Tháng Thanh niên 2018: Tuổi trẻ gieo những mầm xanh
Đời sống - Ngày đăng : 08:01, 22/03/2018
Những “thầy giáo mang quân hàm xanh” ấy phần lớn tuổi đời còn rất trẻ, nhưng bằng niềm say mê và lòng nhiệt huyết của mình, họ đã và đang ngày đêm lặng lẽ đem cái chữ đến với những sơn dân nơi rừng thẳm.
Dạy chữ trên đỉnh trời
Nằm ở độ cao trên 1.000m so với mực nước biển, Nặm Lạn là một trong hai bản vùng cao xa xôi nhất của xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La. Bản có 38 hộ/224 nhân khẩu, trong đó 100% là đồng bào dân tộc Mông. Điện, đường, trường, trạm đều thiếu, cuộc sống của đồng bào khó khăn chất chồng như dãy núi trước nhà. Nhằm san sẻ, chia vơi những thiếu khó của đồng bào, từ nhiều năm nay, các chiến sĩ Đồn Biên phòng Mường Lạn đã có những giúp đỡ thiết thực bằng cả vật chất lẫn tinh thần. Đặc biệt, tháng 1/2017, Đồn còn phối hợp với Phòng Giáo dục huyện Sốp Cộp khai giảng, đồng thời mở hai lớp xóa mù chữ cho người dân tại bản Nặm Lạn và Co Muông do hai cán bộ trẻ của Đồn trực tiếp giảng dạy.
Lớp học xóa mù chữ của thượng úy Hồ Manh
Kể từ khi có lớp học, vào các buổi tối, có rất nhiều học viên là người dân tộc Mông ở các bản vùng cao của xã, trong đó, nhiều người đã làm cha, làm mẹ vẫn nhiệt tình rủ nhau đi học. Lớp học ở Nặm Lạn vốn là nhà văn hóa của bản, rộng 20-30m2, được làm bằng gỗ, lợp ngói prôximăng. Đứng lớp là trung úy Lò Văn Thoại, Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Mường Lạn - người vẫn được các học viên gọi bằng ba tiếng thân thương: Thầy giáo Thoại.
“Bà con chưa ra tiếp xúc xã hội nhiều nên là không biết được cái chữ. Nhiều khi là nghĩ được nhưng thấy họ trăn trở không biết viết, không biết tính toán, rất là khó cho cuộc sống. Theo chương trình mà Phòng Giáo dục và Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh phối hợp với nhau thực hiện xóa mù chữ, tôi thấy đây là công việc mà 1 chiến sỹ biên phòng cần phải làm và làm thật tốt. Nhưng khi bắt tay vào triển khai thì cũng gặp rất nhiều khó khăn, bởi do nhận thức còn hạn chế, nhiều bậc phụ huynh không cho con đi học mà chỉ muốn con đi làm nương rẫy. Khi thấy cán bộ đến, nhiều người còn lẩn trốn. Bà con nói rằng, cái tay đã quen cầm cuốc, cầm xẻng rồi, không hợp cầm bút đâu. Ngại đi học lắm”, trung úy Thoại chia sẻ.
Chính vì thế mà công việc đầu tiên của thầy Thoại mỗi khi lên lớp là điểm danh xem lớp có vắng hay không, học sinh nào bỏ học. Thậm chí, nhiều hôm thầy phải băng rừng, lội suối đến tận nhà vận động bố mẹ các em cho con cái họ đến trường. Bấy giờ, vận động trẻ con dân tộc người Mông đi học là rất khó. Bởi nhà các em quá xa, leo núi mất cả 1-2 tiếng đồng hồ. Trời mưa là đám trẻ núi bỏ học hàng loạt. Có buổi chỉ vài học viên đến lớp. Thậm chí có nhiều em đến còn phải địu theo cả em để vừa học vừa trông. Mỗi lần đứa bé trong địu khóc là cả lớp lại nháo nhào như vỡ chợ…
Phần nữa vì đa phần những gia đình ở đây đều nghèo, miếng cơm manh áo đối với họ luôn là điều quan tâm nhất, còn chuyện học chỉ là thứ yếu, thế cho nên, công tác vận động của thầy Thoại gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại. Nhưng, vì nể cái tình của thầy, dần dà các bậc phụ huynh cũng bớt chuyện bắt con ở nhà chăn bò, lên nương, lấy chồng, lấy vợ thay vì đi học. Giờ lớp học đã dần đi vào ổn định với hơn 20 học viên, thuộc nhiều độ tuổi khác nhau, có người đã làm cha, làm mẹ của mấy đứa con.
