Tiêu điểm

Tòa án nhân dân tối cao làm việc với Đoàn Bộ Tư pháp Nhật Bản

Hải Đăng - Minh Đức 23/04/2025 - 19:07

Trong khuôn khổ hợp tác với các đối tác Nhật Bản, ngày 23/4, Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) tổ chức phiên làm việc với Đoàn công tác của Viện nghiên cứu pháp luật tổng hợp, Bộ Tư pháp Nhật Bản để trao đổi về pháp luật lao động.

Tham dự buổi làm việc, về phía TANDTC Việt Nam có ông Trần Văn Thư, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế; ông Đỗ Thế Bình, Vụ trưởng Vụ Giám đốc kiểm tra III; ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Giám đốc kiểm tra III; ông Ngô Văn Nhạc, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học; các chuyên viên của Vụ Giám đốc kiểm tra III.

anh1.jpg
Toàn cảnh buổi làm việc

Đoàn công tác của Viện nghiên cứu pháp luật tổng hợp, Bộ Tư pháp Nhật Bản có ông Takada Shinji, Luật sư, Ủy viên Ban Nghiên cứu pháp luật châu Á Thái Bình Dương; ông Yoshinaga Keiji, Trưởng phòng pháp chế công ty hóa chất Sumitomo, Ủy viên Ban Nghiên cứu pháp luật châu Á-Thái Bình Dương.

anh2.jpg
Ông Takada Shinji, Luật sư, Ủy viên Ban Nghiên cứu pháp luật châu Á - Thái Bình Dương chia sẻ tại buổi làm việc

Tại buổi làm việc, ông Takada Shinji, Luật sư, Ủy viên Ban Nghiên cứu pháp luật châu Á Thái Bình Dương cho biết, hiện nay Viện nghiên cứu pháp luật tổng hợp, Bộ Tư pháp Nhật Bản thành lập Ban nghiên cứu pháp luật châu Á-Thái Bình Dương với mục tiêu nghiên cứu so sánh pháp luật dân sự, thương mại tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Trong giai đoạn này, Ban đang tiến hành nghiên cứu về pháp luật lao động. Để triển khai một trong các hoạt động của Ban, Viện nghiên cứu dự kiến tổ chức đoàn công tác thăm, làm việc tại Việt Nam và có nguyện vọng trao đổi với TANDTC về pháp luật lao động.

anh3.jpg
Ông Trần Văn Thư (ngồi giữa) Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế TANDTC phát biểu tại buổi tiếp

Cùng thảo luận về những lĩnh vực hai bên cùng quan tâm, ông Trần Văn Thư, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế TANDTC Việt Nam cùng các thành viên đã trao đổi với Đoàn công tác của Viện nghiên cứu pháp luật tổng hợp, Bộ Tư pháp Nhật Bản về vấn đề gồm: Sự cho phép giám sát máy tính cá nhân, thư điện tử của người lao động; các điều kiện buộc người lao động phải thực hiện nghĩa vụ bảo mật, nghĩa vụ không được phép làm việc cho các doanh nghiệp đối thủ trong quá trình làm việc hoặc sau khi nghỉ việc; các tình tiết được coi trọng khi quyết định cho thôi việc, các biện pháp xử phạt.

anh4.jpg
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Đồng thời, Đoàn công tác của Viện nghiên cứu pháp luật tổng hợp, Bộ Tư pháp Nhật Bản tìm hiểu sâu về pháp luật Việt Nam có quy định giới hạn mức đề nghị bồi thường thiệt hại của người sử dụng lao động dành cho lao động hay không; Tính khả thi của việc thực hiện các yêu cầu bồi thường này; Mối liên hệ giữa hòa giải, hội đồng trọng tài lao động, tố tụng; Phương thức lựa chọn Hội thẩm nhân dân trong các vụ việc lao động; Thời gian xét xử các vụ việc lao động; Các tranh chấp mang tính tập thể giữa người lao động và người sử dụng lao động có được giải quyết tại Tòa án hay không?

Đánh giá cao nội dung buổi làm việc, ông Takada Shinji cho rằng những kinh nghiệm của TAND Việt Nam sẽ được Đoàn công tác của Viện nghiên cứu pháp luật tổng hợp, Bộ Tư pháp Nhật Bản xem xét, nghiên cứu bổ sung vào pháp luật lao động của Nhật Bản.

Hải Đăng - Minh Đức