Văn hóa - Du lịch

Người vẽ hơn 3.000 chân dung Mẹ Việt Nam anh hùng

Kim Sáng 30/04/2025 - 13:28

Gần 80 tuổi, họa sĩ Đặng Ái Việt vẫn rong ruổi khắp các tỉnh, thành bằng chiếc xe gắn máy để vẽ chân dung Mẹ Việt Nam anh hùng. Đến nay, hơn 3.000 bức chân dung của bà không chỉ là tư liệu quý giá nằm trên giấy, mà đã được số hóa để lưu truyền cho thế hệ mai sau.

Khi nào vẽ hết các mẹ, tôi mới cho phép mình nghỉ ngơi

Giữa những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi có dịp gặp nữ hoạ sĩ Đặng Ái Việt, người thổi hồn cho hơn 3.000 bức chân dung Mẹ Việt Nam anh hùng. Đây có thể xem là cơ duyên hiếm hoi vì thường ngày lịch trình di chuyển của bà dày đặc, ra Bắc vào Nam liên tục, ít ai dám làm phiền khi bà đang say mê khắc họa những người có công với đất nước.

1-1-(1).jpg
Họa sĩ Đặng Ái Việt.

Năm nay, dù đã gần 80 tuổi nhưng họa sĩ Đặng Ái Việt vẫn giữ cho mình một phong thái nhanh nhẹn, minh mẫn, nhiều người nói do bà chuyên vẽ Mẹ Việt Nam anh hùng nên được các mẹ “độ” sức khỏe.

Hành trình của bà bắt đầu từ ngày 19/2/2010, với chiếc xe máy hiệu Chaly cũ kỹ, nay là chiếc Super Honda. Trong mỗi chuyến đi, bà mang theo vài bộ quần áo, gạo, hạt điều, cà phê và chiếc nồi nhỏ... ngoài những bữa ăn thân tình cùng các Mẹ, bà sẽ tự túc việc ăn ở và các chi phí khác.

Nguyên tắc bà đặt ra là không bao giờ nhận tiền từ các Mẹ, con cháu của Mẹ hay chính quyền địa phương.

Với mức lương hưu 10 triệu đồng mỗi tháng, bà nói từng đó là đủ cho bà đi khắp đất nước. Nhiều người ngỏ lời hỗ trợ nhưng bà kiên quyết không nhận.

Với bà, đây là hành trình chạm đến trái tim, là việc cần làm để trả ơn. Trả món nợ ân tình cho những đồng đội đã nằm lại chiến trường, trả ơn cho những người Mẹ lặng lẽ tiễn con đi không ngày trở lại chứ không vì mục đích nào khác.

“Mỗi lần gặp các Mẹ, tôi luôn ôm họ, hôn họ. Đây không chỉ là tình cảm cá nhân mà tôi làm thay những người lính không còn cơ hội trở về ôm mẹ mình", nữ họa sĩ kể lại.

Bà nói, trong suốt nhiều năm đi vẽ, mọi người thường hỏi bà ấn tượng với Mẹ Việt Nam anh hùng nào nhất?

“Tôi không trả lời được câu hỏi này vì mỗi Mẹ Việt Nam anh hùng đều mang một câu chuyện bi hùng, không ai giống ai. Họ đều có những mất mát riêng và họ đều xứng đáng được kính trọng như nhau”, nữ họa sĩ thổ lộ.

z6552713232249_29f15db4d76e31e2a031b49f0fb08b89aaa.jpg
Họa sĩ Đặng Ái Việt giao lưu nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong mỗi bức chân dung của bà vẽ, hình ảnh Mẹ Việt Nam anh hùng hiện lên với nét đẹp riêng, có Mẹ cười, Mẹ lặng, Mẹ ngồi trong căn nhà gỗ nhỏ giữa làng quê, hay bên bàn thờ người thân đã ngã xuống. Tất cả tạo nên một bản đồ ký ức đầy cảm động, sâu thẳm trong đó là những vết thương của chiến tranh.

Đến nay, bà đã vẽ hơn 3.000 bức chân dung Mẹ Việt Nam anh hùng nhưng hành trình đó vẫn chưa dừng lại. Bà nói, khi nào vẽ hết các Mẹ còn sống, lúc đó mới cho phép mình nghỉ ngơi.

Khoác trên mình chiếc khăn rằn Nam Bộ, họa sĩ Đặng Ái Việt sẽ tiếp tục rong ruổi khắp 3 miền đất nước để khắc hoạ các Mẹ Việt Nam anh hùng, những con người hy sinh thầm lặng để nước nhà có được hạnh phúc trọn vẹn như hôm nay.

Trong hành trình miệt mài ấy, chưa bao giờ bà thấy khó khăn. Với bà, đó chỉ là thử thách mà thử thách là để vượt qua.

Để các mẹ sống mãi với thời gian

Hơn 1 thập kỷ xuyên Việt, bà vui vì đã góp phần lưu giữ ký ức của một thời đại. Nhiều người nhận xét, những bức tranh của bà mang nét riêng của Đặng Ái Việt.

