Phóng sự - Ghi chép

"Hồi sinh" rừng sác, "Đất thép" nở hoa

Đan Hà - Thiên Nhã 30/04/2025 - 21:49

Trong không khí cả nước hướng về kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), chúng tôi có dịp trở lại Cần Giờ, về với chiến khu Rừng Sác lịch sử.

Về "vùng đất thép” ôn lại một thời hoa lửa

Vừa qua phà Bình Khánh, Cần Giờ chào đón chúng tôi bằng bầu không khí trong lành đầy nắng và gió. Khác với cảnh xe cộ tấp nập thường thấy ở nội đô thành phố, con đường dẫn xuống Cần Giờ khá ít xe cộ, được đầu tư rộng rãi chạy xuyên qua cánh rừng ngập mặn, hai bên đường cây rừng xanh mát, đan xen là những rặng bông giấy nở hoa rực rỡ quanh năm, thỉnh thoảng quanh cảnh lại được nhấn nhá bởi vài chú sóc, vài chú khỉ chuyền cành ngó ra đường nhìn người xe qua lại. Một vẻ đẹp hoang sơ, yên bình nhưng lại căng tràn nhựa sống.

rung-sac-can-gio-9-1692958183-1-.jpg
Tượng đài tưởng niệm những chiến sĩ Đoàn 10 Đặc công đã hi sinh.

Trong những năm tháng chiến tranh, Rừng Sác - với địa hình sông rạch chằng chịt và rừng cây che phủ kín đáo đã nắm giữ một vị trí chiến lược trọng yếu khi chỉ cách Sài Gòn - đầu não của địch - chưa đầy 50km đường chim bay, đồng thời, lại án ngữ tuyến đường thủy huyết mạch ra biển Đông. Nhận thức rõ điều này, ngày 15/4/1966, Đặc khu quân sự Rừng Sác (Đoàn 10 Đặc công) được thành lập, với nhiệm vụ xây dựng căn cứ, biến nơi đây thành "mũi dao găm" kề sát nách địch và bám trụ chiến đấu.

“Thuở ấy, những người chiến sĩ đặc công Rừng Sác không chỉ phải chiến đấu với quân thù, mà còn phải chiến đấu sinh tồn với thiên nhiên khắc nghiệt” - Vừa dẫn đoàn du khách đến tham quan các khu vực tái hiện lại quang cảnh sinh hoạt và chiến đấu của các chiến sĩ Đoàn 10 đặc công Rừng Sác, anh hướng dẫn viên vừa kể về những khốc liệt của Rừng Sác thời chiến - “Thử thách lớn nhất là thiếu nước ngọt. Giữa rừng ngập mặn mênh mông chỉ có nước lợ, nước mặn chát. Mùa mưa còn đỡ, 6 tháng Rừng Sác mùa khô, cơn khát trở thành nỗi ám ảnh!”.

Nhiều người lính đã anh dũng hy sinh trong những đêm tối trời chèo xuồng vào ấp dân cư chở từng can nước ngọt duy trì sự sống cho đồng đội. Rồi các chiến sĩ sáng tạo ra cách hứng nước mưa bằng bẹ lá dừa nước, làm bồn chứa bằng thân cây chà là hay mày mò chưng cất nước mặn thành nước ngọt, hai người làm việc cật lực 8-10 tiếng chỉ được gần chục lít nước chia đều cho ba, bốn chục chiến sĩ dùng cầm chừng trong ngày. Những giọt nước chắt chiu ấy là biểu tượng của ý chí "còn người còn trận địa".

Cái đói cũng thường trực. Lương thực dựa vào tiếp tế hoặc khai thác tại chỗ (bắt cá, cua) nhưng luôn bấp bênh, nguy hiểm. Bệnh tật, nhất là sốt rét rừng, ghẻ lở do môi trường ẩm thấp, thiếu vệ sinh, thuốc men khan hiếm, bào mòn sức khỏe chiến sĩ. Rồi cá sấu hoa cà khổng lồ - con lớn nhất dài tầm 6 - 7 mét, nặng gần cả tấn - hung dữ ẩn mình dưới sông rạch, chực chờ cướp đi sinh mạng. Bộ đội phải liều mình chiến đấu với chúng, thậm chí mở chiến dịch “diệt cá sấu”.

Vượt lên mọi gian khổ, hy sinh, bằng lòng dũng cảm, trí thông minh và lối đánh đặc công bí mật, bất ngờ, Đoàn 10 Rừng Sác đã lập nên những chiến công vang dội. Suốt 9 năm (1966-1975), hàng trăm trận đánh đã biến sông Lòng Tàu thành dòng sông lửa, nhấn chìm hàng trăm tàu thuyền địch.

Đỉnh cao là trận đánh huyền thoại vào Tổng kho xăng dầu Nhà Bè rạng sáng 3/12/1973, thiêu rụi 250 triệu lít xăng, giáng một đòn chí mạng vào hậu cần địch ngay cửa ngõ Sài Gòn. Đặc biệt, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh tháng 4 năm 1975, vai trò của Đoàn 10 càng trở nên quyết định. Thông thuộc địa hình, họ đã dẫn đường cho các binh đoàn chủ lực thần tốc áp sát Sài Gòn từ hướng Đông Nam, đồng thời trực tiếp chiến đấu, đánh chiếm các mục tiêu then chốt. Khoảnh khắc lá cờ giải phóng tung bay trên nóc Bộ Tư lệnh Hải quân ngụy trưa 30/4/1975 do chính tay những người lính Đoàn 10 cắm lên mãi là một biểu tượng hào hùng, góp phần làm nên Đại thắng Mùa Xuân lịch sử.

