Giao thông

Dự án Đường vành đai 3 TP Huế: Chờ mặt bằng sạch để khởi công

Ngọc Minh 16/04/2025 - 10:17

Dự án đường vành đai 3 TP Huế là công trình giao thông trọng điểm, được kỳ vọng sẽ góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông khu vực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội liên vùng, nhưng đến nay vẫn chưa thể khởi công do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB).

Được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt chủ trương đầu tư vào năm 2023, tuyến đường vành đai 3 có tổng chiều dài 6,5km, đi qua các phường An Hòa, Hương Long, Kim Long, Thủy Xuân và Phường Đúc. Điểm đầu của tuyến nằm trên đường Nguyễn Văn Linh, tại nút giao Quốc lộ 1A; điểm cuối tại Quốc lộ 49A, giao lộ Võ Văn Kiệt - Minh Mạng, với ba đoạn tuyến chính.

z6509467097578_f291808fb40a7186e552fd7612829fbc(1).jpg
Giao lộ Võ Văn Kiệt và Minh Mạng, điểm cuối của dự án đường vành đai 3 TP Huế

Theo thiết kế, mặt đường rộng 36-42m, dải phân cách từ 9-12m và lề đường hai bên từ 12-17m. Kết cấu mặt đường sử dụng bê tông nhựa, đảm bảo chịu tải và độ bền cao.

Tổng mức đầu tư của dự án hơn 750 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 1 được bố trí 500 tỷ đồng, thực hiện trong 4 năm. Để phục vụ thi công, UBND TP Huế dự kiến thu hồi hơn 43ha đất các loại, trong đó tập trung vào các khu dân cư và đất nông nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp.

Theo ông Bùi Ngọc Chánh, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Thuận Hóa, dự án ảnh hưởng đến 252 hộ dân tại phường Thủy Xuân và Phường Đúc. Dự kiến, sẽ có khoảng 468 lô đất tái định cư (TĐC) được bố trí cho các hộ chính và phụ.

Tuy nhiên, hiện tại quỹ đất TĐC mới chỉ có khoảng 120 lô, tập trung tại khu nhà ở biệt thự trục đường QL1A - Tự Đức và khu TĐC Bàu Vá 4. Số hộ còn lại sẽ phải chờ đầu tư hạ tầng mới có thể bố trí tái định cư.

Để giải quyết vấn đề này, UBND TP Huế đã quy hoạch thêm 5ha đất tại khu vực Thượng 2 (phường Thủy Xuân) để xây dựng hạ tầng và tạo quỹ đất TĐC mới. Tuy nhiên, dự kiến phải đến cuối năm 2025 hạ tầng mới hoàn thành, khi đó mới có thể bàn giao đất cho các hộ dân bị ảnh hưởng, đồng nghĩa việc bàn giao mặt bằng cho nhà thầu sẽ tiếp tục phải chờ đợi.

z6509507395209_9b5d5b1aa0cea2fcf9241a79ed87a828.jpg
Tuyến Vành đai 3 phía Nam tại vòng xuyến cầu vượt sông Hương và đường Bùi Thị Xuân

Ngoài ra, công tác kiểm kê, đền bù mồ mả trong khu vực dự án cũng đã được hoàn thành đợt một, với tổng kinh phí khoảng 14 tỷ đồng. Hiện các đơn vị liên quan đang tiếp tục triển khai GPMB đợt hai, dự kiến hoàn thành vào ngày 15/5 tới.

Tại quận Phú Xuân, đoạn tuyến dài 2,9km của dự án ảnh hưởng đến 40 hộ dân, bao gồm 20 hộ chính và 20 hộ phụ, cùng với phần lớn diện tích là đất nông nghiệp. UBND quận đã chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thành GPMB, cam kết bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư vào tháng 6/2025.

Theo chủ đầu tư, quá trình lựa chọn nhà thầu thi công đã hoàn tất. Các đơn vị hiện đang phối hợp đo đạc, định giá đất đai và tài sản để phục vụ cho việc bồi thường, TĐC. Khi hoàn thành, tuyến đường vành đai 3 sẽ giúp giảm tải áp lực giao thông cho Quốc lộ 1A đoạn qua TP Huế, đồng thời mở ra cơ hội khai thác quỹ đất hai bên tuyến, thu hút đầu tư và phát triển đô thị, kinh tế - xã hội cho khu vực.

Tại buổi làm việc mới đây với lãnh đạo quận Thuận Hóa và Phú Xuân, Bí thư Thành ủy Huế Lê Trường Lưu khẳng định GPMB là nhiệm vụ then chốt, có tính quyết định đối với tiến độ dự án cũng như tác động trực tiếp đến khả năng giải ngân vốn đầu tư công; yêu cầu các địa phương phải xây dựng kế hoạch cụ thể, có lộ trình rõ ràng và tập trung vào các mốc thời gian quan trọng để đẩy nhanh tiến độ.

Lãnh đạo địa phương phải thường xuyên bám sát cơ sở, nắm chắc tình hình, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc. Những vấn đề thuộc thẩm quyền cần được giải quyết nhanh chóng, trường hợp vượt thẩm quyền thì phải báo cáo và đề xuất phương án ngay để không ảnh hưởng đến tiến độ chung.

Dự án đường vành đai 3 TP Huế không chỉ có ý nghĩa về giao thông, mà còn đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển đô thị bền vững và liên kết vùng. Tuy nhiên, để dự án sớm được triển khai và mang lại hiệu quả thiết thực, việc tháo gỡ các nút thắt trong công tác GPMB đang trở thành yêu cầu cấp bách đặt ra cho các cấp, ngành và địa phương.

Ngọc Minh