Cột Cờ Lũng Cú: Điểm tựa, niềm tự hào nơi địa đầu Tổ quốc
Cột cờ Lũng Cú không chỉ là biểu tượng Tổ quốc Việt Nam nơi cực Bắc của đất nước, mà còn là niềm tự hào của người dân đất Việt.
Linh thiêng Lễ thượng cờ và khúc tráng ca hào hùng
Trong tiết trời trong xanh của tháng 5 lịch sử hào hùng dân tộc, dưới lá cờ đỏ sao vàng rực rỡ tung bay trên đỉnh núi Rồng, Quốc ca Việt Nam được vang lên hùng tráng. Những giai điệu thiêng liêng hòa vào tiếng gió, lan tỏa trong không gian núi rừng biên giới, khiến không khí buổi lễ thêm trang nghiêm, xúc động và đầy tự hào.

Báu vật của Lũng Cú chính là lá cờ Tổ quốc rộng 54m2 (6x9m) gắn với ý nghĩa 54 dân tộc anh em một nhà. Mỗi lá cờ sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ cao cả của mình lại được các chiến sỹ gấp lại, ghi mã số, ngày thượng cờ, ngày hạ cờ và được bảo quản một cách trang nghiêm.

Đồng chí Trung tá Kim Xuân Giang, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Lũng Cú, chia sẻ: Nghi lễ chào cờ tại Cột cờ Quốc gia Lũng Cú được tiến hành thường xuyên nhằm giáo dục, tuyên truyền cho cán bộ, chiến sỹ, nhân dân trên địa bàn khu vực biên giới và du khách lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Qua đó, góp phần củng cố tinh thần đại đoàn kết, khát vọng vươn lên, cùng nhau quyết tâm xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, tiếp tục thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Cột cờ Lũng Cú - Ánh sáng niềm tin nơi địa đầu Tổ quốc
Trên dải đất hình chữ S, cột cờ Lũng Cú như điểm tựa đầy kiêu hãnh ở nơi cao nhất của “mỏm cực Bắc”, Cột cờ Lũng Cú - di tích lịch sử quốc gia đã trở thành biểu tượng thiêng liêng của chủ quyền Tổ quốc Việt Nam nơi Cao nguyên đá Đồng Văn.

Từ chân núi, leo 893 bậc đá lên cột cờ, chắc hẳn ai cũng thấm mệt. Nhưng khi tận mắt thấy biểu tượng của đất nước uy nghi trước mặt, thì mọi mệt mỏi sẽ đều như tan biến. Chân cột cờ có tổng chiều cao 34,85m, lá cờ rộng 54m2, tượng trưng cho 54 dân tộc anh em cùng chung sống hòa thuận, đoàn kết trên lãnh thổ Việt Nam. Phần thân cột được thiết kế theo hình bát giác, gắn 8 hình trống đồng và 8 bức phù điêu bằng đá xanh, minh hoạ các giai đoạn qua từng thời kỳ lịch sử của đất nước cũng như con người và phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc Hà Giang.
Theo tài liệu ghi chép, cột cờ Lũng Cú được xây dựng từ thời Lý - năm 1073. Khi xưa, Thái úy Lý Thường Kiệt hội quân về đây, thấy được tầm vóc địa thế của miền biên ải nên đã cho cắm một cột mốc trên đỉnh núi Rồng để khẳng định chủ quyền lãnh thổ. Lúc đó, cột cờ làm bằng gỗ, lá cờ hình chữ nhật may bằng vải có rua xung quanh. Đến thời Tây Sơn, khi vua Quang Trung đánh tan quân xâm lược đã tiếp nhận cột cờ như một báu vật quốc gia. Để bảo vệ và khẳng định chủ quyền, vua Quang Trung đã cho xây dựng một đồn gác ở dưới chân núi. Trong đồn gác ấy để một trống đồng, cứ mỗi canh đánh lên 3 hồi để khẳng định chủ quyền đất nước. Lịch sử ghi rõ, tiếng trống đồng vang xa vừa là tín hiệu truyền tin về sự an nguy của vùng biên ải, vừa thức tỉnh lòng tự hào dân tộc, ý thức bảo vệ từng tấc đất non sông.
Đầu năm 1978, các chiến sĩ Đồn Biên phòng Lũng Cú, BĐBP Hà Giang cùng 24 chiến sĩ dân quân tự vệ đã khênh một cây sa mộc từ nhà chờ lên đỉnh núi làm cột cờ. Cây sa mộc lúc đó có chiều cao 12m, đường kính 20cm, lá cờ có diện tích 1,2m2. Từ đó, cột cờ mang tên chính thức “Cột cờ Lũng Cú”.


Để lá cờ Tổ quốc bình yên và tung bay trên bầu trời Việt, những người lính quân hàm xanh ở Lũng Cú bất kể ngày đêm luôn vững tay súng tuần tra, canh gác bảo vệ. Ngoài tuần tra canh gác vòng ngoài, vòng trong vùng biên ải, họ còn giữ vững an ninh dọc 150km đường biên giới, bảo đảm an toàn cho người dân nơi địa đầu Tổ quốc phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quê hương giàu đẹp.
Dưới lá cờ đỏ sao vàng rực rỡ tung bay, Quốc ca Việt Nam vang lên hùng tráng, vọng mãi ngàn năm trên đỉnh núi Rồng, ôm trọn những người con đất Việt trên cột cờ Lũng Cú như khẳng định chủ quyền của dân tộc và con người Việt Nam - biểu tượng cho tinh thần bất khuất, ý chí tự lực, tự cường, vươn lên.