Văn hóa- Thể thao

Giữ hồn Then Tày giữa đại ngàn Cao Bằng

PV 03/05/2025 - 23:09

Trong sự phát triển mạnh mẽ hiện nay, nhiều giá trị văn hóa truyền thống đang dần mai một. Tuy nhiên, ở Cao Bằng, tiếng Then, đàn tính của người Tày vẫn vang vọng giữa núi rừng, là minh chứng cho việc phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa bản địa.

Cao Bằng, mảnh đất nằm giữa đại ngàn núi rừng, là nơi gìn giữ nhiều giá trị văn hóa độc đáo của các dân tộc thiểu số, trong đó có nghệ thuật Then của người Tày.

Mỗi chiều tà, những giai điệu Then lại vang lên khắp các bản làng, từ những ngôi nhà sàn ẩn mình giữa núi rừng. Những nghệ nhân dân gian tận tâm với nghề truyền thống, họ không chỉ gìn giữ những làn điệu cổ, mà còn truyền dạy cho lớp trẻ để những giá trị văn hóa này không bao giờ bị lãng quên.

Ngày trước, hát Then được dùng để cầu mùa, cúng tổ tiên, còn bây giờ, hát Then cũng là cách của đồng bào nơi đây chia sẻ và gìn giữ bản sắc với du khách.

Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái – trong đó có di sản Then Tày ở Cao Bằng đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại từ năm 2019. Nhưng để di sản sống được giữa đời thường, không thể chỉ trông vào danh hiệu.

hat-then-1.jpg
Lồng ghép hát Then vào phát triển kinh tế du lịch cộng đồng.

Những năm gần đây, tỉnh Cao Bằng đã mạnh dạn lồng ghép việc bảo tồn di sản phi vật thể vào mô hình phát triển kinh tế du lịch cộng đồng. Các làng văn hóa du lịch như Khuổi Ky (Trùng Khánh), Phja Thắp (Nguyên Bình), Pác Rằng (Quảng Hòa) được đầu tư hạ tầng, hỗ trợ xây dựng homestay, tổ chức các lớp truyền dạy dân ca, dân vũ. Người dân được tiếp cận chính sách, được tập huấn kỹ năng làm du lịch, nhưng không đánh đổi bản sắc để lấy hiện đại.

Nghệ nhân ưu tú Đinh Văn Thức, xã Vũ Minh (huyện Nguyên Bình), người có hơn 40 năm gắn bó với các làn điệu Then cổ, bộc bạch: “Hát Then, gảy đàn tính là hồn cốt của người Tày, Nùng. Nếu không truyền dạy cho thế hệ trẻ, sau này người ta chỉ còn thấy di sản trong sách vở chứ không còn âm thanh thực sự nữa”.

Không chỉ hiện diện trong không gian lễ nghi, nghệ thuật Then ngày nay còn trở thành sợi dây kết nối giữa truyền thống và phát triển, khi được lồng ghép vào các mô hình sinh kế địa phương.

Thành quả cho định hướng đúng đắn ấy đã phần nào hiện rõ. Riêng năm 2024, Cao Bằng đón trên 1,5 triệu lượt khách, trong đó trên 60% đến với các điểm du lịch cộng đồng gắn với văn hóa dân tộc. Thu nhập bình quân đầu người tại một số xã làm du lịch cộng đồng tăng hơn 20% so với trước. Điều đáng mừng là người dân không chỉ làm du lịch, mà còn chủ động giữ gìn phong tục, nghi lễ, thậm chí tái lập những làn điệu đã suýt thất truyền.

PV