Tháng Thanh niên 2018: Áo xanh trong phong trào đuổi “khói trắng”, “cơm đen”
Đời sống - Ngày đăng : 06:30, 21/03/2018
Khó khăn chồng chất
Từ xưa đến nay, Quế Phong nổi tiếng là điểm nóng về ma túy của miền Tây xứ Nghệ. Đi khắp các xã bản nào ở vùng đất biên viễn xa xôi, khuất nẻo này, người ta dễ dàng bắt gặp những gia đình khốn cùng vì ma túy. Chính vì thế, trong nhiều năm qua, nhiệm vụ ngăn chặn và đẩy lùi "cơn bão trắng" luôn đè nặng lên vai các lực lượng chức năng của huyện cũng như của tỉnh Nghệ An.
Hơn nữa, do người dân ở đây có tập quán trồng cây thuốc phiện và hút thuốc phiện từ lâu đời nên có nhiều đối tượng nghiện lâu năm. Thời gian gần đây, “cơm đen” trở nên hiếm do chính sách triệt xóa cây thuốc phiện của Chính phủ và thị hiếu chuyển sang xài “hàng trắng”, thuốc lắc nên số đối tượng nghiện hút các loại ma túy khá đông. Địa hình khu vực biên giới Quế Phong lại cực kỳ phức tạp, hiểm trở với nhiều khu rừng già chằng chịt, hang khe hốc đá nhiều tầng nhiều lớp mà cơ quan chức năng khó bề quản lý...
Tính trung bình, mỗi năm có hàng trăm người Mông di cư trái phép qua biên giới, nhiều người trong số đó đã tham gia các đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy và quay về Việt Nam đưa đường dẫn lối cho các đối tượng người Lào xâm nhập qua biên giới để buôn bán ma túy. Ở bên kia biên giới Việt - Lào, các cụm bản Phà Đánh, Phăn Thoong, Nậm Bống của huyện Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn, nằm sát đường biên, hầu hết là người Mông, trước đây lại là địa bàn trồng nhiều cây thuốc phiện; còn hiện nay, đó là địa bàn tập kết, trung chuyển các chất ma túy để buôn bán, vận chuyển qua biên giới vào nước ta.
Phần nữa, xuất phát từ việc mấy năm gần đây, nhờ dự án xây dựng các công trình thuỷ điện được triển khai, Quế Phong nhộn nhịp hẳn lên vì có những công nhân "dưới xuôi" lên làm việc. Nhưng cũng bắt đầu từ đó, những đối tượng buôn bán ma tuý lợi dụng trà trộn, biến nơi đây thành cái "chợ ma túy" khổng lồ.
Với hàng trăm người nghiện và vô số các điểm bán lẻ ma tuý nằm rải rác khắp các xã bản, huyện Quế Phong đã và đang là điểm nóng ma tuý nơi miền Tây xứ Nghệ. Hoạt động buôn bán ma tuý ở đây ngày càng tinh vi, phức tạp. Bọn tội phạm ma tuý không chỉ hoạt động trên tuyến biên giới, móc nối với một số đối tượng người dân tộc Mông ở bên kia biên giới để thẩm lậu ma tuý vào địa bàn, mà còn hoạt động lưu động ở một số khu vực núi rừng thuộc các xã Châu Thôn, Châu Kim, Mường Nọc…
Tính trên toàn huyện Quế Phong thì hầu hết các xã, thị trấn đều có người nghiện. Có những xã, bản chỉ cần gọi tên cũng đã gợi cho người ta những dự cảm chẳng lành, như Tiền Phong, Thông Thụ, Châu Kim và đặc biệt là Mường Nọc. Nói Mường Nọc đặc biệt là bởi chỉ với hơn 1.400 hộ dân, nhưng có những thời điểm số đối tượng phải đi tù vì những tội danh liên quan đến ma tuý của xã này lên tới 100 người. Còn hiện nay, theo con số thống kê của các cơ quan chức năng, Mường Nọc có đến 120 người nghiện, và trên 200 đối tượng nhiễm HIV. Đó là con số trên sổ sách, chứ trên thực tế, có thể nó còn lớn hơn nhiều.
