Tòa án địa phương

TAND hai cấp tỉnh Đắk Lắk không ngừng nâng cao chất lượng xét xử

Lê Hiếu 10/04/2025 - 15:20

Trong bối cảnh tình hình mới, áp lực công việc gia tăng, nhưng TAND hai cấp tỉnh Đắk Lắk vẫn nỗ lực không ngừng, đạt thành tích đáng khích lệ trong 6 tháng đầu năm 2025.

Hiệu quả cao trong 6 tháng đầu năm

Theo báo cáo, TAND hai cấp tỉnh Đắk Lắk đã phải đối mặt với sự gia tăng đáng kể về số lượng vụ việc thụ lý. Tổng cộng 8.595 vụ việc các loại đã được Tòa án tiếp nhận, tăng 265 vụ so với cùng kỳ năm 2024.

z6472938399291_498d24b81a4620310ec6f445f47a7cdc.jpg
Thụ lý tăng 265 vụ so với cùng kỳ, nhưng TAND tỉnh Đắk Lắk đạt được những kết quả hết sức ấn tượng.

Tuy nhiên, vượt lên trên những khó khăn và thách thức đó, TAND hai cấp tỉnh Đắk Lắk đã thể hiện một tinh thần làm việc khẩn trương, trách nhiệm và đạt được những kết quả hết sức ấn tượng. Trong tổng số 8.595 vụ việc thụ lý, các cấp Tòa án đã giải quyết được 5.116 vụ việc, đây là một nỗ lực vượt bậc, minh chứng cho sự chủ động, linh hoạt và hiệu quả trong công tác quản lý, điều hành và chuyên môn của toàn hệ thống.

Riêng tại TAND tỉnh Đắk Lắk, đã thụ lý 1.103 vụ, việc, tăng 107 vụ so với cùng kỳ năm trước. Số lượng thụ lý tăng tập trung vào các loại án hình sự và dân sự có tính chất phức tạp, đòi hỏi sự tập trung cao độ và thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng. Mặc dù vậy, TAND tỉnh vẫn duy trì được tỷ lệ giải quyết ở mức cao, đạt 58% với 641 vụ, việc đã được đưa ra xét xử và giải quyết. Kết quả này cho thấy sự nỗ lực không ngừng nghỉ của đội ngũ Thẩm phán, Thư ký và cán bộ TAND tỉnh trong việc đảm bảo tiến độ và chất lượng xét xử, không để các vụ việc tồn đọng kéo dài, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của các bên liên quan.

TAND cấp huyện cũng cho thấy sự bứt phá mạnh mẽ với 7.492 vụ, việc được thụ lý, tăng 158 vụ so với cùng kỳ năm 2024, giải quyết 4.475 vụ, việc, đạt tỷ lệ 60%, đồng thời tăng đến 231 vụ so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này không chỉ khẳng định năng lực chuyên môn vững vàng mà còn thể hiện sự quyết tâm cao của đội ngũ cán bộ, thẩm phán cấp huyện trong việc hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, trực tiếp giải quyết các vụ việc ở cơ sở, góp phần quan trọng vào thành công chung của TAND hai cấp.

Chia sẻ với phóng viên, ông Phan Trọng Phụng, Chánh án TAND huyện Cư M'gar cho biết: "Các vụ án ngày càng phức tạp, đa dạng, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt và bản lĩnh của toàn thể cán bộ. Những vụ án tranh chấp đất đai hay những vụ án hình sự liên quan đến tội phạm công nghệ cao, đòi hỏi chúng tôi phải không ngừng cập nhật kiến thức, làm chủ công nghệ để đảm bảo xét xử công tâm, khách quan. Áp lực là rất lớn, nhưng chúng tôi luôn tâm niệm rằng, mỗi phán quyết của mình không chỉ là sự thực thi pháp luật, mà còn là sự bảo vệ niềm tin của nhân dân vào công lý".

