Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu: Bộ LĐ-TBXH đề xuất hai phương án
Đời sống - Ngày đăng : 10:00, 24/04/2018
Tại phiên họp toàn thể lần thứ 8 của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết đến cuối năm 2017, cả nước có khoảng 230.000 doanh nghiệp đóng BHXH cho người lao động. Tuy nhiên, phía cơ quan thuế lại đưa ra con số cả nước có tới 600.000 doanh nghiệp đang hoạt động.
Từ 2 con số trên cho thấy vẫn còn trên 300.000 doanh nghiệp chưa tham gia BHXH bắt buộc và Bộ LĐ-TBXH tính toán có khoảng 3 triệu người chưa tham gia BHXH bắt buộc. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin và cho rằng số người tham gia BHXH hiện nay tương đương với số lượng người nhận BHXH một lần, tức là số vào tương đương với số ra.
Bộ LĐ-TBXH đề xuất hai phương án nâng tuổi nghỉ hưu. Ảnh minh họa
Từ những bất cập trên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Bộ LĐ-TBXH đã tham mưu cho Chính phủ xây dựng đề án cải cách BHXH trình Trung ương xem xét, quyết định.
Đề án đã cơ bản hoàn tất với 2 phương án đặt ra: phương án thứ nhất là có thể cải cách về BHXH, phương án thứ hai là sẽ tiếp tục điều chỉnh bổ sung một số vấn đề về BHXH. Tinh thần chung là sẽ tập trung mở rộng diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân.
Đề án được thiết kế xây dựng BHXH đa tầng với 3 tầng chủ yếu: Tầng thứ nhất là tầng an sinh, tức là nhà nước đóng cho các đối tượng chính sách để họ hưởng lương hưu, tầng thứ 2 là BHXH bắt buộc và tầng thứ 3 là bảo hiểm bảo hiểm tự nguyện, người lao động đóng cao hưởng cao.
Liên quan đến tuổi nghỉ hưu, người đứng đầu Bộ LĐ-TBXH cho biết đề án trình hai phương án. Cụ thể phương án một: nâng tuổi nghỉ hưu của lao động nữ lên 60 và nam lên 62, nhưng lộ trình mỗi năm chỉ nâng thêm 3 tháng. Phương án hai: nữ nghỉ hưu ở tuổi 60 nhưng độ tuổi nghỉ hưu của nam được nâng lên 65, lộ trình mỗi năm chỉ điều chỉnh nâng thêm 4 tháng.
Về vấn đề điều chỉnh lương hưu cho lao động nữ theo Luật BHXH, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, tinh thần là không sửa luật, sẽ tính toán phương án cấp bù để phụ nữ đỡ thiệt thòi và Bộ sẽ trình Chính phủ trong tháng 5 tới.
Liên quan đến thời gian đóng bảo hiểm, đề án cũng đề xuất xem xét điều chỉnh thời gian đóng bảo hiểm vì thời gian tham gia BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu là 20 năm.
"Trong thực tế có những người tham gia BHXH 10, 15 năm thì không thể theo được nữa. Vì vậy, Chính phủ dự kiến thời gian này có thể giảm xuống 15 năm, tiến tới là 10 năm, đương nhiên đóng ít hưởng ít”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Báo cáo tình hình thực hiện chế độ, chính sách BHXH, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết: Năm 2017 là năm thứ 2 thực hiện Luật BHXH năm 2014, Chính phủ, Thủ tướng và các bộ, ngành đã ban hành 37 văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện chính sách BHXH, về cơ bản bảo đảm đúng tiến độ. Tính đến hết ngày 31/12/2017, cả nước có 13.591.492 người tham gia BHXH bắt buộc (tăng 5,76% so với năm 2016)- đạt kế hoạch đề ra (bao phủ được 25,8% lực lượng lao động). Số đối tượng tham gia BHXH tự nguyện tăng 11,59% so với năm 2016 (đạt 78% kế hoạch). Số người tham gia BH thất nghiệp tăng 6,46% so với năm 2016, thấp hơn tốc độ tăng của năm 2016.
Việc thu- chi các chế độ BHXH, BH thất nghiệp được thực hiện đúng pháp luật, bảo đảm cân đối quỹ. Chi phí quản lý BHXH, BH thất nghiệp, tổ chức bộ máy tuân thủ định mức chi tiêu theo quy định của pháp luật; đầu tư quỹ BHXH bảo đảm an toàn, đúng pháp luật, bình quân sinh lời 6,9% và được sử dụng đúng mục đích...