Tòa án địa phương

TAND TP.HCM: Cần quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của công chức thực hiện

Minh Đức 16/04/2025 - 20:25

Một yếu tố mang tính quyết định đó là sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan trong khối nội chính. Đặc biệt là giữa Tòa án, VKS, Cơ quan điều tra và Cơ quan thi hành án.

Chiều 16/4, trong chương trình Hội nghị sơ kết liên ngành thực tiễn triển khai thi hành Thông tư liên tịch số 01/2018 và Thông tư liên tịch số 02/12018 do VKSND TP.HCM tổ chức, Phó Chánh án TAND TP.HCM Phùng Văn Hải có bài tham luận về nội dung này.

Xử lý đơn thư phải thống nhất, đúng thẩm quyền, thời gian

Theo đó, công tác triển khai, thực hiện trong giải quyết khiếu nại, tố cáo tại TAND TP.HCM đã nghiêm túc quán triệt; tổ chức triển khai thực hiện trên toàn hệ thống hai cấp Tòa án TP.HCM. Hơn 6 năm triển khai, công tác này đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

dai-bieu-p2433306.jpg
Các cơ quan trong khối nội chính dự Hội nghị.

Ngay sau khi các Thông tư liên tịch có hiệu lực thi hành, TAND TP.HCM đã khẩn trương tổ chức phổ biến nội dung đến toàn thể cán bộ, công chức của Tòa án hai cấp.

Các nội dung trọng tâm của hai Thông tư liên tịch được lồng ghép trong các buổi sinh hoạt chuyên môn, hội nghị giao ban nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, công chức trong việc tiếp nhận, xử lý đơn thư. Đặc biệt là trong phối hợp với VKS và các cơ quan chức năng liên quan.

Theo ông Hải, TAND TP.HCM đã xây dựng quy trình xử lý đơn thư thống nhất, đảm bảo đúng thẩm quyền, đúng thời hạn và đúng trình tự theo quy định pháp luật.

Việc đối chiếu số liệu và thông báo kết quả giải quyết đến VKSND cùng cấp được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Đây là một bước chuyển rõ nét trong công tác phối hợp liên ngành tư pháp tại TP.HCM.

hai-p2433320.jpg
Phó Chánh án TAND TP.HCM Phùng Văn Hải trình bày tham luận.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Hải nói vẫn còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế. Cụ thể, một số đơn khiếu nại mặc dù đã được cơ quan chức năng xem xét và giải quyết đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, người dân vẫn tiếp tục khiếu nại nhiều lần, dẫn đến tình trạng khiếu kiện kéo dài, vượt cấp, gây khó khăn cho công tác tiếp công dân và xử lý đơn thư.

Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ làm công tác tham mưu, xử lý đơn thư tại một số đơn vị phần lớn là kiêm nhiệm, trong khi khối lượng công việc chuyên môn ngày càng gia tăng, làm ảnh hưởng không nhỏ đến thời gian và chất lượng giải quyết đơn thư.

Ngoài ra, vẫn còn hiện tượng một số công dân chưa hiểu đúng phạm vi điều chỉnh giữa các quy định của Bộ luật Hình sự và Bộ luật Dân sự. Dẫn đến việc gửi đơn không đúng nội dung hoặc không đúng thẩm quyền giải quyết, gây khó khăn cho cơ quan Tòa án trong công tác hướng dẫn, tiếp nhận và xử lý.

Phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan trong khối nội chính

Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp trong giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp, người đại diện TAND TP.HCM có đề xuất, kiến nghị:

cac-dai-bieu-p2433295.jpg
Nhiều lãnh đạo là Viện trưởng các quận huyện tham dự Hội nghị.

Về phương diện pháp luật, ông Hải cho rằng cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống các quy định pháp lý có liên quan đến công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Trong đó, cần quy định rõ hơn về thẩm quyền và trách nhiệm của công chức thực hiện.

Theo ông Hải, việc này không chỉ dừng lại ở tiếp nhận đơn thư mà cần mở rộng tới việc tham gia đánh giá sơ bộ tính chất vụ việc, hỗ trợ xử lý bước đầu đối với các vụ việc đơn giản. Sự bổ sung này sẽ giúp rút ngắn quy trình giải quyết, đồng thời nâng cao chất lượng công tác tiếp dân tại cơ sở.

Cùng với đó, ông Hải kiến nghị cần có quy định rõ ràng hơn về việc ủy quyền cho cấp phó trong hoạt động tiếp công dân để bảo đảm tính liên tục, không bị gián đoạn khi người đứng đầu đơn vị bận công tác.

Về tổ chức thực hiện, ông Hải nói việc tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng tiếp dân và xử lý đơn thư cho đội ngũ cán bộ là một yêu cầu thiết yếu.

Phó Chánh án TAND TP.HCM Phùng Văn Hải mong rằng các cấp có thẩm quyền quan tâm tổ chức các chương trình đào tạo định kỳ, bài bản cho đội ngũ này. Đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ, đãi ngộ phù hợp đối với công chức được phân công.

dong-p2433332.jpg
Viện trưởng VKSND TP.HCM Lê Văn Đông phát biểu kết luận Hội nghị.

Ông Hải nêu ví dụ “Thực tiễn cho thấy lực lượng này thường phải kiêm nhiệm nhiều công việc, chịu áp lực cao, trong khi tính chất công việc lại rất dễ phát sinh mâu thuẫn, căng thẳng. Do vậy, việc quan tâm về chế độ, chính sách sẽ là động lực để họ an tâm công tác, cống hiến lâu dài”.

Ông Hải nhấn mạnh, một yếu tố mang tính quyết định đó là sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan trong khối nội chính. Đặc biệt là giữa Tòa án, VKS, Cơ quan điều tra và Cơ quan thi hành án.

“Việc xây dựng cơ chế phối hợp hiệu quả, rõ ràng trách nhiệm, phân định cụ thể đầu mối theo dõi, kiểm tra sẽ giúp việc xử lý các đơn thư khiếu nại, tố cáo được kịp thời, hạn chế tình trạng đùn đẩy, né tránh. Đồng thời bảo đảm sự đồng thuận trong cách hiểu và áp dụng pháp luật giữa các ngành”, ông hải khẳng định.

Đối với Thông tư liên tịch số 01/2018, các cơ quan tư pháp hai cấp tại TP.HCM luôn theo dõi tình hình khiếu nại, tố cáo mới phát sinh và phối hợp trong việc tiếp nhận, xử lý; giải quyết và kiểm sát việc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật.

Đối với Thông tư liên tịch số 02/2018, các cơ quan tư pháp cũng phối hợp với VKSND cùng cấp để kiểm tra, rà soát, đối chiếu, đảm bảo số liệu thống nhất, chính xác. Tuy nhiên, có lúc việc gửi báo cáo, thông báo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp cùng cấp chưa đúng thời hạn theo quy định của Thông tu liên tịch số 01/2018.

Minh Đức