lương thực, thuốc men.
Tính đến tháng 2/1954, số lượng thanh niên xung phong của các tỉnh miền Bắc phát triển lên đến 10.063 đội viên, được biên chế thành 50 đại đội, tham gia làm và sửa chữa hàng trăm kilômét đường, nhiều bến, cầu, phá bom mìn; vận chuyển hơn 25 nghìn tấn lương thực, thực phẩm, hàng nghìn tấn vũ khí trang bị, đạn dược tới mặt trận; giữ vững mạch máu giao thông quan trọng nhất của mặt trận.
Bất chấp những hiểm nguy, nhiều nữ dân công, thanh niên xung phong còn tham gia mở đường, sửa đường. Với khẩu hiệu “bảo vệ giao thông tuyệt đối”, nhiều người còn dũng cảm đứng cạnh những quả bom nổ chậm làm dấu cho bộ đội, dân công vượt qua. Bên cạnh đó, họ còn trực tiếp tham gia chống lầy, phá bom, đắp đường sạt lở, bắc cầu, bắc đá, cứu hàng, ngụy trang hàng, túc trực ở những đoạn thác, ghềnh hiểm trở, hướng dẫn bè, mảng vượt qua an toàn. Nhưng, một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của những nữ dân quân, du kích, dân công lúc bấy giờ là vận chuyển lương thực. Bởi, trong suốt chiều dài Chiến dịch Điện Biên Phủ, lương thực luôn là bài toán vô cùng hóc búa.
Lực lượng dân công hỏa tuyến tham gia mở đường trong chiến dịch Điện Biên Phủ (Ảnh tư liệu)
Cụ Lò Thị Đôi, một cựu nữ dân quân du kích ở Mường Phăng, đã từng chia sẻ: “Có những thời điểm, Pháp cho quân nhảy dù tăng cường cho chiến dịch Điện Biên nhằm chặt đứt mọi đường tiếp tế nhu yếu phẩm và hậu cần của quân ta. Chúng bố trí lực lượng, lập đồn bốt ở khắp mọi ngả đường vào trận địa. Bên cạnh đó, chúng còn cho máy bay chiến đấu quần thảo khắp lòng chảo Mường Thanh và các khu vực lân cận để ngăn chặn mọi hoạt động tiếp viện từ hậu phương của quân ta. Cũng thời điểm ấy, chiến trường ở bản Xôm nằm cạnh Mường Phăng đang vào hồi cam go, ác liệt. Quân và dân ta kiên cường giành nhau với địch từng quả đồi, ngọn núi. Nhưng do đường tiếp viện bị chặt đứt, quân ta lâm vào tình trạng thiếu quân lương”.
Đứng trước tình hình đó, để giải bài toán về lương thực, các đơn vị đã tăng cường vận động đồng bào các dân tộc Tây Bắc đẩy mạnh sản xuất, ra sức tiết kiệm, đảm bảo lương thực tại chỗ, đồng thời phát huy tối đa các lực lượng, phương tiện đảm bảo lương thực cho chiến dịch.
“Với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, từ vùng tự do Việt Bắc, Liên khu 3, Liên khu 4, vùng mới giải phóng Tây Bắc cho đến vùng du kích, các khu căn cứ địa ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, vùng Thượng Lào, tất cả đều dồn sức cho Điện Biên Phủ, kể cả sức người, sức của. Ở một số xã bản thường xuyên bị địch đánh đánh phá, đồng bào còn giao cả những rẫy lúa, nương ngô cho các đơn vị thu hoạch để có lương thực kịp thời nuôi bộ đội”, bà Vũ Thị Tăng, một cựu dân quân du kích ở Tổ 25, phường Mường Thanh, TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên chia sẻ.
Đánh giá về những đóng góp to lớn của lực lượng dân quân, du kích, dân công trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng khẳng định: “Trên mặt trận Điện Biên Phủ, vấn đề cung cấp đạn dược là nhân tố vô cùng quan trọng, quan trọng không kém các vấn đề chiến thuật; khó khăn về cung cấp lương thực không kém khó khăn về tác chiến. Tình hình cung cấp khẩn trương từng ngày từng giờ, không kém tình hình chiến đấu… quân địch không bao giờ tưởng tượng được rằng chúng ta có thể khắc phục khó khăn này. Bọn đế quốc, phản động không bao giờ đánh giá được sức mạnh của nhân dân. Sức mạnh đó có thể khắc phục tất cả mọi khó khăn, chiến thắng mọi kẻ thù”.
Đã 64 năm trôi qua, kể từ ngày quân và dân ta làm nên một Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, quãng thời gian ấy đủ dài để khiến những cựu dân quân, du kích, dân công ngày xưa càng thưa vắng, người còn người mất. Song tinh thần yêu nước, những cống hiến, đóng góp của họ sẽ mãi mãi trường tồn.