Phóng sự - Ghi chép

Sức sống Trường Sa qua 50 năm giải phóng

Dương Vương 01/05/2025 - 06:21

Cách đây tròn 50 năm, Quân chủng Hải quân đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Quân khu 5, quân và dân tỉnh Khánh Hòa tranh thủ thời cơ, bất ngờ tiến công, lần lượt giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa; góp phần thắng lợi giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.

Cuộc chiến giải phóng Trường Sa

Cuối tháng 3/1975, tình hình trên các chiến trường miền Nam chuyển biến tích cực, nhận định đây là cơ hội giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa cũng như các điểm đảo khác do lực lượng của chính quyền cũ đồn trú, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ thị cho Bộ Tư lệnh Quân khu 5, Bộ Tư lệnh Hải quân nghiên cứu phương án tác chiến, nắm bắt thời cơ thuận lợi, tiến hành giải phóng các đảo.

Ta thành lập Đoàn C75 - đơn vị giải phóng Trường Sa gồm Đội 1 của Lữ đoàn Đặc công Hải quân 126, một số đơn vị bộ binh, đặc công, thông tin của Quân khu 5.

truongsa-1.png
Lực lượng đặc công tiến quân lên đảo Trường Sa chống quân xâm lược (Ảnh: Tư liệu).

Đầu tháng 4/1975, thành viên thuộc Đoàn C75 được lệnh xuống 3 con tàu của Đoàn 125 nhận nhiệm vụ giải phóng Trường Sa. Để giữ bí mật, biên đội tàu cải dạng thành tàu đánh cá nước ngoài, toàn bộ cán bộ, chiến sĩ giấu quân trong các khoang tàu, hầm hàng.

Chiều ngày 13/4/1975, các tàu của ta tiếp cận đảo Song Tử Tây thuộc quần đảo Trường Sa. Rạng sáng ngày 14/4/1975, lực lượng đặc công nước, bộ binh của ta được lệnh tiếp cận, tấn công lên đánh chiếm đảo. Chỉ sau 30 phút chiến đấu, đảo Song Tử Tây được giải phóng.

Nhận định đây là thời cơ để giải phóng các đảo còn lại thuộc quần đảo Trường Sa, ngày 21/4/1975, một biên đội tàu của Đoàn 125 tiếp tục đưa lực lượng ra giải phóng Trường Sa.

truongsa-2.jpg
Quân và dân ta đã giải phóng quần đảo Trường Sa vào ngày 29/4/1975 (Ảnh: Tư liệu).

Thực hiện theo kế hoạch ngụy trang thành tàu đánh cá nước ngoài, lực lượng ta bí mật tiếp cận sát trận địa ở Trường Sa. Đến ngày 28/4/1975, chúng ta giải phóng đảo Sinh Tồn. Ngày 29/4/1975, quân ta giải phóng toàn bộ các đảo trên quần đảo Trường Sa.

Sức sống Trường Sa

Chiến thắng giải phóng Trường Sa đã thể hiện chủ trương rất đúng đắn, sáng suốt, tầm nhìn chiến lược của Đảng, Quân ủy Trung ương, ý chí quyết chiến, quyết thắng của quân đội nhân dân Việt Nam nói chung, của bộ đội Hải quân và lực lượng vũ trang Quân khu 5 nói riêng; góp phần quan trọng vào chiến thắng vĩ đại của dân tộc - Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa.

Nhìn lại ký ức chiến đấu, ông Đào Mạnh Hồng - nguyên Phân đội trưởng Phân đội 1 (Đội 1 Trung đoàn 126 đặc công Hải quân, nay là Lữ đoàn Đặc công Hải quân 126) chia sẻ: “Việc giải phóng Trường Sa mang tính thời cơ chiến lược, làm nên chiến thắng chung của cả dân tộc. Trong quá trình chiến đấu giải phóng Trường Sa, tôi đã chứng kiến những đồng đội đã ngã xuống, những kỷ niệm, cảm xúc của những ngày đó tôi mãi không bao giờ quên”.

truongsa-3.jpg
Ông Đào Mạnh Hồng và Lê Văn Tấn chia sẻ tại chương trình "Sức sống Trường Sa" tối 29/4/2025 tại Khánh Hòa.

Ông Lê Văn Tấn - nguyên Đảo trưởng Trường Sa từ 1975 - 1987, cho biết: “Lần đầu ra nhận nhiệm vụ tại đảo Sinh Tồn, tôi mới 25 tuổi. Đảo Sinh Tồn là đảo khó khăn, khắc nghiệt nhất trong số các đảo đã được giải phóng nhưng với tinh thần quyết tâm của tuổi trẻ, tôi cùng với đồng đội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Sau đó, tôi qua đảo Trường Sa nhận nhiệm vụ thêm khoảng 10 năm”.

Trải qua 50 năm giải phóng, đảo Trường Sa dần đổi thay giữa muôn trùng đại dương. Hiện nay đảo Trường Sa đã hình thành các công trình như Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đài tưởng niệm liệt sĩ, Nhà khách Thủ đô, chùa Trường Sa, chùa Song Tử, chùa Sinh Tồn, Nhà văn hóa đảo Nam Yết, Nhà văn hóa đảo Song Tử Tây, Nhà cộng đồng đảo Đá Tây, lá cờ Tổ quốc bằng gốm sứ trên đảo Trường Sa,... Đó là địa chỉ sinh hoạt văn hóa tinh thần, giáo dục truyền thống cho quân, dân huyện đảo và gần hơn với đất liền.

Ông Lê Đình Hải - Chủ tịch UBND huyện Trường Sa bày tỏ: “Từ khi giải phóng đến nay, huyện đảo Trường Sa có nhiều thay đổi vượt bậc, đặc biệt từ khi có Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị. Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, quân đội và đồng bào cả nước, đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, nhân dân và chiến sĩ ở Trường Sa được cải thiện rõ rệt”.

truongsa-4.jpg
Nhiều công trình trên đảo Trường Sa góp phần phát triển vùng biển đảo sau 50 năm giải phóng. (Ảnh: HQ cung cấp).

Nhiều công trình về cầu cảng, sân bay, âu tàu, trạm hải đăng, đài khí tượng thủy văn, trạm thu phát truyền hình vệ tinh, hệ thống năng lượng sạch được xây dựng, không chỉ phục vụ nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân huyện đảo và ngư dân các địa phương làm ăn, phát triển kinh tế biển, kết hợp giữa kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế, góp phần cùng quân, dân huyện đảo nâng cao năng lực bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Chủ tịch UBND huyện Trường Sa Lê Đình Hải khẳng định: “Quần đảo Trường Sa có vai trò rất quan trọng đối với công cuộc xây dựng đất nước, phát triển kinh tế biển và bảo vệ vững chắc chủ quyền của Tổ quốc. Trường Sa hôm nay không chỉ là pháo đài thép giữa Biển Đông, lá chắn vững chắc bảo vệ chủ quyền Tổ quốc, mà còn là một đơn vị hành chính phát triển về mọi mặt, gắn liền với sự phát triển chung của Khánh Hòa và cả nước”.

Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị đặt mục tiêu đẩy mạnh xây dựng và phát triển Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước, là pháo đài vững chắc bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Đây là cơ sở chính trị pháp lý rất quan trọng giúp huyện đảo Trường Sa phát triển nhanh, mạnh, vững chắc hơn nữa.

Dương Vương