“Bản rộng, địa hình cheo leo, dân cư phân tán lại không có điện nên nhiều người phải đi khá xa, vất vả mới đến được lớp. Để bà con có điều kiện đi học nên lớp cũng được tổ chức vào buổi tối. Bản lại chưa có điện, đèn chiếu sáng đốt bằng năng lượng mặt trời, nhiều khi phải dùng cả đèn pin soi để học. Có lên đây, ăn ở, sống với học viên mới thấu hết được những cảnh khốn khổ của đồng bào các dân tộc vùng cao. Với mảnh đất “cần gì thiếu nấy” này không phải giáo viên nào cũng chịu được, thế nên anh em biên phòng phải cố gắng thôi”, trung úy Thoại tâm sự.
Chị Giàng Thị Súa, SN 1986, ở bản Nặm Lạn, bộc bạch: “Mình lớn tuổi rồi, đi học cũng ngại lắm. Nhưng cũng phải học thôi. Học để biết chữ chứ. Cách đây mấy năm, mình cũng từng học một khóa xóa mù, sau một thời gian không học đến là quên hết. Nay được thầy giáo Thoại đến tuyên truyền, mình thấy cần phải học chữ để đỡ xấu hổ khi giao tiếp bên ngoài. Hiện nay, mình đã biết đọc và học được phép tính cộng, trừ, nhân, chia. Tất cả là nhờ thầy Thoại, nhờ Bộ đội Biên phòng”.
Miệt mài thắp sáng vùng cao
Nếu trải bản đồ của xã miền núi Trường Sơn (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) ra, tìm bản Dốc Mây, dễ dàng thấy một chấm nhỏ nằm hun hút sâu giữa núi rừng, giáp với biên giới Việt - Lào. Bản là nơi định cư của 19 hộ đồng bào dân tộc Vân Kiều. Xa xôi, cách trở, sơn lam chướng khí là thế nên cho đến tận bây giờ, nhắc đến Dốc Mây, ít ai biết. Nếu có biết, tưởng tượng đến hành trình xuyên qua những trảng rừng, xa biền biệt thì cũng phải rùng mình. Vậy mà từ nhiều năm nay, các chiến sỹ Đồn Biên phòng Làng Mô (Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình) vẫn lặng lẽ băng rừng vào Dốc Mây dạy chữ.
Chị Giàng Thị Súa: “Mình biết chữ là nhờ thầy Thoại, nhờ Bộ đội Biên phòng”
Cách đây hơn chục năm về trước, đó là vào năm 2006, Ban chỉ huy Đồn Biên phòng Làng Mô quyết định “biệt phái” đại uý Nguyễn Văn Việt, Đội phó Đội vận động quần chúng và thượng uý Trần Văn Chung vào bám bản, “bốn cùng” và dạy chữ ở Dốc Mây. Lúc Bộ đội Biên phòng đến, Dốc Mây hoang sơ lắm, người ở chung với trâu bò. Trẻ con tóc cháy, không có áo quần để mặc. Người dân đau ốm, sốt rét dài ngày nhưng không điều trị, chỉ tin vào ma chay, cúng bái. Dân bản lâm vào cảnh thiếu ăn, đói cơm, rách áo quanh năm. Đêm nằm, bọ chét rúc ráy, bọ mắt cắn liên tục…
Kể từ khi có hai cán bộ biên phòng, cái chữ bắt đầu được gieo xuống Dốc Mây. Năm học đầu tiên thầy không rành tiếng Vân Kiều, trẻ chẳng biết tiếng Kinh, không tài nào dạy được, thầy Chung nhanh trí dùng các động tác hình thể, kết hợp với hình vẽ trong sách giáo khoa. Theo thời gian, thầy và trò hiểu nhau, gần gũi nhau hơn. Lớp học xóa mù giữa rừng sâu do thầy Chung làm chủ nhiệm rất linh động: trẻ từ bốn đến mười bốn tuổi học ban ngày. Thanh thiếu niên, phụ nữ, người già tranh thủ xoá mù ban đêm. Trẻ yêu cái chữ nhưng chưa quen cầm bút hơn con dao, cái cuốc. Vật lộn với con chữ mệt quá, chúng trốn biệt lên rừng, lên rẫy, chỉ tội thầy phải lặn lội đến từng nhà động viên. Người lớn biết viết được cái tên của mình là thầy giáo hạnh phúc lắm. “Bốn cùng” với Dốc Mây, Trần Văn Chung trở thành người con của bản lúc nào không ai biết nữa. Tiếng Vân Kiều thầy nói trôi chảy, những lúc bên ché rượu cần người già vui, vuốt râu khen: “Bộ đội Chung là đứa con cưng của Dốc Mây”.