Dù có cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc nhiều với họa sĩ Đặng Ái Việt nhưng đến ngày hôm nay, mỗi khi xem lại bức chân dung họa sĩ Việt vẽ về mẹ mình, Trung tướng Phạm Văn Dỹ, nguyên Chính ủy Quân khu 7, con trai Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Xuyến vẫn không khỏi xúc động.

z6552713486232_f44ccc9c9d037ddb9415b2ee0d22e9b8.jpg
Các bức chân dung được số hóa trong website "Chân dung Mẹ Việt Nam anh hùng".

“Cùng một bức tranh nhưng họa sĩ Việt đã khắc họa mẹ tôi qua từng nét vẽ. 50 năm trước là hình ảnh người mẹ gian lao, tiễn con ra trận rồi hóa đá khi hay tin con ra đi nhưng nửa thế kỷ sau là hình ảnh mẹ thanh thản khi chứng kiến đất nước hòa bình, phát triển.

Lời cảm ơn sẽ không bao giờ đủ nhưng gia đình tôi vẫn muốn gửi đến chị với lòng khâm phục lớn lao”, Trung tướng Phạm Văn Dỹ nói.
Trước đây, họa sĩ Đặng Ái Việt đi vẽ với mục đích lưu giữ hình ảnh các Mẹ Việt Nam Anh hùng nhưng bà luôn canh cánh làm sao để những bức chân dung của các mẹ, từ nếp nhăn, ánh mắt, dáng hình được lưu giữ mãi với thời gian, không chỉ đơn thuần trên mặt giấy.

Khi được một số cán bộ của Trung tâm Ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) TP.HCM) "ngỏ ý" số hoá các bức tranh để lưu giữ và lan truyền cho thế hệ sau, bà mừng vì đã có lực lượng "chia lửa" cho hành trình nghĩa tình này, càng vui hơn vì đây là thế hệ trẻ, những người thừa hưởng và tiếp nối công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Từ mối lương duyên đó, website “Chân dung Mẹ Việt Nam anh hùng” chính thức ra đời vào tháng 1/2020 như một bảo tàng trực tuyến lưu giữ di sản tinh thần đặc biệt này. Cũng từ đó, hành trình “Đền ơn đáp nghĩa” của họa sĩ Đặng Ái Việt như được tiếp thêm nguồn sức mạnh lớn lao.

Sau 5 năm, trung tâm đã số hóa khoảng 3.000 tác phẩm của họa sĩ Đặng Ái Việt. Ngoài ảnh chân dung Mẹ Việt Nam anh hùng, trang web còn giới thiệu từng câu chuyện của các Mẹ cũng như hoàn cảnh ra đời bức chân dung.

“Khi cô vẽ đến đâu, cô gọi cho chúng tôi. Chúng tôi cử người đến, xác định vị trí, thu thập dữ liệu rồi đưa lên trang web. Chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành cùng cô, để mỗi bước chân cô đi đều được ghi lại”, ông Phạm Quốc Phương - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Hệ thống Thông tin Địa lý (Sở KH&CN TP.HCM) nói.

Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), Ban Thường vụ Thành Đoàn TP.HCM phối hợp cùng Sở KH&CN trình làng website “Chân dung Mẹ Việt Nam anh hùng”.

2-1-(1).jpg
Họa sĩ Đặng Ái Việt giới thiệu cho các bạn trẻ về chiếc xe Super Honda cùng hành trang mang theo trên hành trình xuyên Việt của bà.

Có thể nói đây là công trình mang tính thời đại, không chỉ là trang thông tin mà còn là kho lưu trữ tiện ích, góp phần tuyên truyền, giáo dục tình yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào dân tộc đến các tầng lớp nhân dân.

Chiến tranh đã lùi xa nhưng hình tượng Mẹ Việt Nam anh hùng vẫn sống mãi trong lòng mỗi người dân Việt Nam. Những bức họa về Mẹ Việt Nam anh hùng đã phần nào xoa dịu nỗi đau tưởng chừng không thể nguôi ngoai của những gia đình có người thân hi sinh trong các cuộc kháng chiến.

Cảm ơn nữ họa sĩ Đặng Ái Việt, người góp phần không nhỏ để các Mẹ sống mãi với thời gian.

Họa sĩ, Anh hùng Lao động Đặng Ái Việt sinh ngày 16/11/1948 tại huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Bà vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng ngày 26/3/1969.

Họa sĩ Đặng Ái Việt đã được Chủ tịch nước phong tặng Danh hiệu “Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới” năm 2021. Bên cạnh đó, họa sĩ Đặng Ái Việt cũng được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam và Trung tâm Sách kỷ lục châu Á xác nhận là người phụ nữ đầu tiên sử dụng xe máy đi khắp 63 tỉnh, thành phố để ký họa chân dung các Bà mẹ Việt Nam anh hùng vào năm 2010, 2011 và 2013.

Kim Sáng