Đời sống

Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Bảy - chứng nhân của hai thế kỷ

Đan Hà 30/04/2025 06:30

Tôi có may mắn nhiều lần được đến thăm Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Bảy ở xã Tân Bình, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An. Ở cái tuổi 104, má Bảy lưng không còng, chân đi không cần chống gậy và vẫn khiến mọi người ngưỡng mộ bởi sự thông tuệ, minh mẫn và cả sự hài hước, dí dỏm.

anh-3.jpg
Các con quây quần bên má Bảy (người áo hoa là cô Châu Thị Hạnh, con gái đầu của má Bảy, nguyên Phó Chánh tòa Dân sự , TAND tỉnh Long An).

Tôi nhớ lần đầu tiên gặp má Bảy là dịp Báo Công lý phối hợp cùng Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP.HCM tổ chức chuyến đi thăm các Mẹ Việt Nam anh hùng huyện Tân Trụ.

Vừa thoáng thấy chúng tôi bước vào đầu ngõ, má Bảy đã xăng xái ra cổng đón, nắm tay đứa này, hỏi thăm đứa kia. Khi được giới thiệu trong đoàn có đồng chí Phó Chủ tịch huyện, má khẽ nhướng mày nhìn rồi trêu: “Lên chức hả con, đã khao chưa, tao nhớ tuần trước mày còn là Chánh Văn phòng huyện mà”. Cả đoàn không khỏi kinh ngạc vì trí nhớ siêu phàm của má, đúng là đồng chí Phó Chủ tịch mới lên chức được 3 ngày.

Má kéo chúng tôi qua phòng khách, nơi có treo cờ Đảng và cờ Tổ quốc và kể về cuộc họp Chi bộ xóm mới diễn ra tối hôm trước. Chuyện làng, chuyện xã, chuyện nghị quyết... má Bảy kể ràu ràu, phân tích sắc bén, không hổ danh Bí thư Đảng bộ xã Tân Bình những năm đầu sau giải phóng. Với 64 năm tuổi Đảng, người đảng viên đó vẫn không thôi những trăn trở với thời cuộc, với những đổi thay của đất nước.

Má Bảy sinh ngày 10/10/1921 trong gia đình nông dân có truyền thống cách mạng ở xã Mỹ Thạnh, Tân Trụ, Long An. 17 tuổi má theo chồng về định cư ở xã Tân Bình cho đến nay. Má Bảy và chồng, ngoài nghĩa phu thê còn có tình đồng chí. Bao năm chồng hoạt động cách mạng là bấy nhiêu năm má kề vai sát cánh.

Từ tháng 2 năm 1948 má Bảy đã là hội viên Phụ nữ cứu quốc. Năm 1961, má vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ, người phụ nữ ấy, một nách bốn con vẫn luôn đi đầu trong các phong trào đấu tranh. Cả bốn người con của má Bảy, tiếp bước mẹ cha cũng sớm dấn thân tham gia kháng chiến.

Má Bảy kể: “Ôi cái thời đó, chiến tranh ác liệt lắm. Thanh niên trong xã để không phải đi lính cầm súng chống lại bà con mình thì chỉ có cách thoát ly tham gia kháng chiến. Càng thấy cha ông hi sinh thì lòng lại càng sục sôi ý chí chiến đấu. Mấy đứa nhỏ nhà này cũng theo các anh, các chú đi chiến đấu hết. Chồng vợ, con cái cùng hoạt động, có khi vài tháng cũng chẳng gặp được nhau”.

Trong suốt 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, má Nguyễn Thị Bảy đã cùng với chồng và các con cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc bằng mồ hôi nước mắt và cả xương máu. Với những cống hiến to lớn, má đã được Nhà nước công nhận danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng theo Quyết định số 394-KT/CTN, ngày 17/12/1994.

Bom đạn không có mắt. Xác định để chồng con tham gia chiến đấu là xác định nguy cơ sinh ly tử biệt, nhưng nỗi đau mất đi khúc ruột của mình thì chỉ đến khi trải qua mới thấm thía. Năm 1965, má Bảy mất người con đầu tiên. Liệt sĩ Châu Thị Năm hi sinh khi vừa tròn 18. Cô Bí thư chi đoàn ở lại trong lòng đất mẹ khi còn căng tràn nhựa sống, căng tràn nhiệt huyết tuổi thanh xuân.

