Diện mạo đường ven biển 11.407 tỷ đồng qua Thanh Hóa
Cơ quan chức năng đang tích cực giải quyết các vướng mắc về thủ tục, mặt bằng để cùng với nhà thầu đẩy nhanh tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa phận tỉnh Thanh Hóa có tổng mức đầu tư khoảng 11.407 tỷ đồng.
Dự án tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa có chiều dài 96km, nền đường 12m theo tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng. Điểm đầu tại ranh giới giữa tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa, thuộc thôn Tiến Giáp, xã Nga Tiến, huyện Nga Sơn.

Điểm cuối ranh giới giữa tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An, thuộc địa phận xã Hải Hà, thị xã Nghi Sơn nối với đường bộ ven biển qua tỉnh Nghệ An. Dự án được chia thành 5 đoạn tuyến với 5 dự án thành phần.
Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư công trình giao thông Thanh Hóa Lê Bá Hùng (đơn vị quản lý dự án) cho biết, tuyến đường bộ ven biển qua Thanh Hóa là một trong những dự án trọng điểm, được lãnh đạo tỉnh, các địa phương quan tâm, đôn đốc thực hiện. Tuy nhiên, quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Tổng mức đầu tư lớn, qua 6 huyện, thị, thành phố Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Sầm Sơn, Quảng Xương và Nghi Sơn. Ban đầu cấp có thẩm quyền duyệt đầu tư bằng ngân sách và BOT, sau đó phải điều chỉnh lại dẫn tới thủ tục kéo dài.
Trong đó, đoạn Nga Sơn tới Hoằng Hóa dài 23,7km, với tổng mức đầu tư 2.242 tỷ đồng theo hình thức đầu tư công. Dự án đã khởi công tháng 12/2021, dự kiến hoàn thành tháng 12/2025. Đến nay, giá trị khối lượng thực hiện đạt 1.065,5/1.427,08 tỷ đồng (đạt 74,7%).

Đoạn Hoằng Hóa tới Sầm Sơn và đoạn Quảng Xương tới thị xã Nghi Sơn dài 29,9km có tổng vốn đầu tư 3.372,661 tỷ đồng. Ngày 31/12/2024, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có tờ trình đề nghị Thủ tướng Chính phủ quyết định chấm dứt chủ trương đầu tư và chấm dứt hợp đồng trước thời hạn đối với dự án này.
Đoạn Sầm Sơn tới Quảng Xương dài 12,5km với tổng mức đầu tư 1.479,704 tỷ đồng, theo hình thức đầu tư công. Hiện dự án đã thi công, hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2022.

Tuyến Ninh Hải (thị xã Nghi Sơn) đến đường Bắc Nam 2, dài 10km với tổng mức đầu tư 2.314 tỷ đồng. Dự án này được sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới. Hiện nay, dự án đang được triển khai thi công, tổng giá trị khối lượng hoàn thành ước đạt 53%, dự kiến hoàn thành toàn tuyến vào 31/12/2026.
Còn tuyến qua Khu kinh tế Nghi Sơn dài 20,1km với tổng vốn đầu tư 2.000 tỷ đồng, theo hình thức đầu tư công từ vốn ngân sách tỉnh. Hiện, dự án đang đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và triển khai xây dựng tại một số đoạn.

Để chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/2025), các đơn vị đang đẩy nhanh tiến độ các hợp phần để sớm đưa vào khai thác, sử dụng phục vụ nhân dân đi lại.
Ghi nhận của PV tại thôn Yên Tập, xã Hoằng Yến (huyện Hoằng Hóa) nhà thầu thi công đang tập trung máy móc, thiết bị, nhân công tiến hành lu lèn, ra bây, thảm nhựa trên toàn tuyến.

“Với tinh thần chỉ đạo của tỉnh, cao điểm thi đua chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước, công trường duy trì thi công "3 ca, 4 kíp", toàn đơn vị thống nhất không có ngày nghỉ. Với tinh thần đó, vào dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 tới đây, chúng tôi vẫn tiếp tục duy trì thi công xuyên lễ bằng 100% ngày thường", anh Hoàng Bá Tuấn Điệp, kỹ thuật công trình Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Miền Trung cho biết.
Người dân 2 huyện Hậu Lộc và huyện Hoằng Hóa mong ngóng từng ngày tuyến đường sớm thông xe, kết nối phát triển vùng. "Chúng tôi rất mong tuyến đường sớm đưa vào khai thác. Bởi khi thông xe, người dân nuôi trồng thủy sản, trồng hoa màu, kinh doanh buôn bán… rút ngắn thời gian nghĩa là giảm chi phí, hiệu quả kinh tế cao hơn.”
Kham hiếm vật liệu cũng đang là lực cản cho các đơn vị. Tới thời điểm này, nhu cầu cấp phối đá dăm cho dự án tối thiếu phải đảm bảo 1000m3/ngày, tuy nhiên trước đó các nhà cung cấp chỉ duy trì được tối đa 300 - 400m3/ngày.
Các nhà thầu phải chủ động đi tìm các mỏ cấp phối ở cự ly rất xa để bổ sung kịp thời đảm bảo tối thiểu 1000m3/ngày theo yêu cầu của dự án. Để đảm bảo tiến đột dự án, đơn vị thi công phải vận chuyển từ mỏ có vị trí rất xa công trình, nguồn cung vật liệu trên địa bàn không đáp ứng được.
Lắng nghe, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa tập trung giải quyết khẩn trương các thủ tục, mặt bằng và cả khan hiếm các loại vật liệu để sớm đưa công trình vào khai thác, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân.