Thanh Hóa triển khai “Bình dân học vụ số” sâu, rộng tới người dân
Thanh Hóa đang tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả, sâu rộng phong trào “Bình dân học vụ số” trên địa bàn. Trong đó, cán bộ, đảng viên đi đầu rồi hướng dẫn cho người dân.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa Lại Thế Nguyên vừa ký ban hành Kế hoạch triển khai phong trào “Bình dân học vụ số” nhằm phổ cập tri thức cơ bản về chuyển đổi số, kỹ năng số cho người dân với tinh thần cách mạng, toàn dân, toàn diện, không ai bị bỏ lại phía sau trong tiến trình chuyển đổi số.

Mục tiêu hướng tới mọi người dân đều được trang bị kiến thức, kỹ năng số cần thiết để áp dụng trong cuộc sống hàng ngày nhằm nắm bắt, tận dụng, khai thác, thụ hưởng những thành quả của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số mang lại.
Để triển khai có hiệu quả, phải phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, các tầng lớp nhân dân về vai trò, ý nghĩa của chuyển đổi số, công tác phổ cập kỹ năng số, khơi dậy động lực tự thân của mỗi người trong học tập, rèn luyện kỹ năng số và tham gia đầy đủ vào tiến trình chuyển đổi số quốc gia.

Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đoàn thể trong việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai phong trào, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phổ cập tri thức cơ bản về chuyển đổi số, kỹ năng số cho người dân. Đồng thời, đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số của cơ quan, đơn vị, địa phương.
Các địa phương, cơ quan, đơn vị; xác định rõ nhiệm vụ, thời gian thực hiện và phân công trách nhiệm cụ thể cho các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện.

Phong trào “Bình dân học vụ số” phải được triển khai toàn diện, sâu rộng đến tận thôn, bản, tổ dân phố, tạo nên cuộc vận động toàn dân thi đua học tập, rèn luyện kỹ năng số, tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.
Cán bộ, đảng viên phải tiên phong, gương mẫu thực hiện Phong trào, góp phần lan tỏa tinh thần tự học, tự nâng cao tri thức, kỹ năng số, chuyển quá trình học tập, rèn luyện, nâng cao và ứng dụng tri thức số thành nhu cầu tự thân của mỗi người dân.
Phát huy cao độ vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục, đơn vị công nghệ nhằm kiến tạo hệ sinh thái học tập số đa dạng, phong phú.

Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số, trí tuệ nhân tạo và các nền tảng học tập trực tuyến, bảo đảm phương thức tiếp cận linh hoạt, phù hợp với mọi đối tượng, nhất là các nhóm yếu thế, người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Triển khai nhanh, rộng khắp, có tính hệ thống, gắn kết, hoàn thành sớm các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra; tích hợp công nghệ số vào mọi mặt đời sống, giúp người dân kết nối, tương tác và phát triển kỹ năng số để sử dụng các nền tảng, dịch vụ số, hình thành thói quen và văn hóa trong môi trường số.
Thường xuyên kiểm tra, đánh giá, bảo đảm hiệu quả thực chất. Kết quả của Phong trào phải được đo lường bằng sự thay đổi căn bản về năng lực sử dụng nền tảng, dịch vụ số của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xây dựng chính quyền số, xã hội số và hướng tới mục tiêu Thanh Hóa nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số.
Bảo đảm an ninh dữ liệu, an toàn thông tin trong suốt quá trình triển khai thực hiện phong trào “Bình dân học vụ số". Các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động triển khai toàn diện, đồng bộ các giải pháp, tập trung nguồn lực và huy động sự tham gia, phối hợp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; cập nhật, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, kỹ năng số có hiệu quả thực chất.
Phấn đấu trong năm 2025, 90% cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong khu vực công có hiểu biết về chuyển đổi số, kiến thức và kỹ năng số, sử dụng được các nền tảng, dịch vụ số phục vụ công việc. 100% học sinh trung học và sinh viên được trang bị kiến thức, kỹ năng số để phục vụ học tập, nghiên cứu và sáng tạo, có kỹ năng an toàn trong học tập và tương tác xã hội trong môi trường số.
85% người dân trong độ tuổi trưởng thành có tri thức cơ bản về chuyển đổi số, có kỹ năng số, sử dụng được thiết bị thông minh để khai thác thông tin, sử dụng nền tảng, dịch vụ số thiết yếu, biết bảo vệ bản thân trên môi trường số.
60% người dân trong độ tuổi trưởng thành được xác nhận đạt phổ cập tri thức về chuyển đổi số, kỹ năng số trên nền tảng VNeID. 80% người lao động trong các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có kiến thức cơ bản về công nghệ số, có kỹ năng số, sử dụng được thiết bị thông minh để phục vụ sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất lao động.
Tới năm 2026, 100% cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong khu vực công có hiểu biết về chuyển đổi số, có kiến thức và kỹ năng số, sử dụng tốt các nền tảng, dịch vụ số phục vụ công việc.
100% học sinh từ cấp tiểu học, người dân trưởng thành được trang bị kiến thức, kỹ năng số để phục vụ học tập, nghiên cứu và sáng tạo, nhận biết được nguy cơ, có kỹ năng bảo đảm an toàn, dịch vụ số thiết yếu, tham gia tương tác, an toàn trên môi trường số.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả để triệt phá các đường dây, đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, có hành vi vi phạm pháp luật trên mạng để người dân an toàn khi tham gia vào dịch vụ số thiết yếu, tham gia tương tác, an toàn trên môi trường số.