Đời sống

Nhọc nhằn phận người ở 'chợ lao động' giữa lòng Thái Nguyên

Nguyễn Liên - Huy Dũng 07/04/2025 - 13:59

Từ sáng tinh mơ, bên lề con đường nhộn nhịp của thành phố Thái Nguyên, hàng chục người lại tụ tập thành từng nhóm, không bảng hiệu, không mái che – nơi những lao động tự do chờ mong một lời gọi việc. Giản dị, tạm bợ nhưng đầy khát vọng mưu sinh, chợ lao động tự phát là lát cắt chân thực về cuộc sống mưu sinh của nhiều phận người nơi đô thị đang chuyển mình.

Từ 5h sáng mỗi ngày, những người lao động tự do ở nhiều nơi tại Thái Nguyên đã có mặt tập trung hai bên đường Hoàng Văn Thụ, TP. Thái Nguyên để chờ người đến thuê làm việc tay chân.

"Chợ người" hình thành hơn 10 năm, sở dĩ có tên gọi đó bởi tại đây, tập trung các lao động đến từ nhiều xã, huyện khác nhau và đa phần trong số đó là những người nghèo, không có việc làm ổn định.

cho-nguoi-thai-nguyen.zip-4.png
Những lao động tại "chợ người" ở TP. Thái Nguyên. Ảnh: Quang Huy.

Sức lao động chính là thứ mang ra mua bán, họ sẵn sàng làm đủ thứ nghề bằng việc lao động chân tay như: dọn dẹp, bốc vác, phụ hồ... để kiếm tiền mưu sinh.

Tại một góc trên đường Hoàng Văn Thụ, dưới những cơn mưa nặng hạt, khoảng 3 - 4 người đàn ông thu mình dưới hiên nhà xe bus ngồi chờ khách tìm đến thuê.

Hơn 5 năm qua, cứ đều đặn 5h sáng, ông Nguyễn Văn Lâm, 52 tuổi (xã Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ) lại dắt xe rời khỏi nhà và chỉ trở về sau 17h chiều.

cho-nguoi-thai-nguyen.zip-6.png
img_0865.jpeg
Hành trang của những lao động tại đây chỉ có những vật dụng đơn giản. Ảnh: Quang Huy.

Nhìn dòng người đang di chuyển dưới cơn mưa tầm tã, mắt đượm buồn, ông Thắng tâm sự, những lao động tại chợ người đa số đã ngoài 50 tuổi, phần lớn trong đó là những người có hoàn cảnh khó khăn và đang phải "cõng" trên vai cả gia đình.

Mặc dù thu nhập không nhiều, công việc bấp bênh, nhưng vì để có tiền mưu sinh, lo cho gia đình nên họ phải chấp nhận.

"Đa số họ thuê chúng tôi đi làm công việc tay chân như dọn dẹp, bốc vác... việc cũng khá nặng nhọc và vất vả, mỗi lần xong việc được trả khoảng 200.000 đồng. Có những ngày mưa, lạnh run người nhưng chúng tôi vẫn chấp nhận đứng dầm mưa để chờ người đến thuê làm. Dù số tiền có thể không nhiều nhưng chừng đó cũng đủ để gia đình tôi có chi phí trang trải tạm bợ trong 1-2 ngày", ông Lâm chia sẻ.

Với nhiều năm gắn bó với công việc làm tại chợ người, ông Lê Văn Thái, 54 tuổi (TP. Thái Nguyên) thấu hiểu hơn ai hết nỗi nhọc nhằn, vất vả của công việc bán sức kiếm tiền mưu sinh này.

cho-nguoi-thai-nguyen.zip-5.png
Giấc ngủ trưa vội của những người tại "chợ người". Ảnh: Quang Huy.

Theo ông Thái, với những lao động tại đây, nỗi nhọc nhằn, vất vả cũng không quan trọng bằng nỗi lo cơm áo thường nhật, bởi vậy mà bất kể trời nắng nóng hay mưa to dầm dề, các lao động chợ người vẫn miệt mài, cần mẫn, nhẫn nại để gom góp từng chút tiền lo cho gia đình.

"Thời buổi khó khăn, kiếm chút tiền cũng không phải dễ dàng gì, biết là việc vất vả nhưng vẫn phải gắng gượng làm để lo cho gia đình.

Công việc chủ yếu là dùng sức người nên làm những ngày mưa vất vả hơn ngày thường rất nhiều, nhất hôm mưa to, đường ngập sâu, có hôm chở hàng thuê mà không đi nổi, nhưng vẫn phải gắng gượng vì những ngày này, có người thuê, trả tiền đã là may mắn rồi", ông Bình chia sẻ.

Dưới những cơn mưa nặng hạt, đôi chân của những người mưu sinh tại chợ người lại càng nặng trĩu và gian nan. Họ vất vả, không kể mưa nắng, bán sức để góp nhặt từng đồng tiền ít ỏi lo cho gia đình và các con ăn học để có tương lai tươi sáng hơn.

Nguyễn Liên - Huy Dũng