Kiên Giang tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam
Sáng 25/4, tỉnh Kiên Giang long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025).
Tham dự buổi lễ có: ông Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ; Đại tướng Lê Hồng Anh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng; ông Nguyễn Thanh Nghị - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP. Hồ Chí Minh; ông Nguyễn Tiến Hải - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang;
Cùng nguyên lãnh đạo tỉnh Kiên Giang các thời kỳ và hơn 400 đại biểu đại diện cho lực lượng vũ trang, Mẹ Việt Nam Anh hùng, người có công với cách mạng, đoàn viên, thanh niên tỉnh Kiên Giang.
.jpg)
Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Nguyễn Tiến Hải ôn lại truyền thống lịch sử, chiến đấu kiên cường của quân - dân tỉnh Kiên Giang, góp phần cùng cả nước làm nên Đại thắng lịch sử mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Những năm chiến tranh ác liệt (1969 – 1972), dưới sự chỉ đạo của Khu ủy và Quân khu ủy, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo quân dân đoàn kết, vượt qua khó khăn, gian khổ, tích cực đánh địch bình định, lập nên những “kỳ tích” mới với những trận như Hòn Đất, Mo So, Thứ Mười Một… góp phần cùng cả nước làm thất bại một bước quan trọng chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ.
.jpg)
Ngày 27/01/1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết. Mùa xuân 1975, hưởng ứng lệnh tổng tiến công, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo toàn quân, toàn dân trong tỉnh vùng lên mạnh mẽ với tinh thần chủ động, tự lực, tốc chiến, tốc thắng, tiến tới giải phóng hoàn toàn tỉnh Kiên Giang từ đất liền đến hải đảo trong ngày 30/4/1975.
Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Nguyễn Tiến Hải nhấn mạnh, có được hòa bình, độc lập, tự do, cuộc sống yên bình hôm nay, Nhân dân Kiên Giang phải trải qua sự hy sinh mất mát to lớn.
Qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc và chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, tỉnh Kiên Giang có trên 13.000 cán bộ, chiến sĩ và trên 100.000 đồng bào đã vĩnh viễn nằm xuống và hàng chục nghìn chiến sỹ cách mạng phải mang thương tật suốt đời vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Tại TP. Phú Quốc, chế độ ngụy quyền đã cho xây dựng một trại giam lớn ở miền Nam, có lúc giam cầm trên 40.000 cán bộ, chiến sĩ cách mạng, thủ tiêu hơn 5.000 người, trong đó có hơn 4.000 người chưa tìm được hài cốt.
Với trang sử vẻ vang, oanh liệt đó, Kiên Giang có 57 tập thể, 28 cá nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, 461 Mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng, hơn 22.000 tập thể và cá nhân được tặng thưởng 38.000 huân chương, huy chương các loại; hơn 30.000 gia đình có công với cách mạng.
.jpg)
Sau 50 năm giải phóng, Kiên Giang đã vươn lên trở thành một trong những tỉnh có quy mô kinh tế tốp đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Năm 2024, GRDP bình quân đầu người đạt hơn 80 triệu đồng; sản lượng lúa 4,7 triệu tấn, đứng đầu cả nước; sản lượng thủy sản hơn 800.000 tấn, tăng hơn 4,5 lần so những năm đầu giải phóng; du lịch phát triển mạnh mẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh thu hút hơn 9,8 triệu lượt khách, trong đó gần 1 triệu lượt khách quốc tế.
Bên cạnh đó, với phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, diện mạo nông thôn và đô thị của tỉnh có chuyển biến tích cực, 8/15 huyện, thành phố đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, 40 xã nông thôn mới nâng cao và 5 xã nông thôn mới kiểu mẫu; tỷ lệ đô thị hóa chiếm trên 36%, trong đó có 2 đô thị loại I là Rạch Giá và Phú Quốc.
.jpg)
Lĩnh vực văn hóa - xã hội của tỉnh có nhiều chuyển biến tiến bộ, mặt bằng dân trí, đời sống văn hóa, tinh thần của người dân sau 50 năm đã có sự thay đổi rõ rệt. Từ thành thị đến nông thôn, các phong trào văn hóa, lối sống văn minh phát triển mạnh mẽ.
Số hộ khá, giàu không ngừng tăng lên, nếu như năm 1976 hộ nghèo chiếm trên 50% thì nay còn 0,99%; mạng lưới giáo dục, y tế phát triển đồng bộ, 100% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, có 58% trường đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 73,5%; các chính sách đền đơn đáp nghĩa đối với người có công được đặc biệt quan tâm với trên 8.340 đối tượng hưởng trợ cấp, với số tiền trên 23 tỷ đồng/tháng…