Đổi mới phương thức tuyên truyền phòng, chống tác hại của thuốc lá
Thuốc lá từ lâu đã là một vấn đề nghiêm trọng, không chỉ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của mỗi cá nhân mà còn đe dọa sức khỏe cộng đồng. Sự xuất hiện của các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới như thuốc lá điện tử, pod và các sản phẩm chứa nicotine đang tạo ra những thách thức mới trong công tác phòng chống tác hại của thuốc lá.
Trong khói thuốc lá chứa tới hơn 7.000 chất, phần lớn là chất độc hại. Trong đó, có khoảng 70 chất là tác nhân gây ung thư, đặc biệt nguy hiểm nhất là nicotin. Khi hút thuốc lá hoặc sống chung với người hút thuốc, khói thuốc hít qua phổi ngấm vào máu, tích luỹ lâu ngày trở thành điều kiện và nguyên nhân gây nên các bệnh tim mạch, viêm nhiễm đường hô hấp gây tổn thương trong lòng mạch máu.
Vì vậy, người hút thuốc lá dễ bị các bệnh như: Rụng tóc, đục thủy tinh thể, giảm thính lực, sâu răng, ung thư da, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, loãng xương, bệnh tim mạch, vàng móng tay, ung thư cổ tử cung, tinh trùng biến dạng, bệnh vảy nến, viêm tắc mạch máu… Ảnh hưởng đến các cơ quan của cơ thể như: Mũi, miệng, lưỡi, tuyến nước bọt, họng, thanh quản, thực quản, thận, dương vật, tụy...

Đặc biệt, những người hút thuốc có nguy cơ bị ung thư phổi cao gấp 25 lần. Ngoài ra, hút thuốc lá còn làm giảm số lượng và chất lượng tinh trùng, dễ dẫn đến vô sinh ở nam giới; tăng nguy cơ ung thư tử cung, rối loạn kinh nguyệt, ung thư vú, đối với phụ nữ; dễ bị còi xương, trí tuệ chậm phát triển, suy dinh dưỡng đối với trẻ em.
Mọi người đều có thể bị phơi nhiễm khói thuốc thụ động tại những nơi có người hút thuốc. Người hút thuốc thụ động cũng có nguy cơ mắc các bệnh giống như người hút thuốc, trong đó, trẻ em, phụ nữ là những đối tượng đặc biệt nhạy cảm với khói thuốc. Trẻ em có thể mắc hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh, cân nặng khi sinh thấp, viêm đường hô hấp, viêm tai giữa, các triệu chứng hen, … Người mẹ hít phải khói thuốc lá trong thời gian mang thai có thể bị sảy thai, tăng nguy cơ thai chết lưu, làm chậm quá trình phát triển của thai, con sinh ra thường thiếu cân, kém thông minh,….
Thời gian gần đây, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng hiện có xu hướng gia tăng ở đối tượng là giới trẻ, số trường hợp ngộ độc do sử dụng thuốc lá điện tử đã được ghi nhận ở nhiều tỉnh, thành phố. Đáng chú ý, hầu hết các trường hợp xảy ra ở lứa tuổi học sinh, trong đó có cả nữ giới. Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng gây ảnh hưởng xấu đến giới trẻ, làm suy yếu sự trưởng thành não bộ của thanh thiếu niên với những hậu quả ngắn hạn và lâu dài, nghiêm trọng đó là nghiện, rối loạn nhận thức, cảm xúc, gây ra các bệnh về tim mạch, hô hấp, tiêu hóa… và có khả năng thúc đẩy, hình thành các khối u.
Các chất độc hại được tìm thấy trong khói của thuốc lá điện tử có hàm lượng tương đương hoặc cao hơn so với thuốc lá thông thường. Tổ chức Y tế giới khuyến cáo rằng không có ngưỡng an toàn cho việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá và không có một loại thuốc lá nào là an toàn cho sức khỏe.
Đa phần thuốc lá điện tử có chứa Nicotine - chất gây nghiện cao, là nguyên nhân gây các bệnh tim mạch, hô hấp, tiêu hóa và ung thư. Ngoài ra, thuốc lá điện tử sử dụng nhiều hương liệu, hóa chất không phải từ nguyên liệu lá thuốc lá điếu thông thường. Nguyên liệu phối trộn nhiều loại thành phần khác nhau, nên có thể bị lợi dụng để sử dụng ma túy thông qua việc phối trộn và đối tượng hướng đến là học sinh, sinh viên, nhất là giới trẻ.
Tổ chức Y tế thế giới cũng khuyến cáo, thuốc lá làm nóng tạo ra chất khí độc hại, có nhiều chất độc giống như trong khói thuốc lá điếu thông thường. Nồng độ một số hóa chất thấp hơn trong thuốc lá điếu thông thường, nhưng nồng độ một số hóa chất khác lại cao hơn và nồng độ hóa chấp thấp không đồng nghĩa với giảm nguy cơ sức khỏe.
Nhận thức rõ tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe con người, trong thời gian qua, các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương đã thực hiện nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho nhiều nhóm đối tượng với nhiều hình thức khác nhau.
Một số thống kê cho thấy, công tác thông tin, tin truyền về tác hại của thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng được thực hiện qua nhiều kênh khác nhau, từ qua các phương tiện thông tin báo chí đến các mạng xã hội cũng như hệ thống loa phát thanh xã, phường; pa-nô, áp phích, sách hướng dẫn… Nhiều cuộc thi về vẽ tranh, tìm hiểu, sáng tác về phòng, chống tác hại của thuốc lá cũng được tổ chức. Hoạt động truyền thông về tác hại của thuốc lá được triển khai đến các nhóm đối tượng đa dạng: Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, thanh niên, học sinh, sinh viên cũng như người dân ở các vùng sâu, vùng xa dân tộc thiểu số…
Các nội dung tuyên truyền tiếp tục tập trung vào các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, vai trò của người đứng đầu trong việc thực hiện môi trường không khói thuốc; tác hại của việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá điếu, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng…
Tuy nhiên, công tác thông tin tuyên truyền trên thực tế còn gặp nhiều khó khăn. Hoạt động phổ biến, tuyên truyền ở một số bộ, ngành, địa phương còn chưa thường xuyên, chưa liên tục, tập trung chủ yếu vào Tuần lễ quốc gia không thuốc lá (từ ngày 25 đến 31/5 hàng năm).
Một số bộ, ban, ngành địa phương thiếu nguồn lực và điều kiện thực hiện, chưa có các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật đặc thù cho một số đối tượng dễ bị tác động, ảnh hưởng của việc sử dụng thuốc lá. Đặc biệt là khi thị trường xuất hiện các dòng thuốc lá điện tử mới mà giới trẻ hiện nay rất thích sử dụng.
Tại một số địa phương, việc tuyên truyền, phổ biến Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá chưa có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan, ban ngành đoàn thể tại địa phương. Ngoài ra cũng mới chỉ tập trung ở thành phố, thị trấn, các cơ quan ban ngành và trung tâm xã, các thôn bản vùng sâu, vùng xa chưa được tiếp cận.
Chính vì vậy, trong giai đoạn tới, cần tiếp tục tăng cường công tác truyền thông phòng, chống tác hại của thuốc lá bằng nhiều cách thực hiện khác nhau. Đồng thời đổi mới công tác truyền thông để thu hút sự quan tâm và chú ý của người dân, đặc biệt là nhóm đối tượng trẻ và nhất là tại các trường học.