Sức khỏe

Siết chặt quản lý, ngăn chặn sản phẩm sữa giả và thực phẩm kém chất lượng

Ngọc Minh 23/04/2025 - 11:14

Trước những phản ánh về tình trạng sản phẩm sữa giả, kém chất lượng xuất hiện trên thị trường, ngày 23/4 , Sở Y tế TP Huế đã ban hành văn bản chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh, kinh doanh dược phẩm và thiết bị y tế tăng cường công tác kiểm tra, rà soát các sản phẩm sữa hiện có.

Theo Sở Y tế TP Huế, thông tin từ các phương tiện truyền thông gần đây cho thấy, đã phát hiện một số sản phẩm sữa giả liên quan đến một số công ty đang trong quá trình điều tra của lực lượng chức năng. Hình ảnh về số sữa giả bị thu giữ đã làm dấy lên lo ngại trong cộng đồng về nguy cơ đe dọa sức khỏe từ việc tiêu dùng các sản phẩm không rõ nguồn gốc, kém chất lượng.

img_0076.jpeg
Lực lượng Công an thu giữ lượng lớn sản phẩm được xác định là sữa giả (Ảnh: Đ.S)

PGS.TS Trần Kiêm Hảo, Giám đốc Sở Y tế TP Huế nhấn mạnh, kể từ năm 2021 đến nay, Sở Y tế TP Huế không tiếp nhận bất kỳ bản công bố sản phẩm hay hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm nào từ 11 công ty được Cục An toàn thực phẩm liệt kê.

Nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người tiêu dùng, Sở Y tế TP Huế đã yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh, kinh doanh dược phẩm và thiết bị y tế trên địa bàn tiến hành rà soát toàn bộ các loại sữa đang lưu hành. Đồng thời, các đơn vị phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật về kinh doanh và sử dụng sản phẩm sữa cũng như thực phẩm chức năng.

Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Huế cũng đã ban hành văn bản yêu cầu rà soát lại hoạt động kinh doanh sữa trong Bệnh viện. Các căng tin, ki ốt trong khuôn viên Bệnh viện phải tuân thủ các quy định hiện hành về buôn bán hàng hóa, đặc biệt là thực phẩm có nguy cơ cao gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

z6532448755723_e393a7e3c2e22146175d945cb9ec9a18.jpg
Hình ảnh sữa giả vừa bị cơ quan công an phát hiện, thu giữ (Ảnh: VTV)

Sở Y tế TP Huế còn chỉ đạo tăng cường kiểm tra, hậu kiểm thực phẩm giả, kém chất lượng tại các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm. Trọng tâm là các cơ sở có nguy cơ cao gây ngộ độc như bếp ăn tập thể, bếp ăn trường học, cơ sở nấu ăn di động… đặc biệt là những cơ sở được miễn cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.

Không dừng lại ở kiểm tra thực địa, Sở Y tế còn mở rộng giám sát sang các kênh thương mại điện tử. Việc rà soát các sàn giao dịch, ứng dụng và website thương mại điện tử đang diễn ra nhằm phát hiện, loại bỏ các sản phẩm chưa công bố, vi phạm quy định an toàn thực phẩm.

Song song đó, công tác phối hợp với ngành Văn hóa và Thể thao để kiểm tra, xử lý các quảng cáo thực phẩm chức năng sai phạm trên mạng xã hội cũng đang được đẩy mạnh.

Một vấn đề khác cũng được đặc biệt lưu ý là việc kê đơn thuốc có liên quan đến các sản phẩm không phải là thuốc, như sữa hoặc thực phẩm chức năng. Sở Y tế yêu cầu các cơ sở y tế kiểm tra, giám sát hoạt động tư vấn, giới thiệu và bán các sản phẩm này cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân nhằm tránh tình trạng lạm dụng, trục lợi.

Đặc biệt, các nội dung quảng cáo, tư vấn và hướng dẫn sử dụng các sản phẩm không phải là thuốc nhưng có tuyên bố công dụng như thuốc, chẳng hạn như hỗ trợ điều trị, phòng bệnh hay điều chỉnh chức năng sinh lý sẽ được kiểm soát chặt chẽ.

Sở Y tế TP Huế yêu cầu các đơn vị không được vượt quá phạm vi chuyên môn đã được cấp phép, đồng thời nghiêm cấm hành vi lợi dụng kiến thức y học để quảng cáo gian dối, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng.

Ngọc Minh