Tháng Thanh niên: Nan giải bài toán lao động vùng cao

Đời sống - Ngày đăng : 13:53, 15/03/2018

Nhiều năm gần đây, nhu cầu tìm việc làm của thanh niên, trong đó chủ yếu là người dân tộc thiểu số, ở các tỉnh miền núi phía Bắc ngày càng tăng cao. Song do trình độ, tay nghề còn hạn chế nên rất ít người tìm được một công việc phù hợp, thu nhập ổn định.

Chính vì thế mà nhiều thanh niên người Mông, Dao, Tày, Giáy... đã tìm cách xuất cảnh trái phép, vào làm làm thuê cho các lâm nông trường, trang trại phía bên kia biên giới. Đó không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật mà nó còn đẩy chính bản thân người lao động vào những rủi ro không thể lường trước được. 

Tháng Thanh niên: Nan giải bài toán lao động vùng cao

Anh Giàng A Chứ: “Đi “lao động chui” có quá nhiều rủi ro”

Gian nan tìm việc

Trong những năm gần đây, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm tạo thêm việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, thanh niên miền núi nói riêng, góp phần xóa đói, giảm nghèo, từng bước phát triển kinh tế. Cùng với đó, công tác tuyên truyền hướng nghiệp, tạo việc làm ngày càng được các ngành, các cấp, các địa phương chú trọng, quan tâm. Nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực đã được triển khai, như: đào tạo nghề, hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế; thành lập mô hình Câu lạc bộ “Thanh niên phát triển kinh tế”; triển khai đề án tín dụng hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp... Tuy nhiên, do trình độ, nhận thức của người lao động, phong tục tập quán và nhiều nguyên nhân khác nữa nên bài toán giải quyết việc làm cho lao động vùng cao vẫn còn nan giải. Bởi trên thực tế, đa số các xã, bản ở miền núi phía Bắc đều thiếu đất, thiếu tư liệu sản xuất. Hơn nữa, các ngành nghề truyền thống đang bị mai một khi lớp trẻ không mặn mà kế thừa, phát huy; các nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chưa có điều kiện để phát triển... đã tạo nên sức ép về việc làm. Trong khi đó lực lượng lao động dồi dào, tập trung ở lứa tuổi thanh niên, có sức khỏe nhưng thiếu đất, thiếu vốn, thiếu nghề, hạn chế về trình độ văn hóa, chưa nhận thức đầy đủ về hướng đi tương lai cho bản thân, dẫn đến thất nghiệp hoặc có việc làm nhưng không ổn định...

Một nguyên nhân cơ bản nữa là do trước đây, người dân miền núi chủ yếu dựa vào rừng để kiếm sống nhưng nay rừng được quản lý nghiêm ngặt, vì thế họ không còn nguồn sinh kế dẫn đến hệ quả tất yếu là thiếu việc làm, nhiều lao động phải rời quê hương đi làm ăn xa, thậm chí là xuất cảnh trái phép sang nước bạn.

Thế cho nên mới có chuyện ở một số tỉnh có đường biên giới giáp với Trung Quốc như Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang, Lạng Sơn thì tình trạng xuất cảnh trái phép để tìm việc làm dường như đã trở thành phong trào. Những nguyên nhân chính dẫn đến phong trào này chủ yếu là bởi đời sống của bà con trong mấy năm gần đây gặp nhiều khó khăn, thiếu việc làm. Không tìm được việc làm trong nước, trình độ hiểu biết lại còn nhiều hạn chế nên rất dễ bị rủ rê lôi kéo. Bên cạnh đó, việc đi xuất khẩu lao động theo đường chính ngạch thường vượt quá khả năng của những gia đình vì phải đóng mức chi phí cao hơn, đòi hỏi phải có trình độ ngoại ngữ, tay nghề chuyên môn đạt chuẩn và quản lí giờ làm việc nghiêm ngặt… Không còn cách nào khác, người lao động đành người lựa chọn con đường “lao động chui”.

Những “lao động chui” này chủ yếu là những thanh niên người dân tộc. Công việc chủ yếu mà những thanh niên Mông, Giao, Tày, Giáy này nhận làm thường là bốc vác, vận chuyển hàng hóa, làm thuê tại các trang trại, khai thác mỏ, xây dựng… Cùng với đó, những năm gần đây, địa bàn biên giới Trung Quốc đang đầu tư xây dựng nhiều công trình lớn, thiếu hụt lao động nghiêm trọng, nhu cầu lao động phổ thông là rất lớn. Hơn nữa, tiền thù lao trả cho một ngày công lao động tại nước bạn cao gấp nhiều lần nước ta nên người dân có sự so sánh và tăng ý định đi làm thuê, lượng người xuất cảnh sang phía bên kia biên giới luôn cũng tăng theo.

Theo thống kê của các cơ quan chức năng, có những tỉnh chỉ trong vòng 1 năm số lao động sang Trung Quốc làm thuê đã lên đến hàng vạn lượt người. Trong đó phần lớn là đi theo đường mòn biên giới, không đăng kí xuất nhập cảnh theo quy định. Họ hy vọng rằng, sau vài năm lao động sẽ dành dụm được một khoản tiền kha khá để có thể về quê xây nhà, lập trang trại hoặc kinh doanh, buôn bán nhỏ...

Phó thác vào may rủi

Song những “giấc mơ” đó quá ngắn ngủi đối với hầu hết người lao động xuất cảnh trái phép. Qua môi giới, họ xuất cảnh chủ yếu con đường visa du lịch hoặc vượt biên trái phép qua đường mòn, lối tắt. Các chế độ của người lao động như tiền lương, bảo hiểm, nơi ăn nghỉ… là do chủ thuê và người làm thuê tự ý thỏa thuận với những thiệt thòi đáng kể mà người lao động vốn không tự chủ được. Không những vậy, do thiếu hiểu biết nên họ đang tự đánh cược tính mạng của mình vì miếng cơm manh áo và đẩy các ngành chức năng vào “thế khó” trong quản lí nhân sự cũng như quản lí hoạt động xuất nhập cảnh.

Không chỉ bị lợi dụng, chiếm đoạt tiền lương và sức lao động, nguy cơ bị xâm hại và có thể bị thiệt mạng của những lao động này cũng rất cao. Trên thực tế, ở một số tỉnh biên giới đã xuất hiện dấu hiệu kẻ xấu lợi dụng việc đi lao động để mua bán người, trộm cắp tài sản, trấn cướp trên biên giới. Cá biệt cũng xảy ra một vài vụ người lao động bị thương hoặc bị chết do tai nạn lao động không được đền bù, chủ lao động cho xác nạn nhân vào bao tải rồi vứt qua các lối mòn. Trong những trường hợp như thế do chủ lao động và người lao động tự thỏa thuận, nên các cơ quan chức năng rất khó để can thiệp.

Người đi thấp thỏm trước sự “hên sui” của vận mệnh đã đành, người ở nhà ngóng đợi cũng không hề thanh thản. Anh Giàng A Chứ (ở Sín Chéng, Si Ma Cai, Lào Cai), người từng làm cho một công ty cao su bên Trung Quốc kể: “Trung bình mỗi ngày chúng tôi phải làm việc từ 12 đến 14 tiếng. Chỉ cần ai chểnh mảng chút là bị đám quản đốc đánh không thương tiếc. Ròng rã suốt một năm đầu tiên tôi chỉ được nuôi ăn ngày hai bữa, còn không được chủ công ty cho lĩnh một đồng nào. Họ bảo là trừ vào tiền trả cho người môi giới. Thấy bất công anh em cũng không dám thắc mắc nhiều, vì sợ bị đánh. Thấy khổ quá, tôi bỏ trốn nhưng không thành. Họ bắt tôi phải gọi điện về bảo gia đình gửi sang 20 triệu tiền chuộc, nếu không sẽ bị mổ ra lấy nội tạng hoặc sẽ bị đưa đi lao động dưới hầm mỏ”.

Câu chuyện của anh Chứ cũng như nhiều người đã từng có thời gian vượt biên tìm việc cho thấy, việc xuất cảnh trái phép đi lao động tại nước ngoài sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy đáng buồn đối với người lao động cũng như chính quyền cơ sở. Sự nghèo khó cộng với thiếu việc làm đã đẩy nhiều gia đình vào tình cảnh chấp nhận thua thiệt. Cá biệt cũng có một số người bị các đối tượng lạ câu móc, lôi kéo thực hiện những hành vi gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng biên.

Cần sự chung tay của nhiều ngành, nhiều cấp

Nhằm giúp đồng bào “lạc nghiệp” trên quê hương mình, ngăn chặn thực trạng người dân xuất cảnh lao động bất hợp pháp, thời gian gần đây các bộ, ban, ngành cùng cấp ủy, chính quyền các địa phương đã nỗ lực vào cuộc. Hàng loạt giải pháp cấp bách và lâu dài đã được triển khai đồng bộ như hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, chính sách lao động; đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức để người dân cảnh giác thủ đoạn của tội phạm, chấp hành nghiêm quy định xuất nhập cảnh và lao động, tăng cường phối hợp cơ quan chức năng các nước điều tra, bắt giữ tội phạm, giải cứu, hồi hương nạn nhân; quản lý khu vực biên giới, quản lý lao động xuất khẩu, tích cực “xóa đói, giảm nghèo” gắn với phát triển kinh tế - xã hội địa phương...

Tháng Thanh niên: Nan giải bài toán lao động vùng cao

Đăng ký xuất cảnh bằng giấy thông hành sẽ giúp cho người dân an toàn hơn khi lao động tại nước ngoài

Thậm chí có những tỉnh còn tổ chức Hội nghị về quản lý lao động, như tỉnh Hà Giang, để bàn về việc xuất khẩu lao động tại 4 huyện biên giới phía Bắc và đưa ra nhiều giải pháp cụ thể: Đề xuất với Cục Quản lý Lao động ngoài nước xây dựng cơ chế chính sách, tạo điều kiện cho người lao động đặc biệt là đối với các xã biên giới; Chủ động ký kết hợp tác lao động giữa Việt Nam và Trung Quốc để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động…

Còn ở Lai Châu, chính quyền cùng các ban, ngành cũng đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người lao động hiểu rõ hơn về quy chế bảo vệ biên giới. Giúp họ nhận thức hiểu được việc lao động tự do xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm việc là vi phạm pháp luật, khi bị phát giác sẽ bị xử lý theo pháp luật của nước sở tại. Nếu không tỉnh tảo, người lao động sẽ bị bắt giam, phạt tiền và trục xuất về nước trong cảnh trắng tay, rơi vào cảnh nợ nần, túng thiếu.    

Nhiều chính sách, nhiều biện pháp đã được áp dụng, song để có được một lời giải cho bài toán giải quyết việc làm cho lao động vùng cao là điều không đơn giản. Nhất là trong bối cảnh điều kiện kinh tế, trình độ nhận thức của người dân ở mỗi địa phương có sự khác biệt. Để giải quyết một cách triệt để, căn bản, bền vững, rất cần sự chung tay của các cấp, các ngành và toàn xã hội; nhân rộng các mô hình thanh niên lập thân, lập nghiệp, chương trình thanh niên tham gia xoá đói, giảm nghèo, thanh niên tham gia xuất khẩu lao động; tổ chức tư vấn học nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên nông thôn để họ sớm có hướng chọn ngành, nghề phù hợp cho riêng mình; đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ thanh niên, trong đó đặc biệt là chính sách hỗ trợ vốn nhằm tạo điều kiện cho họ tham gia vào quá trình phát triển kinh tế, đây là yếu tố mang tính quyết định trên bước đường lập nghiệp.

Bên cạnh đó, cần tìm ra những mô hình đào tạo nghề phù hợp, còn các địa phương cần có chính sách thu hút các nhà đầu tư, các doanh nghiệp; có cơ chế hỗ trợ cho các cá nhân, tổ chức mở các hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp gắn với làng nghề tại địa phương vừa là sử dụng người lao động ở địa bàn và tận dụng những nguyên liệu sẵn có như luồng, tre, nứa, mây... Cùng với đó là nâng cao vai trò của các tổ chức Đoàn cơ sở, mỗi tổ chức Đoàn phải luôn nỗ lực để giúp thanh niên miền núi có việc làm, nâng cao thu nhập từ đó khẳng định được vị trí của tuổi trẻ trong sự phát triển chung của mỗi địa phương.

NAM HOÀNG