VPBank đặt mục tiêu lợi nhuận tỷ USD năm 2025
Với động lực từ những mảnh ghép trong hệ sinh thái mở rộng khác biệt, VPBank đặt ra mục tiêu lợi nhuận tỷ USD, sẵn sàng sánh bước cùng những tên tuổi ngân hàng trong khối quốc doanh.
Hướng đến cột mốc lợi nhuận tỷ USD
Sau những thành công trong năm 2024, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, HoSE: VPB) sẵn sàng cho một chặng đường tăng trưởng bứt phá, chinh phục những cột mốc mới mang tính biểu tượng trong ngành ngân hàng Việt Nam. Theo tờ trình Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2025 vừa công bố, VPBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất tăng trưởng 26%, đạt 25.270 tỷ đồng (gần 1 tỷ USD).
Những năm qua, VPBank đã duy trì tốc độ tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ, vững vàng vượt qua biến động của nền kinh tế và thị trường tài chính. Từ mức lợi nhuận hơn 1.600 tỷ đồng vào năm 2014, đến 2024, ngân hàng đã báo lãi hơn 20.000 tỷ đồng, tương ứng tốc độ tăng trưởng kép hàng năm lên đến 29%. Kế hoạch lợi nhuận gần 25.300 tỷ đồng đánh dấu một bước tiến quan trọng, đưa VPBank gần hơn tới mục tiêu ngân hàng có lãi tỷ USD.

Nền tảng để VPBank hoàn thành mục tiêu trên đến từ nguồn vốn dồi dào và chiến lược phát triển bứt phá. Sau các thương vụ bán vốn điều lệ cho cổ đông chiến lược, tính đến cuối năm 2024, vốn điều lệ của VPBank đạt 79.339 tỷ đồng, dẫn đầu hệ thống ngân hàng, trong khi vốn chủ sở hữu đạt hơn 147.275 tỷ đồng, xếp thứ 4. Nền tảng vốn vững chắc giúp ngân hàng duy trì tỷ lệ an toàn vốn (CAR) ở mức 15,5%, vượt xa yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước và dẫn đầu ngành trong nhiều quý liên tiếp, từ đó tạo dư địa tăng trưởng vượt trội.
VPBank cũng xác định 5 chiến lược kinh doanh chủ đạo trong năm 2025, bao gồm: tăng trưởng đồng bộ, huy động hiệu quả, nâng cao chất lượng tài sản, hệ sinh thái mở rộng khác biệt và kiện toàn nền tảng vững chắc.
Ngân hàng dự kiến tận dụng sức mạnh tổng hợp từ toàn bộ hệ sinh thái tài chính đa tầng gồm ngân hàng, công ty tài chính tiêu dùng, công ty chứng khoán, bảo hiểm và sự hỗ trợ của cổ đông chiến lược Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC). Với mô hình quản trị tập đoàn được triển khai trên toàn hệ sinh thái từ đầu năm 2025, VPBank sẽ tối ưu nguồn lực, triển khai các giải pháp tài chính toàn diện đến tập khách hàng hơn 30 triệu người.
Cụ thể, trong kế hoạch năm 2025, ngân hàng mẹ sẽ đóng vai trò hạt nhân, với lợi nhuận dự kiến đạt 22.219 tỷ đồng, tăng trưởng 22% so với cùng kỳ. Tại phân khúc chiến lược khách hàng cá nhân, trong năm 2025, VPBank triển khai mô hình Trung tâm Private, hướng đến khách hàng có giá trị tài sản lớn. Bên cạnh đó, ngân hàng sẽ nâng số khách hàng là doanh nghiệp FDI lên 1.000, gấp đôi kết quả năm 2024, đưa phân khúc này trở thành động lực tăng trưởng mới.
