Sản xuất, phân phối điện: Còn độc quyền, còn khổ
Chính trị - Ngày đăng : 10:50, 13/04/2012
Công nhân ngành điện (Ảnh: MH)
Quá nhiều bất cập
PGS-TS Hoàng Trần Hậu, Phó Giám đốc Học viện Tài chính (Bộ Tài chính), cho biết: việc điều hành giá điện theo cơ chế thị trường đã có bước tiến dài sau khi Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 24/2011/QĐ-TTg về điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên đến nay, việc thực hiện quyết định này và các văn bản hướng dẫn vẫn còn gây nhiều tranh luận. Ngoài ra, điều bức xúc nhất của ngành điện hiện nay được các đại biểu đề cập đến vẫn là sự độc quyền của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và việc này cần được giải quyết dứt điểm trong thời gian sớm nhất.
Về vấn đề này, ông Vũ Xuân Thuyên, chuyên viên cao cấp Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khẳng định: vấn đề mấu chốt từ trước đến nay vẫn là từ sự độc quyền của EVN. Điều này được thể hiện ở việc EVN độc quyền cả 3 khâu (phát điện, truyền tải điện và phân phối điện) và việc tăng giá bán điện cũng chủ yếu do EVN xây dựng. Đặc biệt, EVN thiếu vốn để đầu tư và lỗ trong kinh doanh ngoài ngành kinh doanh chính thì lại đề nghị tăng giá điện là điều bất hợp lý. Không những thế, Công ty mua bán điện do EVN thành lập lại có tới 65% cổ đông là các công ty sản xuất điện thuộc EVN nên không khách quan. Điều này Thủ tướng Chính phủ đã không chấp thuận. Tuy nhiên, EVN lại thành lập công ty mua bán điện; đơn vị vận hành hệ thống và thị trường điện lại vẫn là Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, đơn vị này vẫn trực thuộc EVN nên rất khó để tạo nên thị trường phát điện cạnh tranh lành mạnh.
Liên quan đến các khoản lỗ, ông Thuyên dẫn chứng báo cáo của Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Bộ Tài chính về “điệp khúc lỗ” của EVN. Theo đó, kết quả kiểm toán báo cáo tài chính của EVN năm 2010 cho thấy, lỗ trong sản xuất kinh doanh lên tới 8.400 tỷ đồng. Nếu tính cả lỗ vì chênh lệch tỷ giá thì cả năm EVN lỗ tới 25.000 tỷ đồng. Năm 2011, mặc dù giá điện đã tăng, áp lực lỗ từ điện giảm mạnh nhưng Tập đoàn này vẫn lỗ trên 3.500 tỷ đồng. Tính đến 31/12/2011, nợ phải trả của EVN lên tới gần 240.000 tỷ đồng, cao gấp 4,22 lần vốn chủ sở hữu, vượt 1,5 lần so với mức giới hạn cho phép của Chính phủ. Kết quả kiểm toán khác cũng cho thấy, đến hết năm 2010, các khoản đầu tư tài chính dài hạn của EVN lên tới 50.000 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận thu về từ khoản đầu tư này chỉ 540 tỷ đồng. Nói cách khác, EVN bỏ 100 đồng đầu tư, thì chỉ thu lợi được 1 đồng. Nếu đem số tiền này gửi ngân hàng thì còn thu lãi cao hơn gấp nhiều lần, ông Thuyên ví von...
Cần nói “không” với hai chữ “độc quyền”
Cũng theo ông Vũ Xuân Thuyên, khi áp dụng giá điện theo cơ chế thị trường thì điều kiện cần và đủ là thiết kế thị trường đã hoàn chỉnh, không có bóng dáng độc quyền chi phối. Chính vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà dư luận đòi hỏi việc tái cơ cấu EVN phải đi song hành với yêu cầu minh bạch, công khai có yếu tố hình thành giá điện. Cùng với đó, nên tách một số bộ phận hiện nay của EVN thành lập các công ty hoạt động độc lập (phát điện, truyền tải điện, phân phối điện và dịch vụ hỗ trợ ngành điện). Tất cả các nhà máy phát điện dưới 500 MW thực hiện cổ phần hóa, Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối, mà chỉ nắm giữ độc quyền hệ thống truyền tải điện. Riêng hệ thống phân phối điện đến các hộ tiêu dùng cho đấu thầu cạnh tranh.
Ở góc nhìn khác, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội cũng nhấn mạnh đến những nghịch lý trong quản lý và phát triển ngành điện ở nước ta. Đó là ngành duy nhất chỉ có tăng một chiều, chưa bao giờ có giảm, trong khi chất lượng cung cấp điện có nhiều bất cập, gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp đòi áp dụng giá cả thị trường trong khi chưa có cạnh tranh đầy đủ trên thị trường đối với điện năng; cả nước thiếu điện dùng trong khi một số nhà sản xuất điện tư nhân lại không ký được hợp đồng bán điện với EVN. Ngành điện luôn kêu lỗ và thiếu vốn đầu tư, trong khi thu nhập bình quân lao động của ngành này cao so với trung bình của xã hội. Các thông tin giải trình và phương án tăng giá về điện mang tính áp đặt, một chiều từ ngành điện. Hiệp hội Năng lượng thay vì là công cụ tập hợp sức mạnh xã hội và hỗ trợ Nhà nước giải quyết khó khăn trong ngành năng lượng, thì lại trở thành công cụ ép giá Chính phủ và xã hội.
Với thực tế đó, theo ông Phong, để góp phần giải bài toán điện theo nguyên tắc thị trường trong thời gian tới, thứ nhất, cần gỡ rối và xử lý những nghịch lý nêu trên là nguyên tắc đầu tiên trên hành trình tiến tới giá thị trường cho ngành điện. Thứ hai, cần đa dạng hóa các nguồn vốn và hình thức đầu tư, cũng như đa dạng hóa các dạng năng lượng điện cung cấp cho phát triển đất nước. Thứ ba, bảo đảm an ninh năng lượng và môi trường trong sản xuất và phân phối điện. Thứ tư, cần tăng cường năng lực và hiệu lực quản lý nhà nước, mở rộng sự minh bạch và giám sát xã hội đối với ngành điện. “Đã đến lúc không thể để sự độc quyền, sự bất lực và những bất cập về năng lực và trách nhiệm bắt cả xã hội làm con tin của mình trong quá trình bảo đảm điện năng cho phát triển đất nước” - Tiến sĩ Nguyên Minh Phong nhấn mạnh.
Đồng tình với ý kiến của các chuyên gia, dư luận xã hội cho rằng với cách quản lý ngành điện như hiện nay chưa có hy vọng trong tương lai gần tăng được tính cạnh tranh trong sản xuất, phân phối điện. Do đó, tính chất độc quyền trong kinh doanh điện vẫn chi phối nội dung điều chỉnh giá điện cũng như cách thức quản lý ngành điện. Nếu không khắc phục được sự thiếu đồng bộ trong chính sách sản xuất và tiêu thụ điện thì chủ trương điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường từ năm 2012 do Thủ tướng đề ra rất khó đi vào cuộc sống.
Văn Xuyên