Thế nhưng sau khi thầy giáo quân hàm xanh Trần Văn Chung chuyển công tác về xuôi, nguy cơ mù chữ, tái mù chữ bắt đầu trở lại với Dốc Mây. Lý do là bởi: “Ơ, học xong cái chữ, không biết cất ở mô, không ăn được,không đổi gạo được, không no cái bụng. Mấy khi có cơ hội được đem ra sử dụng, giao tiếp, đồng bào lên rừng, lên rẫy vài lần, cái chữ bay mất”.
Trước nguy cơ mù chữ, tái mù chữ, một lớp học đặc biệt hình thành tại Dốc Mây, lớp học xóa mù cho đồng bào. Gọi lớp học đặc biệt vì được tổ chức vào ban đêm, ban ngày dành cho buổi học chính khóa. Thầy giáo giảng dạy là Bộ đội Biên phòng, còn học viên có hơn 30 người, đủ mọi lứa tuổi. Nhiều gia đình anh em, con cái, bố mẹ, vợ chồng cùng theo học. Từ tháng 5/2015 bắt đầu dạy chương trình lớp một, bây giờ lớp xóa mù lên đến lớp ba. Các cán bộ Đồn Biên phòng Làng Mô thay nhau đứng lớp dạy chữ, cứ mỗi buổi tối gồm hai người. Cắm bản khoảng 10 đến 15 ngày, hết lương thực, thực phẩm, trở ra đơn vị, hai người khác tiếp tục vào thay.
Vậy là đã ba mùa rẫy, những thầy giáo quân hàm xanh Đồn Biên phòng Làng Mô thay nhau “bốn cùng” dạy chữ cho đồng bào Vân Kiều ở Dốc Mây. Thiếu tá Nguyễn Mạnh Tường, thiếu tá Hồ Tiến Dũng, thượng úy Hồ Manh, thượng úy Lê Hữu Đại… xem Dốc Mây như nhà mình, đồng bào như người thân của mình.
“Mỗi lần vào Dốc Mây dạy xóa mù chữ cho bà con, anh em phải đi bộ 7 - 8 km đường rừng, hết 4 -5 giờ đồng hồ mới tới nơi. Nhưng đi nhiều nên quen rồi, không thấy mệt nữa. Chỉ sợ nhất mưa rừng thôi. Khi đó đường vừa trơn trượt, khó đi, vừa nhiều vắt nữa. Nhưng chỉ cần nghĩ tới ánh mắt vui mừng, mong mỏi của bà con dân bản là anh em lại quên hết mệt nhọc, có động lực để bước tiếp”, thượng úy Hồ Manh chia sẻ.
Mế Hồ Thị Thon, ngoài 50 tuổi, học viên cao tuổi nhất lớp, khi được đề nghị viết tên mình, mế Thon trằn mình ra, từng con chữ chậm chạp hiện lên trên trang giấy trắng học trò, to như quả trứng gà. Còn Hồ La Phon (SN 1968) thì đến lớp xóa mù cùng các con Hồ Văn Thùa, Hồ Văn Choi. “Trước đây tôi từng học với cán bộ Chung rồi, từ ngày cán bộ Chung về xuôi, chữ nghĩa hắn bay đi hết. Giờ tôi đi học lại, không lẽ để thua mấy thằng con. Học cái chữ khó quá, tay chân cứ cứng đơ. Đi rừng, phát rẫy, làm nương dễ hơn học chữ nhiều. Nhưng nhất định phải học, để biết chữ, để không phụ lòng cán bộ”, Hồ La Phon tâm sự.
Quả thật, tấm lòng của những người thầy giáo trẻ, mang quân hàm xanh như thầy Thoại, thầy Manh như ngọn lửa sưởi ấm các bản làng. Dốc Mây, Nặm Lạn nói riêng, hay các vùng đất biên viễn khác trên cả nước, dẫu vẫn còn xa ngái, dẫu vẫn còn nghèo đói, song với tinh thần đoàn kết quân dân như thế, biên cương của Tổ quốc sẽ mãi mãi vững bền.