Cụm di tích liên quan đến nhà Mạc là di tích quốc gia đặc biệt
Ngày 19/4, huyện Kiến Thụy, TP. Hải Phòng long trọng tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Cụm di tích liên quan đến nhà Mạc ở Dương Kinh - huyện Kiến Thụy.
Dự buổi lễ có lãnh đạo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; Cục Di sản văn hóa - Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; đại diện một số cơ quan Trung ương; lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND TP. Hải Phòng; Hội đồng Mạc tộc Việt Nam;…

Thái tổ Mạc Đăng Dung (1483-1541) người làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương (nay là thôn Đương Thắng, xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, TP. Hải Phòng), là cháu 7 đời của Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi thời Trần.
Sinh ra ở vùng biển, thuở thiếu thời, Mạc Đăng Dung làm nghề đánh cá, nhưng lại có trí dũng hơn người. Trong cuộc thi tuyển dũng sĩ đời vua Lê Uy Mục tại Giảng võ đường Thăng Long, ông đã trúng tuyển Đô lực sĩ xuất thân - Võ Trạng nguyên, được sung quân túc vệ.
Trong giai đoạn này, triều Lê suy yếu, nội bộ lục đục, bên ngoài nông dân nổi dậy khởi nghĩa, Mạc Đăng Dung được giao trấn thủ Hải Dương. Sau đó, vua Lê Chiêu Thống ở kinh thành Thăng Long bị quân khởi nghĩa của Nguyễn Kính nổi loạn, uy hiếp. Trước tình hình đó, Mạc Đăng Dung chỉ huy quân về kinh thành cứu giá, dẹp loạn, rồi được phong làm Bình chương quân quốc trọng sự Thái phó nhân quốc công...
Năm 1527, Mạc Đăng Dung được triều Lê phong làm Thái sư An Hưng Vương. Cũng trong năm 1527, ông lập ra nhà Mạc với niên hiệu Minh Đức, đặt kinh đô ở Dương Kinh, cũng chính là quê hương của ông (nay thuộc huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng).
Đến năm 1529, ông nhường ngôi cho con cả là Mạc Đăng Doanh (tức Mạc Thái Tông), rồi lui về làm Thái thượng hoàng, xây dựng Dương Kinh là kinh đô ven biển đầu tiên của nước ta.

Vương triều Mạc do Thái tổ Mạc Đăng Dung sáng lập, tồn tại từ năm 1527 đến năm 1592, trải qua 65 năm với 5 đời vua. Dù chỉ trị vì trong một khoảng thời gian không dài so với các triều đại khác, song nhà Mạc đã ghi dấu ấn rõ nét trong lịch sử dân tộc bằng những cải cách về kinh tế, hành chính, giáo dục, đề cao nhân tài và ổn định đời sống nhân dân. Dưới thời Mạc, nhiều hiền tài đã xuất hiện, tiêu biểu như Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm và Tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ, nữ tiến sĩ đầu tiên trong lịch sử Việt Nam.
Cụm di tích liên quan đến nhà Mạc tại Dương Kinh gồm 5 điểm di tích tiêu biểu: Từ đường họ Mạc (di tích quốc gia năm 2002), Khu tưởng niệm các vua nhà Mạc (di tích cấp thành phố năm 2016), chùa Trà Phương (di tích quốc gia năm 2007), chùa Nhân Trai (di tích cấp thành phố năm 2003) và đền, chùa Hòa Liễu (di tích quốc gia năm 1993). Đây là tổng hòa của giá trị lịch sử, văn hóa và kiến trúc nghệ thuật, thể hiện tầm vóc của một vương triều và sự gắn bó sâu sắc với vùng đất Hải Phòng.

Tại các di tích này đang còn lưu giữ nhiều bảo vật quốc gia vô cùng quý giá như: Định Nam đao - thanh kiếm biểu tượng quyền lực của Mạc Đăng Dung; tượng Mạc Thái Tổ - tác phẩm điêu khắc độc đáo thể hiện thần thái uy nghiêm của vị vua khai quốc; bức phù điêu Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn và nhiều văn bia cổ mang giá trị tư liệu, nghệ thuật đặc sắc.
Cụm di tích cũng là nơi gìn giữ những giá trị văn hóa phi vật thể độc đáo, trong đó nổi bật là Lễ hội Minh thề - nghi lễ tuyên thệ chống tham nhũng, gian dối duy nhất còn tồn tại đến ngày nay. Lễ hội này không chỉ mang ý nghĩa tâm linh mà còn thể hiện tinh thần thượng tôn đạo lý, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong bộ máy cai trị xưa và nay.
Với những giá trị hiện hữu, năm 2025, Cụm di tích liên quan đến nhà Mạc được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt.