Tư vấn pháp luật

Cơ chế giám sát, hỗ trợ của Tòa án với hoạt động giải quyết tranh chấp tại trọng tài

Minh Đức - Ngọc Anh 24/04/2025 - 21:26

Chiều 24/4, Trung tâm Trọng tài Thương mại Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp với Đại học Luật TP.HCM tổ chức Tọa đàm “Cơ chế giám sát, hỗ trợ của Tòa án với hoạt động giải quyết tranh chấp tại trọng tài trong bối cảnh mới” tại trụ sở Trường Đại học Luật TP.HCM.

Mở đầu, GS.TS. Đỗ Văn Đại – Phó Hiệu trưởng Đại học Luật TP.HCM cho biết, với việc hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài ngày càng phổ biến hơn trong cộng đồng doanh nghiệp, luật sư.

dai-img_5997.jpeg
GS.TS. Đỗ Văn Đại – Phó Hiệu trưởng Đại học Luật TP.HCM.

Theo Phó Hiệu trưởng Đại học Luật TP.HCM, quy định của Luật Trọng tài thương mại, Bộ Luật Tố tụng dân sự cùng sự quan tâm chỉ đạo của Nhà nước, lãnh đạo Tòa án, những năm qua hoạt động trọng tài luôn nhận được sự hỗ trợ, giám sát chặt chẽ, sát sao từ Tòa án.

Sự hỗ trợ này không chỉ giúp hoạt động trọng tài hiệu quả, minh bạch hơn mà còn củng cố hơn niềm tin cho các bên khi lựa chọn phương thức này.

nghia-img_5976.jpeg
PGS.TS. Phạm Duy Nghĩa - Thành viên Hội đồng Trung tâm, Trung tâm VIAC, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIART).

Tiếp nối buổi tọa đàm, PGS.TS. Phạm Duy Nghĩa - Thành viên Hội đồng Trung tâm, Trung tâm VIAC, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIART) nói về Trọng tài thương mại trong chiến lược cải cách tư pháp thương mại, phát triển kinh tế tư nhân.

Ông Nghĩa cho biết đã hơn 30 năm làm trọng tài viên, có nhiều kinh nghiệm nên muốn truyền bá rộng rãi kinh nghiệm này tới cộng đồng. Bởi vì phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài đang ngày càng phát triển và trở nên phổ biến trên thế giới.

Đối với vai trò của trọng tài thương mại qua sự phát triển kinh tế Việt Nam, TS. Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Trọng tài viên Trung tâm VIAC chia sẻ, bản thân Trung tâm VIAC phải làm trước, giữ uy tín, đồng thời đưa ra tiêu chí để có trọng tài uy tín.

toa-dam-img_5985.jpeg
Quang cảnh Toạ đàm.

Vấn đề giải quyết tranh chấp bằng phương thức trọng tài được xác định là một nội dung quan trọng. Đảng và Nhà nước ta luôn có các chủ trương, chính sách khuyến khích; cùng với đó là hoàn thiện thể chế trong giải quyết tranh chấp bằng trọng tài.

Mở ra hướng thảo luận, GS. TS Đỗ Văn Đại – Phó Hiệu trưởng Đại học Luật TP.HCM nói về vai trò và thẩm quyền của Tòa án đối với hoạt động của Trọng tài tại Việt Nam.

GS. TS Đỗ Văn Đại phân tích sâu về bối cảnh thay đổi của Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức TAND, Nghị quyết thành lập Trung tâm Tài chính Quốc tế tại Việt Nam và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan – Góc nhìn và kinh nghiệm từ quốc tế.

Tham gia Toạ đàm, luật sư Nguyễn Văn Hậu – Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM trình bày, chọn trọng tài nước ngoài phí rất cao nên trọng tài Việt Nam có khả thi để chọn. Đối với nguyên tắc công bằng, phán quyết của trọng tài không hợp thức hoá được quyền tài sản trong dân sự, mặc dù hai bên đã thoả thuận chọn trọng tài để giải quyết.

Luật sư Hậu đặt câu hỏi, “Toà cấp huyện có đủ thẩm quyền để huỷ phán quyết của trọng tài hay không?”.

dung2-img_6047.jpeg
Phó Chánh án TAND TP.HCM Nguyễn Thị Thuỳ Dung.

Phó Chánh án TAND TP.HCM Nguyễn Thị Thùy Dung trao đổi, trong bối cảnh sáp nhập, tinh gọn bộ máy trên toàn quốc, cấu trúc và phạm vi nhiệm vụ của nhiều cơ quan, đơn vị sẽ có nhiều thay đổi; hoạt động theo dõi, giám sát của Tòa án đối với trọng tài dự kiến cũng sẽ có một số điều chỉnh sao cho phù hợp với tình hình chung.

Bà Dung đề xuất, không nên giao việc hủy phán quyết của trọng tài cho Toà án quận, huyện (sau này là Toà án khu vực), mà giữ thẩm quyền đó cho Tòa án cấp tỉnh như hiện nay.

Minh Đức - Ngọc Anh