Hoàn thiện thể chế để “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” không chỉ là khẩu hiệu
Nguyên tắc “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” được các chuyên gia bàn thảo nhằm hoàn thiện thể chế, tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho thu hút đầu tư và phát triển bền vững.

Sáng 5/4 tại Quảng Ninh, Hội thảo quốc tế “Hoàn thiện thể chế nhằm hiện thực hóa nguyên tắc lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ trong lĩnh vực đầu tư trực tiếp” do Báo Pháp luật Việt Nam và Tạp chí Pháp luật & Phát triển phối hợp tổ chức đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới chuyên gia, nhà quản lý và cộng đồng doanh nghiệp.
Tham dự Hội thảo có ông Nguyễn Khánh Ngọc - Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam; ông Phạm Đức Ấn – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh; ông Tạ Đình Thi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; Đại biểu Quốc hội Đồng Ngọc Ba; cùng đông đảo chuyên gia pháp lý, nhà quản lý, luật sư, luật gia và các nhà nghiên cứu.
Ban Tổ chức gồm những tên tuổi uy tín trong giới học thuật và truyền thông pháp luật như: GS.TS Lê Hồng Hạnh – Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Tổng Biên tập Tạp chí Pháp luật và Phát triển; TS. Vũ Hoài Nam – Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam; Nhà báo Trần Ngọc Hà – Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam.

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Khánh Ngọc đánh giá cao chủ đề Hội thảo, nhấn mạnh đây là nguyên tắc mang ý nghĩa sâu sắc cả về lý luận và thực tiễn.
Nguyên tắc “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” không chỉ là tinh thần nhân văn trong ứng xử giữa các chủ thể, mà còn là nền tảng quan trọng để xây dựng thể chế công bằng, bền vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng.
Ông dẫn chứng, Trường Đại học Luật Hà Nội đã nhiều năm giảng dạy bộ môn kinh tế luật, khẳng định tầm quan trọng của thể chế đối với phát triển kinh tế bền vững.
Thậm chí, giải Nobel Kinh tế năm 2024 cũng vinh danh những nhà khoa học chứng minh mối quan hệ mật thiết giữa thể chế và tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, việc thể chế hóa nguyên tắc này vẫn còn là thách thức lớn khi chưa được quy định rõ ràng, minh định trong ba khâu: xây dựng pháp luật, thực thi pháp luật và giải quyết tranh chấp.
Từ góc nhìn thực tiễn, ông Nguyễn Khánh Ngọc khẳng định: môi trường đầu tư – kinh doanh tại Việt Nam những năm qua đã có nhiều cải thiện, song vẫn tồn tại không ít rào cản pháp lý khiến các nhà đầu tư thiếu niềm tin vào việc chia sẻ rủi ro một cách minh bạch, công bằng.

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cảm ơn Ban tổ chức đã lựa chọn Quảng Ninh làm nơi tổ chức sự kiện ý nghĩa.
Ông đánh giá cao cách tiếp cận sáng tạo của Hội thảo, đặc biệt trong bối cảnh pháp luật ngày càng trao quyền nhiều hơn cho chính quyền địa phương, theo tinh thần “địa phương quyết – địa phương làm – địa phương chịu trách nhiệm”.
Ông Phạm Đức Ấn ví von: “Vỗ tay phải có hai bàn tay”, nhấn mạnh sự đồng thuận giữa Nhà nước và nhà đầu tư là điều kiện tiên quyết để xây dựng niềm tin và thúc đẩy phát triển bền vững.
Tỉnh Quảng Ninh, trong quý I/2025, đã ghi nhận mức tăng trưởng kinh tế ấn tượng 10,91%, đứng thứ 7 cả nước.
Tuy nhiên, ông cũng thẳng thắn chia sẻ những lo ngại trước các yếu tố bên ngoài như chính sách thuế đối ứng từ Mỹ – vốn có thể ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh.
Kết thúc phát biểu, Chủ tịch UBND tỉnh bày tỏ mong muốn Quảng Ninh tiếp tục là điểm đến của nhiều hội thảo pháp luật lớn, qua đó đóng góp thiết thực cho công cuộc hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư và phát triển bền vững của tỉnh.
Hội thảo là dịp để các chuyên gia, nhà thực tiễn cùng nhìn lại, đánh giá đúng nguyên tắc “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” từ góc độ thể chế – pháp lý.
Qua đó, đề xuất các giải pháp cụ thể để nguyên tắc này không chỉ dừng ở khía cạnh học thuật, mà sớm được thể chế hóa, trở thành chuẩn mực trong thực thi và giải quyết tranh chấp trong đầu tư trực tiếp tại Việt Nam.