“Vua Lửa, Gươm thần” và những câu chuyện kỳ bí
Những câu chuyện xoay quanh 14 đời Pơtao Apui (Vua Lửa) tồn tại hơn 5 thế kỷ và thanh gươm thần thánh có quyền năng hô mưa, gọi gió ở vùng đất linh thiêng Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) vẫn luôn được lưu truyền với sự kính trọng cao nhất.
14 đời vua lửa trải dài 5 thế kỷ
Tháng tư này, chúng tôi ghé thăm mảnh đất thiêng liêng Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), nơi những vạt nắng dữ dội, khiến bầu trời trở nên trong xanh hòa quyện với màu xanh của núi rừng như vẽ nên một bức tranh thơ mộng, bình yên và tươi đẹp.
Dường như toàn bộ vùng đất này nằm trên một thung lũng bằng phẳng, xung quanh được bao bởi núi rừng và những cánh đồng lúa xanh ngát bất tận. Plei Ơi là ngôi làng cư trú của 14 vị Pơtao Apui (Vua Lửa). Hàng trăm năm qua, những câu chuyện xoay quanh các vị vua vẫn được lưu truyền với sự kính trọng cao nhất.

Theo người dân nơi đây, Vua Lửa cũng là con dân của người Jrai. Cuộc sống của vua chỉ khác biệt và có quyền lực khi mặc lên mình chiếc áo của vua và sử dụng chiếc gươm thần để thực hiện nghi lễ cầu mưa cho dân làng.
Cũng như bao gia đình khác, vua có vợ con, các công việc thường ngày và các hoạt động sinh sống của vua như đi rừng, hái măng, tỉa bắp, trồng lương thực, vẫn diễn ra bình thường như bao người khác. Vua Lửa không có có cung điện, ngai vàng hay quân lính, Vua Lửa cũng không phải là những người giàu có. Đặc biệt, tất cả các vua đều thông thạo việc cúng bái, cầu mưa. Về ăn uống, vua thường không ăn thịt bò, chuột, ếch, nhái, thỏ, voi, chó…
Trong số 14 vị Vua Lửa, thì vị vua đời thứ 6 là người được nhắc đến nhiều nhất về quyền năng hô mưa gọi gió. Vùng lãnh thổ của Pơtao Apui được hình thành lên nhờ vị vua này. Theo truyền thuyết, Siu Nhong là người được cử làm Vua Lửa nhưng Siu Nhong một mực từ chối.
Để thuyết phục Siu Nhong, người dân đã phải kiên trì 7 ngày 7 đêm và nói đi nói lại rằng, nếu ông không chịu nhận thanh gươm, cả vùng có thể sẽ phải chết. Sau đó, Siu Nhong chấp nhận, ông dùng gươm thần đánh 7 lần vào nước. Sau đó, mây đen ùn ùn kéo đến, thế là những cơn mưa dăng kín cả bầu trời. Kể từ đó, ông chính thức được gọi là Pơtao Apui, giúp dân làng “hô mưa, gọi gió”, mang lại “sự sống” cho các buôn làng.
Sau này, khi thực dân Pháp đô hộ và kéo quân đến mảnh đất này, vị Vua Lửa đời thứ 11 - Siu Ất đã liên kết với các thủ lĩnh, tù trưởng có thế lực trong vùng, kiên quyết chống lại sự thống trị của thực dân Pháp. Bảo vệ người dân trước sự hung hãn, tàn bạo, lăm le của quân thù.
Chiếc “Gươm thần hô mưa, gọi gió”
Theo truyền thuyết, chiếc gươm thần đầy quyền năng được hai anh em T’dia và T’diêng rèn từ một hòn đá lấy từ núi Hàm Rồng, một miệng núi lửa khổng lồ cách trung tâm TP. Pleiku (Gia Lai) về phía Nam khoảng 10 km. Khi thanh gươm được rèn xong, cứ đỏ rực mãi, nhúng vào ghè ghè cạn, nhúng xuống suối suối khô, nhúng xuống sông sông hết nước... đến khi, những giọt máu của người giúp việc vô tình nhỏ xuống thanh sắt thì thanh gươm mới nguội.
Sau đó, hai anh em T’Dia, T’Diêng đã vứt thanh gươm xuống sông. Biết tin, các bộ tộc người trong khu vực đã xuống sông lặn tìm thanh gươm. Sau những lần tìm kiếm, người Lào thấy được chuôi gươm, còn người Kinh tìm được vỏ gươm. Còn người Jrai tìm thấy lưỡi gươm nên gọi đó là Gươm thần, người ta bọc kín nó trong tấm vải rồi bí mật giấu vào một cái hang sâu um tùm cây cỏ trên núi.
Qua lời kể của những người từng phụ tá vị vua cuối cùng, thanh gươm thần có màu đen, chiều dài chừng 1 mét. Trước đây còn có hai thanh gươm phụ và hai chiếc gậy màu trắng được cất giấu cùng gươm thần. Người giữ gươm thần sẽ được phong làm vua và đảm nhiệm trọng trách cầu mưa cho dân làng mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Những năm gần đây, vùng đất thiêng này có nhiều người từ các nơi khác đến lập nghiệp nên nhiều vật dụng giấu kèm với gươm thần đã bị mất. Chính vì thế, năm 2009, ông Rơ Lan Hieo - phụ tá của Vua Lửa - đã thực hiện nghi lễ di dời “Gươm thần” từ núi Chư Tao Yang về cất giấu kỹ ở một nơi đặc biệt mà ngoại trừ Vua Lửa và phụ tá, không ai được biết.
Nơi cất giấu thanh gươm thần là đỉnh núi Chư Tao Yang cao 209m, một địa điểm nổi bật lên giữa những cánh đồng lúa xanh mướt bao quanh. Trên đỉnh núi có một hang đá được tạo bởi 3 viên đá xếp chồng lên nhau. Dưới khe đá là cửa hang nhỏ hẹp chỉ một người chui lọt. Và, để đến được nơi giấu gươm còn phải chui qua hai ngách hang nữa. Người xưa truyền lại rằng, nếu ai dám xâm nhập ngọn núi thiêng này sẽ bị phát điên hoặc sẽ gặp tai họa lớn.
Di tích quốc gia và Hội thảo khoa học về Vua Lửa
Cuối tháng 3/2025, UBND tỉnh Gia Lai phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Vua Lửa-Huyền thoại và hiện thực”. Hội thảo đã thu hút đông đảo học giả, nhà nghiên cứu, nhà khoa học trong nước tham gia.
Dưới góc nhìn khảo cổ học, thông qua những chuyến khảo sát thực địa và chứng kiến nghi lễ cầu mưa trên đỉnh núi thần Chư Tao Yang, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Khắc Sử (Viện Sử học Việt Nam) chỉ rõ những đặc trưng, tính chất niên đại và giá trị lịch sử của huyền thoại Vua Lửa.
“Các nghi thức, đặc biệt là điệu múa cổ xưa trong lễ cầu mưa là loại hình nghệ thuật trình diễn đỉnh cao. Chúng tôi đã tìm thấy những hình tượng mô phỏng điệu múa mang tín ngưỡng này khắc trên các hang đá có niên đại rất cổ xưa. Điều đó cho thấy Vua Lửa cùng tín ngưỡng cầu mưa bắt nguồn từ giai đoạn rất sớm, cần có sự kết hợp nghiên cứu giữa các nhà sử học, văn hóa, khảo cổ để thấy được giá trị và sự hấp dẫn vô cùng đặc biệt của hiện tượng này”, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Khắc Sử nhấn mạnh.
Tiến sĩ Bùi Minh Đạo - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên, cho rằng: Plei Ơi là nơi sinh sống của hầu hết các đời Vua Lửa. Đây cũng có thể là “cố đô” của tiểu quốc Hỏa Xá trong lịch sử. Trong thời gian tồn tại, các Pơtao Apui là thủ lĩnh tôn giáo nhưng ở thời điểm nào đó, mức độ nào đó, do uy tín về tâm linh, họ còn là thủ lĩnh quân sự của người Jrai.
Tiến sĩ Bùi Minh Đạo, nói thêm: “Mặc dù các Vua Lửa là những con người có thật trong lịch sử, nhưng những câu chuyện về họ thường nhuốm màu sắc huyền thoại, bí ẩn và tạo nên vị thế khác biệt của tộc người Jrai trên cao nguyên đại ngàn. Đó cũng là “không gian sáng tạo” để cộng đồng thể hiện, gửi gắm khát vọng. Những câu chuyện đầy hư ảo ấy vẫn được người dân kể lại một cách gần gũi, giản dị và mang niềm tin tâm linh sâu sắc, đem đến trải nghiệm chân thực cho du khách. Đây cũng là một lợi thế để phát huy giá trị di tích Plei Ơi qua con đường du lịch”.
Cùng với đó, các ý kiến tại hội thảo cũng như tham luận của các nhà khoa học đã đưa ra nhiều góc nhìn, cách tiếp cận, qua đó tập trung làm rõ các cứ liệu khảo cổ học về hiện tượng Pơtao Apui, hệ thống hóa các tư liệu thư tịch cổ, các huyền thoại về hiện tượng này. Các nhà khoa học phân tích, đánh giá giá trị của di sản văn hóa Pơtao Apui trên cả phương diện vật thể và phi vật thể; chỉ ra mối liên hệ về phương diện tín ngưỡng, thực hành văn hóa với những hiện tượng tương tự ở các vùng văn hóa cận kề.
Những điều kỳ bí về các đời Vua Lửa và chiếc Gươm thần vẫn luôn được người dân nơi đây tôn kính. Vậy nhưng, khi ông Siu Luynh người được chọn kế vị Vua Lửa thứ 14 nhưng chưa làm lễ tiếp nhận gươm, thì đã qua đời vào năm 1999 nên chưa được gọi là Pơtao. Ông cũng chính là vị Vua Lửa cuối cùng và kể từ đây, không có người kế vị nên hiện tượng này chính thức tan rã. Việc thực hiện các nghi lễ cầu mưa hiện nay do các phụ tá đảm nhận.