Chính phủ thống nhất không tổ chức Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Việc không tổ chức Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao không trái với các nghị quyết của Bộ Chính trị và Trung ương. Chính phủ thống nhất với việc không tổ chức Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao theo đúng quy định của Hiến pháp.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 88/NQ-CP phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 4/2025.
Theo nghị quyết, tại Phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 4, Chính phủ đã thảo luận, cho ý kiến đối với 6 dự án luật, nghị quyết để trình Quốc hội nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị gắn với việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013.
Đáng chú ý, về dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự (sửa đổi) (kết hợp sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự và sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống mua bán người), Chính phủ cơ bản thống nhất nội dung dự thảo Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự (sửa đổi) do Bộ Công an trình tại Tờ trình số 162/TTr-BCA ngày 10/4/2025.

Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến thành viên Chính phủ và ý kiến tại Phiên họp Chính phủ, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự (sửa đổi).
Trong số đó, nghiên cứu, cân nhắc phạm vi sửa đổi, bổ sung; tập trung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự hiện hành, bảo đảm phù hợp với các quan điểm, chỉ đạo của Đảng và yêu cầu sắp xếp tổ chức bộ máy theo quy định tại Nghị quyết số 190/2025/QH15 ngày 19/2/2025 của Quốc hội về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.
Chính phủ giao Bộ Công an rà soát kỹ các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị và Trung ương liên quan đến Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Theo nghị quyết, việc không tổ chức Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao không trái với các nghị quyết của Bộ Chính trị và Trung ương, Chính phủ thống nhất với việc không tổ chức Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao theo đúng quy định của Hiến pháp.
Trường hợp Quốc hội có ý kiến khác thì Đảng ủy Chính phủ thống nhất với Đảng ủy Quốc hội báo cáo xin ý kiến của cấp có thẩm quyền.
Bộ Công an chịu trách nhiệm về nội dung tiếp thu, hoàn thiện dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự (sửa đổi); chủ động báo cáo, giải trình trong quá trình thẩm tra, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật.
Trên cơ sở tiếp thu, hoàn thiện dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự (sửa đổi), giao Bộ trưởng Bộ Công an thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự (sửa đổi), trình Quốc hội.
Trước đó, trong dự thảo Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự sửa đổi do Bộ Công an chủ trì soạn thảo không nhắc đến tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Theo dự thảo đề xuất, hệ thống cơ quan điều tra sẽ chỉ còn cơ quan điều tra của Công an Nhân dân và cơ quan điều tra trong Quân đội Nhân dân. Trong đó, cơ quan điều tra của Công an Nhân dân sẽ rút gọn từ 3 cấp như quy định hiện hành (gồm Bộ Công an, cấp tỉnh và cấp huyện) xuống còn 2 cấp là Bộ Công an và cấp tỉnh.
Đối với cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân, dự thảo giữ nguyên như quy định hiện hành, trong đó cơ quan điều tra hình sự gồm 3 cấp: Bộ Quốc phòng, cấp quân khu và cấp khu vực.
Cơ quan An ninh điều tra Bộ Quốc phòng được giao nhiệm vụ tiến hành điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm về tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp (thuộc thẩm quyền xét xử của tòa án quân sự), thay cho Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự Trung ương như hiện nay.