Song song, VPBank dự kiến tạo sự bứt phá trong tăng trưởng tiền gửi không kỳ hạn (CASA), thông qua những giải pháp tài chính vượt trội, dịch vụ hàng đầu, chẳng hạn như công cụ Super Sinh lời với lãi suất từ 3,5%/năm. Ngân hàng cũng duy trì khẩu vị rủi ro hợp lý, kết hợp chiến lược thu hồi và xử lý nợ mạnh mẽ nhằm không ngừng nâng cao chất lượng tài sản.
Các thành viên trong hệ sinh thái mở rộng khác biệt tiếp tục là những mảnh ghép quan trọng, bổ trợ xung lực cho tăng trưởng của VPBank. Sau sự phục hồi ấn tượng trong năm 2024 nhờ quá trình tái cấu trúc toàn diện, FE CREDIT đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2025 đạt 1.126 tỷ đồng, tăng trưởng 120% so với năm trước. Chứng khoán VPBank (VPBankS) được kỳ vọng đóng góp 2.003 tỷ đồng vào lợi nhuận hợp nhất, tăng trưởng 64%. Công ty bảo hiểm số OPES dự kiến mang về 636 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 34%.
Cùng với các công ty con, động lực tăng trưởng của VPBank còn đến từ cổ đông chiến lược SMBC - một trong những định chế tài chính lớn nhất Nhật Bản. Là ngân hàng tư nhân lớn duy nhất có cổ đông chiến lược, VPBank nhận được sự hỗ trợ tích cực từ nguồn lực tài chính cho đến quản trị, công nghệ và mạng lưới đối tác toàn cầu.
Gia nhập “câu lạc bộ triệu tỷ đồng”, duy trì cam kết với cổ đông
Cũng trong tờ trình ĐHĐCĐ, cùng với mục tiêu lợi nhuận tỷ USD, VPBank đề ra tham vọng trở thành ngân hàng tư nhân đầu tiên tại Việt Nam gia nhập “câu lạc bộ triệu tỷ đồng”, sánh ngang với các định chế tài chính quốc doanh. Cụ thể, ngân hàng đặt mục tiêu tổng tài sản hợp nhất đến cuối năm 2025 đạt 1,13 triệu tỷ đồng, tương đương tăng trưởng 23% so với cuối 2024.
Tính đến cuối năm 2025, chỉ có 5 ngân hàng trong hệ thống cán mốc triệu tỷ đồng tổng tài sản, bao gồm BIDV, VietinBank, Agribank, Vietcombank và MB – đều có phần lớn hoặc toàn bộ vốn thuộc sở hữu nhà nước.
Song song với mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận và quy mô tài sản, VPBank cũng chú trọng đến huy động hiệu quả, đa dạng nhằm tối ưu chi phí vốn. Số dư tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá hợp nhất dự kiến tăng trưởng 34%, lên 742.311 tỷ đồng. Ngân hàng sẽ tiếp tục kiểm soát và cải thiện chất lượng nợ toàn danh mục cho vay và đầu tư, kết hợp với một chiến lược thu hồi và xử lý nợ mạnh mẽ, với mục tiêu kiểm soát nợ xấu riêng lẻ dưới 3%.
Bên cạnh những chỉ tiêu kinh doanh tham vọng, VPBank duy trì cam kết với cổ đông thông qua chính sách cổ tức tiền mặt. Nhờ nền tảng vốn mạnh mẽ và khả năng duy trì tăng trưởng cao, ngân hàng trình ĐHĐCĐ kế hoạch chia cổ tức tiền mặt 5%. Theo đó, dự kiến trong quý II hoặc quý III/2025, mỗi cổ phiếu sẽ nhận được 500 đồng cổ tức, tổng số tiền dự kiến dùng để chia cổ tức là gần 4.000 tỷ đồng. Đây là năm thứ 3 liên tiếp VPBank thực hiện chi trả cổ tức bằng tiền mặt, thể hiện năng lực tài chính vững vàng và sự trân trọng, cam kết gắn bó lâu dài cùng cổ đông.