Cao Bằng: Bộ máy chính quyền cấp xã tinh gọn, hiệu quả, gần dân hơn
Sau khi sắp xếp, Cao Bằng giảm từ 161 xuống còn 56 đơn vị hành chính cấp xã. Bộ máy được tổ chức lại theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, sát thực tiễn.

Sau quá trình nghiên cứu, chuẩn bị, tỉnh Cao Bằng đã hoàn thiện phương án sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã, theo đúng định hướng của Trung ương về tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Kết quả, từ 161 đơn vị ban đầu, toàn tỉnh sẽ còn lại 56 ĐVHC, trong đó có 53 xã và 3 phường. Đây không chỉ là sự thay đổi về số lượng, mà còn là bước đi mạnh mẽ hướng tới một bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ tốt hơn cho người dân.
Quá trình sáp nhập được thực hiện trên tinh thần cẩn trọng, khách quan, tính toán kỹ lưỡng về địa lý, dân cư, văn hóa, phong tục tập quán và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở từng địa phương.
Huyện Bảo Lạc sau sắp xếp còn 8 xã; Bảo Lâm: 5 xã; Hạ Lang: 4 xã; Hà Quảng: 7 xã; Hòa An: 4 xã; Nguyên Bình: 7 xã; Quảng Hòa: 5 xã; Thạch An: 6 xã; Trùng Khánh: 7 xã; TP Cao Bằng: 3 xã, phường. Tỷ lệ sáp nhập đạt 34,8% trên tổng số đơn vị hiện có, với quy mô tổ chức giảm mạnh từ 60 đến 70%.
Mục tiêu lớn nhất là xây dựng một mô hình quản lý phù hợp với đặc điểm miền núi, vùng cao, biên giới và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó, không chỉ tiết kiệm ngân sách, giảm chi phí hành chính mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở cơ sở, thu hẹp khoảng cách giữa các khu vực, tăng cường sự gắn bó, gần gũi giữa chính quyền với nhân dân.
Một điểm đáng chú ý là việc đặt tên cho các ĐVHC mới sau sáp nhập được thực hiện theo tinh thần khoa học, hệ thống, dễ đọc, dễ nhớ và mang bản sắc riêng của từng vùng miền. Tên gọi được cân nhắc kỹ lưỡng trên nền tảng các yếu tố văn hóa, lịch sử, dân tộc và phong tục địa phương, hướng tới sự ổn định lâu dài và bền vững.
Phát biểu tại cuộc họp Ban Chỉ đạo mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng Quản Minh Cường khẳng định rõ sự nhất quán trong chủ trương xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp – cấp tỉnh và cấp xã – theo mô hình tinh gọn, hiện đại, lấy người dân làm trung tâm phục vụ. Phương án sắp xếp không chỉ thể hiện tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo tỉnh, mà còn là minh chứng cho sự đồng thuận cao giữa các cấp, ngành và nhân dân.
Công tác lấy ý kiến người dân – yếu tố then chốt để bảo đảm sự đồng thuận – sẽ hoàn thành trước ngày 21/4. Đây là cơ sở quan trọng để tiếp tục triển khai các bước tiếp theo đúng lộ trình, đúng quy định pháp luật, nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng một chính quyền cơ sở vững mạnh, hiệu quả và gần dân hơn bao giờ hết.