Tà đạo và những hệ lụy khôn lường

Đời sống - Ngày đăng : 06:40, 03/05/2018

Thời gian gần đây, trên địa bàn nhiều tỉnh thành trong cả nước xuất hiện các nhóm người lạ mặt, tự xưng là “Hội thánh đức chúa trời” đi tuyên truyền, dụ dỗ và lôi kéo người dân theo đạo.

Đã có nhiều người mê muội bỏ nhà bỏ cửa, bỏ vợ bỏ chồng, bỏ gia đình, người thân, bỏ thờ cúng tổ tiên để đi theo Hội.

Đây không phải là lần đầu tiên mà những kẻ truyền bá tôn giáo trái pháp luật xuất hiện ở Việt Nam. Trước đó, vào những năm đầu của thế kỷ 21, tà đạo “Hà Mòn” và “Vàng Chứ” đã từng một thời hoành hành và gieo rắc biết bao lầm lạc, khổ đau cho đồng bào ở một số bản làng vùng sâu, vùng xa, biên giới.

“Gió độc” trên đất bazan

Xuất hiện tại tỉnh Kon Tum vào năm 1999 bởi sự thêu dệt về hiện tượng Đức Mẹ hiện hình của đối tượng Y Ghin (tên gọi khác là Y Ên, dân tộc Rơ Ngao, trú tại thôn Kơ Tu, xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum), một phụ nữ vốn hành nghề thầy mo, thầy cúng, “Tà đạo Hà Mòn” đã trở thành một “cơn gió độc” lan sang các tỉnh Tây Nguyên, lôi kéo hàng ngàn người bỏ lao động sản xuất, bỏ các tín ngưỡng truyền thống, tin và làm theo tà đạo.

Tà đạo và những hệ lụy khôn lường

Y Ghin, người “sáng tạo” ra tà đạo Hà Mòn bị đưa ra xét xử

Thậm chí, các đối tượng theo “Tà đạo Hà Mòn” đã móc nối với tổ chức phản động Fulro lưu vong, tụ tập, tuyên truyền kích động tư tưởng ly khai, tự trị, chia rẽ tôn giáo; tổ chức các hoạt động chống phá chính quyền, rào làng, đào hầm, trốn ra rừng, ngăn cản, khống chế cán bộ cơ sở… Chúng cho người tung ra các luận điệu xuyên tạc, bịa đặt như trái đất sắp đến ngày tận thế, ai tin tưởng và hướng về Đức mẹ thì linh hồn được cứu rỗi, không phải lao động vẫn sung sướng, ốm đau không chữa cũng khỏi bệnh, vay vốn ngân hàng sẽ được xóa nợ!

Những kẻ cầm đầu như A Tack, A Hyum ở xã Đăktờre, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum hay Chinh, Runh, Rưn, B’Yứk ở làng Krót, Krét xã H’ra, huyện Măng yang, tỉnh Gia Lai đã dùng mọi cách để khuếch trương thanh thế như thể đi theo tà đạo này là “con đường sáng” để đến được thiên đường hạnh phúc. Điều nực cười là “con đường sáng” ấy lại chỉ được nhóm họp trong những đường hầm tối tự tạo để bàn biện pháp thách thức và cản trở những hoạt động của chính quyền và các đoàn thể, kích động người dân từ bỏ sinh hoạt và các phong tục tập quán truyền thống, đồng thời gây rối, chia rẽ tôn giáo, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc…

Để củng cố tổ chức, các đối tượng cầm đầu tự đặt ra các hoạt động như: Ở các thôn, làng có đạo, tín đồ phải tập trung theo nhóm để đọc kinh, cầu nguyện và dâng hoa vào các ngày 10, 20, 30 hàng tháng. Thứ 7, chủ nhật hàng tuần sinh hoạt đạo vào cả buổi sáng và buổi tối. Phân công các giáo phu làm cốt cán của từng nhóm để cầu nguyện và là người xướng kinh. Người nào tin theo phải nộp một số tiền để phục vụ đạo, khi sinh hoạt cầu kinh, dâng hoa cũng phải nộp tiền để mua hoa, trang trí. Cũng trong thời gian này, một số đối tượng đi đến các làng, thông qua mối quan hệ thân tộc, lôi kéo tín đồ hình thành các nhóm tà đạo Hà Mòn ngày càng phức tạp.

Do trình độ nhận thức còn hạn chế và do cả những ảo tưởng hoang đường nên một bộ phận quần chúng nhân dân các dân tộc thiểu số đã trót đi theo tà đạo. Phần lớn những người bị lôi kéo đều là những phụ nữ, trẻ em và là các tín đồ đạo Công giáo. Những người theo tà đạo này thực hiện 5 không: Không biết; không nghe; không nói; không làm theo chính quyền và không nhận tất cả các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Với phương châm “Bất bạo động, bất hợp tác”, đóng cửa tự cô lập mình với xã hội, không thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước gây tâm lý hoang man, dao động của một số cán bộ, đảng viên là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, một số đoàn thể quần chúng không hoạt động, hoặc hoạt động cầm chừng.

Trước tình hình đó, các ban ngành, đoàn thể, cấp ủy chính quyền, đặc biệt là lực lượng công an của các tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền, đấu tranh trong công tác đấu tranh xóa bỏ “Tà đạo Hà Mòn”. Tại các huyện Mang Yang, Đăk Pơ, Đăk Đoa, Chư Păh, những nơi được xem như là “điểm nóng” của “Tà đạo Hà Mòn”, lực lượng chức năng và các cấp chính quyền đã tổ chức các buổi phát động quần chúng tập trung, đưa các đối tượng ra kiểm điểm trước dân, xây dựng nhiều tài liệu tuyên truyền miệng, phóng sự, lời nhận tội của các đối tượng để phục vụ công tác tấn công chính trị… Những kẻ cầm đầu tà đạo Hà Mòn như Y Gyin, A Tách, Chinh, Runh, Rưn, B’Yứk lần lượt bị bắt, rồi toàn bộ các điểm nhóm của “Tà đạo Hà Mòn” cũng dần được xóa bỏ. Trước buôn làng, những kẻ cầm đầu gây rối này đã phải ngoan ngoãn thừa nhận hành vi tội ác của chúng cùng sự lôi kéo, xúi dục của “quan thầy” bên kia biên giới…

Sau bao biến cố, tình người trong các dân tộc Tây Nguyên từ Ba na, Ê đê, Xơ đăng đến M’nông, Jia rai, Kinh, K’Ho... không bao giờ thay đổi. Những người đã từng một thời lầm lỡ tin theo tà đạo giờ đã có cuộc sống yên bình, sự mặc cảm của họ dần biến mất nhờ sự tha thứ, đùm bọc của cộng đồng.

Tán gia bại sản vì “Vàng Chứ”

Cũng với những luận điệu sai trái, hoang đường, đầu tháng 5 năm 2011, một nhóm phần tử bất hảo theo đạo Vàng Chứ đã chọn Huổi Khon (Nậm Kè, Mường Nhé, Điện Biên) làm địa điểm “xưng bá, xưng vương” và phỉnh dụ hàng ngàn người Mông ở một số xã trong huyện cùng các tỉnh lân cận như: Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Hà Giang và xa hơn là Đắk Lắk, Đắk Nông... di cư tự do về đây, tụ tập chờ đón “Vua trời”…  

Kẻ cầm đầu nhóm phản động, chuyên truyền đạo trái phép này là Vàng A Ía (ở bản Nậm Mỳ 2, Mường Toong, Mường Nhé, Ðiện Biên) và Thào A Lù (ở bản Phìn Giàng, Bảo Nhai, Bắc Hà, Lào Cai). Hai tên Ía và Lù cùng với đồng bọn là Thào A Lù, Giàng A Sỳ, Vàng A Giàng, Vàng Seo Phừ, Mùa A Thắng,  Thào  A  Khay, Chang A Dơ, Thào A Lâu, Cư A Báo... đi lôi kéo một số người Mông di dân tự do sang Mường Nhé, Điện Biên. Với bản chất lười lao động, lại muốn được đề cao, trọng vọng, các đối tượng soạn thảo tài liệu với các luận điệu tuyên truyền bịp bợm, nhằm lừa phỉnh người dân mang tiền của, công sức quyên góp, cống nộp cho chúng để thành lập cái gọi là “Nhà nước Mông”. Sau nhiều ngày “ăn gió nằm sương” nơi “Vua trời - Vàng Chứ” “hạ thế”, nhiều người dân đã rơi vào tình trạng ốm đau, bệnh tật, kiệt quệ cả về thể chất lẫn tinh thần…

Tà đạo và những hệ lụy khôn lường

Ông Sùng A Kỷ (ngoài cùng, bên trái), cùng cán bộ biên phòng đi vận động đồng bào

Vốn thật thà, nhẹ dạ, ‎khi nghe bọn xấu tung tin: Trái đất sắp đến ngày tận thế, nếu ai mau về “vùng đất thiêng” Huổi Khon thì sẽ được “Vàng Chứ” chở che; phong chức tước, ban bổng lộc và đưa lên “nước trời” hưởng sung sướng, anh Vàng A L‎ý liền bán tống bán tháo hết của cải, dắt díu vợ con ra tụ tập ở khu vực “đồi thiêng”. Chờ đợi ròng rã chẳng thấy “Vàng Chứ”, phép màu, thiên đường no đủ sung sướng ở đâu, chỉ thấy khổ cực, đói khát. Những đồng tiền mồ hôi nước mắt của Lý phần bị bọn cầm đầu dụ dỗ quyên góp, phần tiêu pha lãng phí chẳng mấy chốc đã cạn kiệt. Đau đớn hơn, không chỉ mất tiền, mất của, mà trong vụ ấy, con gái của A Lý bị thất lạc, giờ không biết ở đâu. Vợ Lý thì sau trận đày ải cơ cực đó, về nhà bị ốm chết. Còn lại một mình với đứa con trai, A Lý chỉ chán nản phó mặc số phận.

Giống với nhà Vàng A Lý, gia đình Sùng Chồng Hòa và Vàng Thị Dua cũng từng nông nổi tin theo đạo Vàng Chứ, bán nhà cửa, trâu bò, ôm con nhỏ vào rừng tụ tập. Sau những ngày sống chen chúc trong các căn lều tạm bợ, chật hẹp ở “đồi thiêng Huổi Khon”, con nhỏ của vợ chồng Hòa bị ốm thập tử nhất sinh, về phải chữa chạy mãi mới khỏi. Gia cảnh đã nghèo lại càng nghèo.

Khi người dân đứng trước những nguy cơ bị xâm hại nặng nề, chính quyền tỉnh Điện Biên và các lực lượng chức năng đóng trên địa bàn đã kịp thời ngăn chặn, bắt giữ và đưa ra xét xử những tên cầm đầu; tổ chức khám chữa bệnh, cấp phát thuốc, đồ ăn miễn phí cho bà con. Cùng với đó, các tổ công tác tiến hành tuyên truyền, vạch rõ âm mưu thâm độc nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc của kẻ xấu; vận động đồng bào quay trở lại nơi cư trú, không tin, không nghe theo những  kẻ phao tin đồn nhảm... Trước những lời khuyên chí lý, chí tình của các cán bộ, đồng bào đã hiểu ra mọi chuyện, tự nguyện giải tán đám đông và được các ban ngành hỗ trợ phương tiện, tài chính, lương thực để trở về quê an toàn… Những gia đình như Vàng A Lý, Sùng Chồng Hoa được chính quyền quan tâm, động viên, giúp đỡ nên dần vượt qua được khó khăn.

Kể từ đó đến nay, vùng đất Nậm Kè, Huổi Khon đã không còn những bước chân di cư tự do ồ ạt, không còn cảnh đốt rẫy, phá rừng nữa. Bản làng, thôn xóm của người Mông đã trở lại yên ả, thanh bình như xưa. “Hiện nay, tất cả các gia đình trong bản đã yên trí làm ăn, không nghe theo lời kẻ xấu, không ai xúi giục được như ngày xưa nữa. Nhà nào cũng đều có của ăn của để, yên tâm lao động sản xuất. Từ sau vụ Huổi Khon, chính quyền xã đã tích cực thực hiện các biện pháp trợ cấp, giúp đỡ cho bà con vay vốn xóa đói giảm nghèo. Tất cả các hộ nghèo - kể cả những hộ đã tham gia vụ “xưng vương, lập quốc” cũng đều được trợ giúp như nhau, không ai bị phân biệt đối xử”, trưởng bản Huổi Khon Sùng A Kỷ chia sẻ.

Để đồng bào Huổi Khon và nhiều xã bản khác nữa có được cuộc sống bình yên như thế là nhờ rất nhiều vào sự cống hiến hết mình của các cán bộ, các cơ quan ban ngành, đặc biệt là những người lính biên phòng đứng chân trên đất Nậm Kè. Họ đã âm thầm, lặng lẽ, “ba bám, bốn cùng” với mỗi nếp nhà, đem cái lý cái tình đến với mỗi người, giúp bà con thấu hiểu điều hay, lẽ phải, không nghe theo các luận điệu tuyên truyền, bịp bợm của bọn phản động cũng như tà đạo, chuyên tâm vào lao động, dựng xây nên những bản làng vững vàng, hưng thịnh.

Nam Hoàng