Vấn đề quan tâm

Chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ tháng 5/2025

Nguyễn Cúc 29/04/2025 06:30

Tăng mức phụ cấp lưu trú cho cán bộ, công chức, viên chức khi đi công tác trong nước; quy chế tuyển dụng, nâng ngạch, xét thăng hạng công chức, viên chức; quy định mới về chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp theo vụ việc....là một trong những chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ tháng 5/2025.

Tăng phụ cấp lưu trú khi đi công tác

Theo Thông tư 12/2025/TT-BTC của Bộ Tài chính (sửa đổi, bổ sung Thông tư 40/2017/TT-BTC), từ ngày 4/5/2025, mức phụ cấp lưu trú cho cán bộ, công chức, viên chức khi đi công tác trong nước chính thức được tăng lên 300.000 đồng/ngày, cao hơn 100.000 đồng/ngày so với mức hiện hành.

Phụ cấp lưu trú là khoản hỗ trợ thêm ngoài tiền lương, được tính từ ngày bắt đầu đến khi kết thúc đợt công tác, bao gồm cả thời gian di chuyển và lưu trú. Đối với các chuyến công tác trong ngày (đi và về trong ngày), thủ trưởng cơ quan, đơn vị căn cứ vào số giờ thực tế, quãng đường di chuyển để quyết định mức phụ cấp phù hợp, đảm bảo được quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ.

Đặc biệt, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động công tác làm nhiệm vụ trên biển, đảo sẽ được hưởng mức phụ cấp lưu trú 400.000 đồng/ngày thực tế, tăng 150.000 đồng/ngày. Những ngành nghề đã có chế độ đặc thù về công tác biển, đảo sẽ được chọn mức chi trả cao nhất theo quy định.

congchuc.jpg
Ảnh minh họa

Siết chặt quy chế thi tuyển công chức, viên chức

Thông tư 001/2025/TT-BNV của Bộ Nội vụ về ban hành Nội quy và Quy chế tuyển dụng, nâng ngạch, xét thăng hạng công chức, viên chức có hiệu lực từ ngày 1/5/2025, đưa ra nhiều điểm mới đáng chú ý.

Theo đó, thí sinh thi tuyển nếu đến muộn quá 5 phút đối với bài thi có thời gian tối đa 30 phút, hoặc quá 10 phút đối với bài thi từ 60 phút trở lên, sẽ không được tham gia thi, trừ trường hợp bất khả kháng theo quy định pháp luật.

Thí sinh chỉ được phép mang vào phòng thi những vật dụng cần thiết như bút viết, thước kẻ, nước uống trong bình trong suốt không dán nhãn hoặc có ký hiệu, giấy tờ yêu cầu của bài thi, thuốc (nếu có bệnh án). Tuyệt đối cấm mang điện thoại, các thiết bị ghi âm, ghi hình, máy tính, phương tiện truyền tin vào phòng thi.

Đáng chú ý, hành vi sử dụng điện thoại di động trong phòng thi sẽ bị đình chỉ thi ngay, thay vì chỉ bị cảnh cáo như trước đây.

Tăng mức bồi dưỡng giám định tư pháp

Ngày 4/4/2025, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 08/2025/QĐ-TTg về chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp theo vụ việc và theo ngày, có hiệu lực từ 20/5/2025.

Theo đó, mức bồi dưỡng giám định tư pháp đã được nâng cao rõ rệt. Người thực hiện giám định trên người sống sẽ được hưởng 400.000 đồng/nội dung yêu cầu giám định. Trường hợp hội chẩn chuyên môn sâu do chuyên gia thực hiện sẽ được hưởng mức 500.000 đồng/nội dung, cao hơn nhiều so với mức 160.000 - 300.000 đồng/nội dung quy định trước đây.

Việc điều chỉnh này nhằm ghi nhận công sức, trách nhiệm ngày càng lớn của đội ngũ giám định viên tư pháp trong quá trình phục vụ công tác điều tra, xét xử.

Quy định mới về tuyển sinh đại học, cao đẳng

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng ban hành Thông tư 06/2025/TT-BGDĐT, sửa đổi, bổ sung quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non, có hiệu lực từ ngày 5/5/2025.

Theo đó, tổng điểm cộng ưu tiên, điểm thưởng, điểm khuyến khích cho thí sinh đạt thành tích đặc biệt hoặc có chứng chỉ ngoại ngữ sẽ không vượt quá 10% thang điểm xét tuyển, tương đương tối đa 3 điểm trên thang điểm 30. Quy định này nhằm đảm bảo sự công bằng, khách quan trong tuyển sinh.

Bên cạnh đó, cơ sở đào tạo được quyền quyết định phương thức tuyển sinh phù hợp (thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp), và không còn giới hạn số tổ hợp xét tuyển cho mỗi ngành đào tạo như trước đây.

Ban hành quy định mới về phân loại thống kê kinh tế

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư 07/2025/TT-BKHĐT, quy định phân loại thống kê theo loại hình kinh tế, có hiệu lực từ 1/5/2025.

Theo thông tư, phân loại sẽ được thực hiện theo hai cấp: cấp 1 gồm bốn loại hình chính (kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài) và cấp 2 gồm 17 loại hình chi tiết. Việc phân loại dựa trên quy định pháp luật, tỷ lệ vốn chủ sở hữu và đặc thù của từng loại hình kinh tế, nhằm phản ánh sát thực tế phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Điều chỉnh khung giá dịch vụ quản lý chung cư tại Hà Nội

Ngày 21/4/2025, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định 33/2025/QĐ-UBND về khung giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư.

Theo đó, mức giá dịch vụ chung cư không có thang máy dao động từ 700 đồng đến 5.000 đồng/m²/tháng; chung cư có thang máy dao động từ 1.200 đồng đến 16.500 đồng/m²/tháng. Các dịch vụ cao cấp như bể bơi, phòng tắm hơi, truyền hình cáp không thuộc phạm vi áp dụng khung giá này.

Khung giá mới sẽ không áp dụng đối với nhà chung cư cũ chưa cải tạo, nhà ở xã hội dành cho sinh viên, công nhân, hay những trường hợp các bên đã thỏa thuận giá dịch vụ qua Hội nghị nhà chung cư hoặc hợp đồng mua bán, thuê căn hộ.

Nguyễn Cúc