Sức khỏe

Tăng cường kiểm tra, đấu tranh phòng, chống thuốc giả

Minh Lý 17/04/2025 - 19:43

Chiều 17/4, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) Tạ Mạnh Hùng đã thông tin tới báo chí về công tác đấu tranh phòng, chống thuốc giả liên quan đến việc Công an tỉnh Thanh Hóa vừa triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả quy mô lớn trên phạm vi toàn quốc.

Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược Tạ Mạnh Hùng, trong số 21 loại “thuốc”, “thuốc chữa xương khớp” giả đã được cơ quan công an bắt giữ có 4 loại là giả các thuốc đã được cấp phép lưu hành (44 hộp thuốc Tetracyclin, 40 hộp thuốc Clorocid, 49 hộp thuốc Pharcoter, 52 hộp thuốc Neo-Codion). Các loại còn lại là sản phẩm do các đối tượng tự đặt tên, không có các sản phẩm thuốc nào tương tự đã được Bộ Y tế cấp giấy đăng ký lưu hành.

Thông tin thêm liên quan đến vụ án, Lãnh đạo Cục Quản lý Dược cho biết, các thuốc này chủ yếu bán qua mạng, kênh phân phối nhỏ lẻ.

Thuốc được chia ra nhiều loại khác nhau, trong đó có vaccine và sinh phẩm. Đối với vaccine và sinh phẩm, 100% được kiểm tra, đánh giá, kiểm định trước khi xuất xưởng; đối với thuốc hóa dược, tân dược, dược liệu, cổ truyền đều được lấy mẫu để kiểm tra chất lượng. Bên cạnh đó, cơ quan thẩm quyền còn tập trung lấy mẫu đối với những thuốc có nguy cơ làm giả cao hoặc có khả năng không đảm bảo chất lượng trong quá trình lưu hành.

thiet-ke-chua-co-ten-2025-04-17t184516.053.png
Ảnh minh họa.

Cũng theo Cục Quản lý Dược, tỷ lệ thuốc giả trong những năm gần đây đều dưới 0,1%. Trong năm 2023-2024, một số tỉnh, thành phố như Thanh Hóa, Hà Nam, Hà Nội báo cáo phát hiện một số lô thuốc Tetracyclin, Clorocid, Pharcoter và Neo-Codion giả.

Hành vi sản xuất, kinh doanh thuốc giả là một trong những hành vi bị cấm, quy định tại Luật Dược (Điều 6) và phải chịu trách nhiệm hình sự, quy định tại Điều 194 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.

Theo Bộ Y tế, trong thời gian vừa qua, trên địa bàn cả nước, các lực lượng chức năng đã tăng cường đấu tranh, triệt phá các đường dây sản xuất, kinh doanh thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả.

Hoạt động sản xuất, buôn bán thuốc, sản phẩm bảo vệ sức khỏe giả vẫn có những diễn biến phức tạp. Các đối tượng đã sử dụng nhiều thủ đoạn nhằm che đậy hành vi, đặc biệt là sử dụng mạng xã hội, internet để mua/bán thuốc, sản phẩm bảo vệ sức khỏe giả, không thông qua các kênh phân phối chính thống...

Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng (Ban Chỉ đạo 389, công an, quản lý thị trường, ngành y tế...) mở đợt cao điểm đấu tranh chống thuốc, sản phẩm bảo vệ sức khỏe giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ; đồng thời, tăng cường công tác theo dõi, kiểm tra giám sát hoạt động quảng cáo, kinh doanh thuốc, sản phẩm bảo vệ sức khỏe qua mạng internet, mạng xã hội; kịp thời phát hiện các sai phạm.

Bộ Y tế thông tin, người dân, doanh nghiệp có thể tự tra cứu sản phẩm thuốc tân dược qua Cổng dịch vụ công: https://dichvucong.dav.gov.vn/congbothuoc.

Minh Lý