Nỗ lực cao, quyết tâm lớn
Sắp xếp, tinh gọn bộ máy nhà nước là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy phục vụ cho sự phát triển của đất nước. Cùng với quá trình này là khối lượng công việc khổng lồ, đặc biệt là công tác rà soát và xử lý các vướng mắc trong hệ thống văn bản pháp luật.
Vừa qua, tại cuộc họp về tiến độ xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tú cho biết, các bộ, ngành, địa phương đã rà soát 19.224 văn bản quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị, chức danh có thẩm quyền thuộc cấp huyện, cấp xã và một số vấn đề khác liên quan đến cấp huyện, cấp xã cần nghiên cứu, xác định phương án xử lý theo định hướng sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Theo Bộ Tư pháp, hiện nay, với số lượng cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc diện sắp xếp lớn, phạm vi tác động rộng, nhất là việc sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, chính quyền địa phương liên quan đến điều chỉnh tên gọi, chức năng, nhiệm vụ, mô hình tổ chức của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; sự thay đổi về thẩm quyền, chức danh xử phạt vi phạm hành chính; việc thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành; về việc giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp; quy trình phối hợp xử lý công việc giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị;.... đang được quy định tại nhiều luật chuyên ngành và các văn bản dưới luật có liên quan.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết: “Việc tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp thì quan trọng nhất là phân định được thẩm quyền, thẩm quyền của cấp huyện sau khi bỏ đi thì cái gì lên trên tỉnh, cái gì xuống cấp xã. Cần phân cấp cụ thể những nội dung từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, các bộ chuyên ngành cho cấp tỉnh. Sắp tới, khi địa phương thiết lập cấp tỉnh, cấp xã mới thì họ phải biết thẩm quyền của cấp huyện nay ai làm, tỉnh làm gì, xã làm gì và Trung ương phân cấp gì cho cấp tỉnh”.
Bộ trưởng đề xuất mỗi bộ cần xây dựng nghị định về phân định thẩm quyền trong lĩnh vực mình quản lý. Ví dụ như Bộ Tài chính, phân cấp quản lý ngân sách nhà nước như thế nào cho cấp tỉnh, cấp xã…
Được biết, để thực hiện hiệu quả hoạt động rà soát, tháo gỡ vướng mắc, bất cập, Bộ Tư pháp đã lập tổ công tác về tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật. Bộ đã xây dựng Hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về văn bản quy phạm pháp luật để đưa vào vận hành thử nghiệm.
Nhấn mạnh công việc trước mắt rất lớn, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long yêu cầu Văn phòng Chính phủ cần xây dựng văn bản trình Thủ tướng để giao việc cụ thể cho các bộ, ngành với thời hạn cụ thể vì "không còn thời gian để lùi"…
Về phía Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp chặt chẽ với Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, khẩn trương triển khai công việc trên tinh thần "vừa chạy, vừa xếp hàng" nhằm bảo đảm thành công của kỳ họp “có ý nghĩa quan trọng, mang tính lịch sử; số lượng công việc rất lớn".
Có thể nói, rà soát và xác định phương án xử lý các vấn đề đang nằm trong hơn 19.000 văn bản pháp luật là nhiệm vụ chưa từng có tiền lệ. Thời gian dành cho nhiệm vụ này cũng hết sức gấp rút. Vì thế, công việc này đòi hỏi nỗ lực cao, quyết tâm lớn, sự chỉ đạo thống nhất, sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương.