Tiêu điểm

Chuyển đổi số Tòa án cụ thể hóa tinh thần đột phá trong Nghị quyết 57

Mai Đỉnh - Quang Trung 03/04/2025 - 17:15

Ngày 3/4, Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) tổ chức Hội nghị tập huấn tháng 4/2025 với chủ đề “Định hướng chuyển đổi số, xây dựng Tòa án điện tử đến năm 2030 theo tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị và Kế hoạch, nhiệm vụ chuyển đổi số trong hệ thống Tòa án nhân dân năm 2025”. Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Chánh án TANDTC Lê Minh Trí dự và phát biểu chỉ đạo tại điểm cầu TAND Thành phố Hồ Chí Minh.

Dự tại điểm cầu trung tâm TANDTC (Số 43, Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) có các đồng chí Lãnh đạo, Thành viên Hội đồng Thẩm phán TANDTC; Lãnh đạo, Thẩm tra viên Tòa án, Thư ký Tòa án các đơn vị thuộc TANDTC.

Hội nghị trực tuyến đến gần 800 điểm cầu trong toàn ngành, gồm: Tòa án quân sự các cấp; Văn phòng TANDTC tại Thành phố Hồ Chí Minh; TAND cấp cao, cấp tỉnh, cấp huyện và Học viện Tòa án.

hn-toa-an-dien-tu-5-.jpg
Hội nghị tập huấn tháng 4/2025 trong toàn ngành Tòa án.

Chuyển đổi số trong ngành Tòa án gắn liền với tinh thần của Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Chánh án TANDTC Lê Minh Trí nhấn mạnh về những nội dung quan trọng đang được triển khai trong cả hệ thống chính trị của nước ta trong thời điểm hiện nay. Cùng nội dung tổ chức sắp xếp bộ máy, đó là phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới.

Trong công cuộc chung đó, theo Chánh án Lê Minh Trí đánh giá so với các bộ, ngành khác, ngành Tòa án có nhiều tiến bộ hơn. Thời gian vừa qua, Ngành cũng đã nghiên cứu và triển khai công tác ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng được một số đề án, hiện đang được củng cố, cập nhật bổ sung và hoàn thiện…

Chánh án Lê Minh Trí khẳng định chuyển đổi số trong ngành Tòa án gắn liền với tinh thần của Nghị quyết 57. Vì vậy, cần ưu tiên phát triển công nghệ, chú trọng vào ứng dụng, gắn liền với đổi mới sáng tạo. Điều này sẽ góp phần vào công việc quản trị, quản lý của toàn Ngành tốt hơn, đặc biệt tới đây, ngành Tòa án cũng thực hiện theo chủ trương chung về tinh gọn bộ máy.

hn-toa-an-dien-tu-3-.jpg
Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Chánh án TANDTC Lê Minh Trí dự và phát biểu chỉ đạo tại điểm cầu TAND Thành phố Hồ Chí Minh.

“Chuyển đổi số trong Tòa án cần phục vụ và đáp ứng được công việc, đồng thời cần gắn liền cùng với bộ, ngành, các cơ quan tư pháp và xã hội, chúng ta cần cập nhật biến động về tội phạm, về nhu cầu tranh chấp, hay những yếu tố, nhu cầu phát sinh trong xã hội liên quan đến chức năng nhiệm vụ của Tòa án. Có như vậy chúng ta mới quản trị, quản lý bộ máy và đáp ứng được công việc trong bối cảnh của sự phát triển hiện nay”, Chánh án Lê Minh Trí lý giải.

Chánh án đề nghị, khi triển khai đề tài, kế hoạch phải giải quyết những vấn đề thực tiễn; xác định rõ ai, cấp nào làm, trách nhiệm ở đâu. Tránh tình trạng triển khai chung chung và việc này TANDTC phải làm gương. Ngoài ra, việc tự phát triển và ứng dụng công nghệ thì cần học tập kinh nghiệm và tiếp cận từ các nước phát triển bên ngoài, không ỷ lại và có tâm lý chờ đợi.

“Trong xu thế hội nhập, cùng với chủ trương của cả nước, đang coi chuyển đổi số là một trong hai nhiệm vụ đột phá, chúng ta là một bộ phận cấu thành trong hệ thống chính trị mà chúng ta không hòa nhập thì sẽ không hoàn thành nhiệm vụ chính trị được của mình”, Chánh án Lê Minh Trí nhấn mạnh.

Từ chủ trương lớn của Đảng đến hành động cụ thể của ngành Tòa án

Tại Hội nghị, Phó Chánh án TANDTC Phạm Quốc Hưng đã quán triệt chuyên đề: “Định hướng chuyển đổi số, xây dựng Tòa án điện tử đến năm 2030 theo tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị và Kế hoạch, nhiệm vụ chuyển đổi số trong hệ thống Tòa án nhân dân năm 2025”.

Phó Chánh án Phạm Quốc Hưng cho biết, để thực hiện Nghị quyết số 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia với 7 nhiệm vụ cụ thể, Đảng ủy TANDTC đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/ĐU ngày 18/3/2025 về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chuyển đổi số, xây dựng Tòa án điện tử và Chánh án TANDTC đã ban hành Kế hoạch số 131/KH-TANDTC ngày 25/3/2025 về chuyển đổi số ngành TAND năm 2025.

hn-toa-an-dien-tu-6-.jpg
Phó Chánh án TANDTC Phạm Quốc Hưng quán triệt chuyên đề về xây dựng Tòa án điện tử.

Theo đó, xác định rõ chuyển đổi số là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm, lâu dài và có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng trong tiến trình hiện đại hóa ngành Tòa án; sự cụ thể hóa tinh thần "đột phá" trong Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị.

Từ chủ trương lớn của Đảng đến hành động cụ thể của ngành Tòa án đó là, chuyển đổi số trong ngành Tòa án không chỉ là việc ứng dụng công nghệ mà còn là thay đổi phương thức vận hành, cải cách mô hình quản trị và tổ chức thực thi quyền tư pháp theo hướng minh bạch, công khai, hiệu quả.

Cùng với đó, Kế hoạch số 131/KH-TANDTC đã đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó lấy mục tiêu xây dựng Tòa án điện tử làm trung tâm. Hoạt động tố tụng, quản trị nội bộ, xử lý hồ sơ, cung cấp dịch vụ công… đều hướng tới thực hiện trên môi trường số, kết nối chặt chẽ với các nền tảng số quốc gia như CSDL quốc gia về dân cư, định danh điện tử, hệ thống thanh toán số...

hn-toa-an-dien-tu-4-.jpg
Điểm cầu trung tâm TANDTC.

Phó Chánh án Phạm Quốc Hưng đã nêu một số kết quả đạt được trong công tác chuyển đổi số Toà án như quản trị nội bộ Tòa án, cung cấp các dịch vụ tư pháp công, công khai minh bạch các hoạt động của Tòa án, một số ứng dụng để nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý, điều hành, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, triển khai xét xử trực tuyến, bảo đảm an toàn thông tin; phát triển hạ tầng số và kết nối với nền tảng số quốc gia…

Đánh giá hiệu quả của chuyển đổi số, xây dựng Tòa án điện tử, Phó Chánh án Phạm Quốc Hưng khẳng định những giá trị mang lại cho xã hội, góp phần nâng cao hiệu quả và chất lượng, công khai minh bạch hoạt động của các Tòa án, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi có việc cần giải quyết tại Tòa án, tăng cường khả năng kết nối, chia sẻ thông tin phục vụ hoạt động quản trị quốc gia.

hn-toa-an-dien-tu-1-.jpg
Điểm cầu TAND Thành phố Hồ Chí Minh

Đề ra nhiệm vụ tổng quát từ nay đến năm 2030, Phó Chánh án Phạm Quốc Hưng cho biết, cần nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy, tạo đột phá trong chuyển đổi số; Tham gia hoàn thiện thể chế, xóa bỏ rào cản, tạo thuận lợi cho chuyển đổi số; Phát triển nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số; Đầu tư phát triển hạ tầng số, nền tảng số; Bảo đảm an toàn thông tin; Thực thi và nâng cao năng lực quản trị Tòa án trên nền tảng số; Cung cấp đầy đủ các dịch vụ tư pháp công trực tuyến theo quy định của pháp luật.

Tiếp tục đẩy mạnh xét xử trực tuyến, tạo tiền đề triển khai nền tảng tố tụng trực tuyến; Tăng cường công khai, minh bạch các hoạt động của Tòa án trên nền tảng số; Ứng dụng mạnh mẽ trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ Thẩm phán nâng cao năng suất lao động và phục vụ nhân dân; Hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu quốc gia phục vụ triển khai Tòa án điện tử; Hợp tác quốc tế trong chuyển đổi số...

Phó Chánh án Phạm Quốc Hưng chỉ rõ một số nhiệm vụ trong năm 2025, trong đó: Tổ chức quán triệt Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị trong toàn ngành Tòa án; Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo; kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác chuyển đổi số tại các đơn vị, Tòa án nhân dân; Tập trung triển khai và sử dụng hiệu quả, đồng bộ các phần mềm nội bộ dùng chung.

Đẩy mạnh phát triển và triển khai các dịch vụ tư pháp công trực tuyến; Hoàn thành các dự án, nhiệm vụ chuyển đổi số đúng tiến độ, bảo đảm hiệu quả, tránh lãng phí; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số; Tham gia hoàn thiện thể chế, quy định để triển khai các hoạt động chuyển đổi số trong năm 2025 và chuẩn bị lộ trình xây dựng Tòa án điện tử đến năm 2030.

hn-toa-an-dien-tu-7-.jpg
Thượng tá Nguyễn Đức Dũng, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an đã trình bày những nội dung liên quan đến công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin mạng.

Tại chuyên đề “Nâng cao kỹ năng bảo vệ an toàn thông tin trên không gian mạng cho đội ngũ cán bộ Tòa án các cấp”, Thượng tá Nguyễn Đức Dũng, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an đã trình bày những nội dung liên quan đến công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin mạng và bảo vệ bí mật nhà nước trên không gian mạng.

Thông qua các nội dung truyền giảng, giúp đội ngũ cán bộ Tòa án các cấp nâng cao kỹ năng bảo vệ an toàn thông tin trên không gian mạng. Qua đó, tăng cường vai trò chỉ đạo của cán bộ lãnh đạo, quản lý trong xác định các nội dung công việc cụ thể theo chức năng, nhiệm vụ được giao; bố trí, phân công nhân sự phụ trách công tác an toàn, an ninh mạng; triển khai thực hiện nghiêm các quy định về soạn thảo, ban hành văn bản thuộc quy định của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước tại cơ quan, đơn vị.

Mai Đỉnh - Quang Trung