Suốt 9 năm anh dũng kháng chiến, “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, 915 cán bộ, chiến sĩ Đoàn 10 đã nằm lại đất mẹ Rừng Sác. Đứng trước bia tưởng niệm ghi danh các anh, lòng tôi chùng lại vì xúc động và biết ơn. Nỗi đau còn nhân lên khi biết hài cốt của 542 liệt sĩ vẫn còn nằm lại đâu đó giữa mênh mông sông nước này.

Màu xanh đã trở lại

Ngày thống nhất, Rừng Sác là một vùng đất chết đúng nghĩa, bị tàn phá nặng nề bởi bom đạn và hơn 4 triệu lít chất độc hóa học quân thù trút xuống. Cây cối trụi lá, đất đai bạc màu, hệ sinh thái bị hủy diệt. Với quyết tâm "trả lại màu xanh cho Rừng Sác", Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM đã bền bỉ thực hiện công cuộc tái sinh vùng đất này. Hàng triệu cây đước, cây mắm, cây bần... đã được trồng xuống bằng mồ hôi, công sức và tình yêu của biết bao con người - từ những cựu chiến binh từng chiến đấu ở đây, đến các bạn trẻ, học sinh, người dân thành phố.

rung-sac-can-gio-3-1692958109-1-.jpg
Màu xanh đã trở lại với Rừng Sác.

Đứng giữa Rừng Sác xanh tươi hôm nay, tôi có thể cảm nhận được kết quả của những nỗ lực phi thường và bền bỉ ấy. Màu xanh đã trở lại, phủ kín những vùng đất hoang tàn năm xưa. Hệ sinh thái rừng ngập mặn đang dần phục hồi, trở thành mái nhà chung của vô vàn loài động thực vật, đồng thời, còn trở thành “lá phổi xanh” vô giá, điều hòa khí hậu cho cả một vùng đô thị rộng lớn.

“Được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia theo Quyết định số 101/2004/QĐ-BVHTT ngày 15/12/2004, Di tích lịch sử chiến khu Rừng Sác không chỉ là một địa điểm lịch sử giúp người dân và du khách hiểu rõ hơn về những sự kiện lịch sự của vùng đất Cần Giờ, mà còn là một bảo tàng sống động giúp du khách khám phá hệ động thực vật phong phú của hệ sinh thái rừng ngập mặn” - Ông Nguyễn Ngọc Xuân - Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ thông tin.

Cần Giờ đã và đang trở thành điểm hẹn yêu thích của người dân thành phố và du khách thập phương, những người yêu thích trải nghiệm khám phá thiên nhiên hoang dã. Chia sẻ về tình hình du lịch sinh thái Cần Giờ hiện nay, ông Nguyễn Ngọc Xuân – Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ thông tin: Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và khai thác tiềm năng du lịch sinh thái, tạo điểm nhấn thu hút du khách, thời gian qua, huyện đã tập trung đầu tư nhằm từng bước hoàn chỉnh và tổ chức khai thác có hiệu quả không gian du lịch trên địa bàn, tận dụng tối đa được sự đa dạng của các hệ sinh thái tại khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ.

Gần đây, Cần giờ đã từng bước hoàn thiện hệ thống các tuyến đường giao thông, bến thủy nội địa để thuận lợi cho người dân và du khách lưu thông; vận động các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch chủ động trong việc đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ cho du khách đến tham quan; bố trí các không gian mua sắm, giữ gìn vệ sinh môi trường tại các khu, điểm du lịch.

Bên cạnh đó, việc tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch sinh thái gắn với thế mạnh tài nguyên rừng ngập mặn Cần Giờ và các giá trị văn hóa, lịch sử địa phương cũng được UBND huyện chú trọng nhằm phát huy thế mạnh, tiềm năng của mỗi xã, thị trấn trong việc hình thành và phát triển các sản phẩm du lịch. Năm 2024, lượng khách đến tham quan, du lịch tại huyện đạt 4.395.000 lượt khách, tăng 15,6% so với năm 2023. Quý I năm 2025, lượng khách đến tham quan, du lịch tại huyện đạt 1.080.000 lượt khách, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2024.

Ông Xuân chia sẻ, giữa bối cảnh Cần Giờ đang trên đà vươn mình phát triển mạnh mẽ hiện nay, Di tích lịch sử chiến khu Rừng Sác đã góp phần thúc đẩy ngành du lịch địa phương, tạo cơ hội việc làm và nâng cao đời sống kinh tế cho người dân Cần Giờ. Đồng thời, đây cũng là nơi giáo dục thế hệ trẻ về giá trị của hòa bình, lòng yêu nước và sự hy sinh vì Tổ quốc, góp phần xây dựng một cộng đồng gắn kết và tự hào về truyền thống dân tộc.

Đan Hà - Thiên Nhã