Chưa đầy 3 năm sau, má Bảy nghẹn ngào khi nghe tin con trai hi sinh. Liệt sĩ Châu Văn Tư nằm xuống trong một trận đánh cực kỳ ác liệt khi mới tròn 23 tuổi. Người chiến sĩ ấy còn nợ lại bao điều hẹn ước chưa tròn và một nỗi đau cắt da cắt thịt mẹ mình. Chưa khô nước mắt khóc con, chỉ 1 năm sau, má Bảy lại nghẹn ứ khóc chồng. Năm 1969, chồng má Bảy hi sinh. Không còn nước mắt để khóc!

Tôi hỏi má Bảy, những năm tháng chiến tranh đó, điều gì khiến má có thể vượt qua nỗi đau mất chồng, mất con để sống và chiến đấu kiên cường đến vậy? Giọng má Bảy trầm xuống như thủ thỉ: “Cũng chẳng nghĩ được gì nhiều đâu con. Công việc nhiều quá cứ cuốn má đi, lớp thì việc nhà, lớp việc đoàn thể, lớp đối phó giặc càn khắp nơi, chẳng còn lúc nào để mà suy nghĩ. Thảng hoặc có chút rảnh rỗi nhớ chồng, nhớ con thì lại thấy mình còn may mắn, vì má còn hai đứa con vẫn còn sống, còn sát cánh chiến đấu. Chứ cái xã này, cái huyện này, nhiều đồng đội của má đón hòa bình về có một mình, một nhà mà có đến mấy Bà mẹ Việt Nam anh hùng con ạ”.

Rồi má quay qua rổn rảng kể về hai người con bình an đi qua cuộc chiến của mình. Chỉ vào người phụ nữ đang ngồi cạnh mình, má Bảy khoe: “Nó đấy, cái con này nè con, con Hai của má đấy. Nó vừa hoạt động, vừa đi học, hòa bình về được đào tạo làm đến Thẩm phán Tòa án tỉnh Long An này đó con. Coi nó vậy chứ một thời xử án uy nghiêm lắm à nha”.

Người con gái đầu lòng là niềm tự hào của má Bảy chính là cô Châu Thị Hạnh, nguyên Phó Chánh tòa Dân sự, TAND tỉnh Long An. Cô Hạnh là lứa Thẩm phán những năm đầu tiên sau khi đất nước thống nhất. Người con còn lại của má Bảy sau chiến thắng trở về cũng đã góp phần không nhỏ trong công cuộc xây dựng đất nước sau chiến tranh.

Ở cái tuổi 104, má Bảy chưa nghỉ hưu một ngày nào, dù đã nhận quyết định về hưu năm 1979 khi đang là Bí thư Đảng ủy xã Tân Bình. Từ đó đến nay, má Bảy vẫn luôn là tấm gương cho cán bộ, nhân dân xã Tân Bình khi mà chưa một ngày nào, chưa một hoạt động xã hội nào vắng bóng má.

Trước khi tiễn chúng tôi ra về, má Bảy gọi từng đứa lại mừng tuổi, mỗi người một phong bao lì xì màu đỏ dù không phải là Tết. Nhìn qua nhìn lại, má hỏi Bí thư huyện đang đi cùng: Má thấy thiếu một thằng dân quân và cái thằng lái xe của con nữa. Hóa ra các bạn ấy chào má xong là chạy ra đầu ngõ coi xe. Chỉ một thoáng nhìn, má Bảy không bỏ sót một đứa con nào khiến chúng tôi thêm bội phần kính nể.

Trong suốt 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, má Nguyễn Thị Bảy đã cùng với chồng và các con cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc bằng mồ hôi nước mắt và cả xương máu. Với những cống hiến to lớn, má đã được Nhà nước công nhận danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng theo Quyết định số 394-KT/CTN ngày 17/12/1994.

Đan Hà