Cán bộ đoàn của các đơn vị Công an, Tòa án đi vận động đồng bào “Nói không với ma túy”
Nếu nói Mường Nọc là “điểm nóng” ma túy của Quế Phong với 37 điểm bán lẻ, 42 đối tượng, thì Mường Mừn là “điểm đen” của Mường Nọc. Cả bản có 87 hộ thì có đến 65 hộ liên quan đến ma túy. Có những gia đình 3,4 người nghiện; có những đôi vợ chồng chỉ vì muốn tránh “tai mắt” công an mà lôi cả con ruột của mình vào việc buôn ma túy. Người nghiện già có, trẻ có, nhưng nhiều nhất phải kể đến những đối tượng từ 20 - 39 tuổi, chiếm tới gần 80%.
Bên cạnh Mường Nọc, Quế Phong có 5 địa bàn phức tạp về ma tuý gồm xã Trí Lễ, Châu Thôn, Căm Muộn, Châu Kim và thị trấn Kim Sơn. Ở những xã bản này, đi đâu cũng có thể bắt gặp người nghiện. Thậm chí có gia đình cả 3 cha con đều nghiện: cha là Lô Văn Th nghiện đã chục năm nay, "dạy" cho cả hai người con trai là Lô Văn C và Lô Văn T cùng nằm đèn bàn. Gia đình đó 6 con người chui rúc trong một căn nhà tồi tàn, rách nát, thường xuyên đứt bữa…
Cứ thế, những u mê, mông muội đã ủ nhiều đồng bào người Mông, người Thái trong khói phù dung. Những cái tên “xóm ma tuý” hay “làng “ết”” dần được gắn với một số thôn bản ở Quế Phong như một nỗi hổ thẹn, một nỗi đau không thể nguôi ngoai.
Một buổi tuyên truyền thông qua sinh hoạt giao lưu văn hoá văn nghệ ở Quế Phong
Gian nan chống "bão"
Trước tình hình đó, Ban chỉ đạo Phòng chống tội phạm, phòng chống AIDS và tệ nạn xã hội huyện Quế Phong đã đặt quyết tâm “hạ nhiệt” cho “vùng đất nóng” này bằng mọi giá với sự vào cuộc rốt ráo của nhiều cơ quan, đoàn thể, lực lượng. Phát huy vai trò xung kích của mình, trong thời gian qua, tuổi trẻ huyện Quế Phong với lực lượng nòng cốt là các đoàn viên thanh niên đã và đang tích cực tham gia phòng chống ma túy với nhiều hoạt động có hiệu quả.
Với chủ trương phải bám dân, bám địa bàn, đối mặt với thực tế, công tác vận động, tuyên truyền bắt đầu được các tổ chức Đoàn triển khai quyết liệt. Băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền về tác hại của các loại ma túy được các “cán bộ áo xanh” chằng buộc sau xe, vượt đường rừng lên tận xã, “cõng” vào từng bản treo rợp lối ngõ. Các Chi đoàn của Bộ đội Biên phòng, Công an, Tòa án phối hợp với các Chi đoàn xã đã tổ chức hàng trăm buổi tuyên truyền, giáo dục ý thức pháp luật với nhiều nội dung phong phú, thu hút hàng nghìn lượt đồng bào tham dự, nhất là những người nghiện ma túy và người nhiễm HIV; các Câu lạc bộ Phòng chống tội phạm, phòng chống tệ nạn xã hội ở các xã, bản được thành lập bước đầu đã đạt được một số thành công... Đặc biệt, mô hình “Xây dựng chi đoàn điểm sạch về ma tuý” ở xã biên giới Thông Thụ đã tạo nhiều chuyển biến trong công tác đấu tranh phòng, chống tệ nạn xã hội.
Với đặc điểm xã biên giới, những năm trước đây, trong số 350 đoàn viên, thanh niên tham gia sinh hoạt tại 14 chi đoàn, số đoàn viên thanh niên mắc các tệ nạn xã hội tương đối cao. Cùng với đó, để phục vụ thi công Thuỷ điện Hủa Na, có 8 bản phải di chuyển đến nơi ở mới và được hưởng các khoản đền bù, hỗ trợ nên việc thanh niên trên địa bàn xã vướng vào các tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn ma tuý lại càng có nguy cơ gia tăng. Trước tình hình đó, Ban Chấp hành Đoàn xã Thông Thụ đã phối hợp cùng Ban Chấp hành Chi đoàn Đồn Biên phòng Thông Thụ triển khai mô hình “Xây dựng chi đoàn điểm sạch về ma tuý” tại bản Na Lướm.
Kể từ đó, công tác tuyên truyền, giáo dục đã được các chi đoàn thường xuyên quan tâm, thực hiện. Chỉ tính trong vòng 3 năm gần đây, Ban Chấp hành Đoàn xã Thông Thụ, và Ban Chấp hành Chi đoàn Đồn Biên phòng Thông Thụ, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An đã phối hợp tổ chức hơn 50 hoạt động tuyên truyền, sinh hoạt giao lưu thu hút sự tham gia của gần 1.000 lượt cán bộ, đoàn viên thanh niên và người dân trên địa bàn. Nội dung tuyên truyền tập trung vào các kiến thức pháp luật như Luật Phòng chống ma túy, Luật Phòng chống mua, bán người... và những kiến thức về tác hại của ma tuý, mại dâm, HIV/AIDS. Các hình thức tuyên truyền, giáo dục cũng được thường xuyên đổi mới theo hướng đa dạng, phong phú, phù hợp với tâm lý, sở thích của đoàn viên thanh niên như tuyên truyền miệng, tuyên truyền thông qua sinh hoạt chi đoàn, giao lưu văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao...
Để “dân nghe, dân tin và dân làm theo”, 100% cán bộ, đoàn viên thanh niên Chi đoàn bản Na Lướm tham gia đăng ký cam kết không vi phạm tệ nạn xã hội; định kỳ 6 tháng, chi đoàn sẽ đánh giá và xếp loại cán bộ, đoàn viên dựa trên kết quả thực hiện đăng ký cam kết này. Đồng thời, Chi đoàn Đồn Biên phòng Thông Thụ cũng thường xuyên bồi dưỡng, hướng dẫn đoàn viên thanh niên trong bản những kiến thức, kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt để anh, chị em thanh niên tự tin phát triển sản xuất; tránh xa ma tuý.
Song song với đó, nhiều phong trào vận động cũng được các chi đoàn phối hợp thực hiện có hiệu quả tốt như: Phong trào “Tuổi trẻ sống đẹp”; cuộc vận động “Nếp sống văn hoá trong việc cưới, tang, lễ, hội”; phong trào “4 giảm” (giảm ma tuý, mại dâm; giảm tội phạm và tai nạn giao thông); cuộc vận động “Chi đoàn không vi phạm pháp luật, không mắc tệ nạn xã hội và ma tuý”... qua đó đã tạo chuyển biến mạnh mẽ đối với công tác phòng, chống các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, nhất là ma tuý, mại dâm.
“Mô hình “Xây dựng chi đoàn điểm sạch về ma tuý” thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Những hoạt động cụ thể của mô hình đã trực tiếp giúp nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đoàn viên thanh niên, người dân địa phương ở bản Na Lướm nói riêng và trên địa bàn xã Thông Thụ nói chung trong việc đấu tranh chống tội phạm ma tuý, chống tệ nạn xã hội để bảo vệ cuộc sống bình yên”, ông Lô Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND xã Thông Thụ, chia sẻ.
Ông Lê Văn Giáp, Chủ tịch UBND huyện Quế Phong, cho biết: “Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, ban ngành tiến hành triển khai nhân rộng mô hình “Xây dựng chi đoàn điểm sạch về ma tuý”. Cùng với công tác lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng liên quan đảm bảo an ninh trật tự, phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy, huyện cũng sẽ chú trọng đến việc thực hiện các chương trình thay thế cây có chất ma tuý, xóa bỏ tư duy và tập quán trồng cây thuốc phiện của bà con đồng bào dân tộc; đồng thời hướng dẫn nhân dân xây dựng mô hình phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống”.