Tương tự, Chánh án TAND huyện Ea Súp Lưu Quốc Chinh cũng chia sẻ: "Ea Súp không chỉ gánh trên vai trọng trách giữ gìn an ninh quốc gia, mà còn là nơi TAND huyện phải đối mặt với những thách thức pháp lý đặc thù, chồng chất. Những vụ án hình sự liên quan đến buôn lậu, ma túy, phá rừng, những tranh chấp đất đai phức tạp giữa các cộng đồng dân tộc thiểu số... tất cả đều đòi hỏi chúng tôi không chỉ am hiểu pháp luật, mà còn phải thấu hiểu sâu sắc đời sống, phong tục của người dân nơi đây. Mỗi phiên tòa ở Ea Súp, không đơn thuần là việc áp dụng điều luật, mà còn là hành trình tìm kiếm công lý giữa những ngổn ngang của đời sống vùng biên".

Bản lĩnh, sự quyết tâm và tinh thần trách nhiệm

img_9273.jpg
Chánh án TAND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Văn Chung đánh giá: Sự nhiệt huyết, đoàn kết, nỗ lực không ngừng nghỉ và tinh thần trách nhiệm cao của toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức giúp TAND hai cấp tỉnh Đắk Lắk hoàn thành nhiệm vụ.

Khó khăn, áp lực là vậy nhưng tỷ lệ bản án, quyết định bị cấp phúc thẩm, giám đốc thẩm hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan chỉ chiếm 0,65% (67 vụ/5.116 vụ), giảm đáng kể so với tỷ lệ 0,97% của cùng kỳ năm 2024.

Sự giảm thiểu này cho thấy sự tiến bộ vượt bậc trong công tác nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm và trình độ chuyên môn của đội ngũ Thẩm phán, Thư ký Tòa án. Đây là một tín hiệu tích cực, khẳng định sự nỗ lực không ngừng trong việc nâng cao chất lượng xét xử, đảm bảo tính nghiêm minh và đúng đắn của pháp luật.

Hơn thế nữa, TAND hai cấp tỉnh Đắk Lắk đặc biệt chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ. Trong 6 tháng đầu năm, đã tổ chức 89 phiên tòa rút kinh nghiệm (trong đó có 38 phiên tòa hình sự phối hợp với VKSND cùng cấp), 08 đơn vị đã tổ chức 23 phiên tòa rút kinh nghiệm theo hình thức trực tuyến, phối hợp với Tòa án cấp cao tại Đà Nẵng tổ chức 67 phiên tòa trực tuyến.

Thẩm phán, Thư ký, Thẩm tra viên cũng tích cực tham gia các Hội nghị tập huấn trực tuyến định kỳ hàng tháng do TANDTC tổ chức, góp phần cập nhật kiến thức pháp luật, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ, đáp ứng tốt hơn yêu cầu công việc trong tình hình mới.

Ông Nguyễn Văn Chung, Chánh án TAND tỉnh Đắk Lắk đánh giá, trong bối cảnh sáp nhập, tinh giảm biên chế, việc TAND hai cấp tỉnh Đắk Lắk giữ vững được nhịp độ công việc, nâng cao chất lượng xét xử và giải quyết hiệu quả các loại vụ việc đã củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân vào sự nghiêm minh, thượng tôn pháp luật. Đó là sự tận tụy của các Thẩm phán ngày đêm nghiên cứu hồ sơ, đưa ra những phán quyết công tâm, khách quan; là sự nhiệt huyết, trách nhiệm của các cán bộ, công chức trong hoạt động chung của toàn hệ thống.

“Những con số về tỷ lệ giải quyết án, về việc giảm thiểu các bản án, quyết định bị hủy, sửa không chỉ là thành tích bề nổi, mà còn phản ánh chất lượng thực sự trong công tác xét xử. Điều đó cho thấy sự trưởng thành về nghiệp vụ, sự chuyên nghiệp trong tác phong và nâng cao về ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ Tòa án”, ông Chung nhấn mạnh.

Những thành tích mà TAND hai cấp tỉnh Đắk Lắk đã đạt được trong 6 tháng đầu năm 2025 là kết quả của sự đoàn kết, nỗ lực không ngừng nghỉ và tinh thần trách nhiệm cao của toàn thể đội ngũ cán bộ, thẩm phán. Đây là tiền đề quan trọng để TAND hai cấp tiếp tục phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong những tháng cuối năm 2025 và những năm tiếp theo, góp phần xây dựng một nền tư pháp hiện đại, hiệu quả và gần gũi với nhân dân.

Lê Hiếu