Phóng sự - Ghi chép

Nhọc nhằn tình nghĩa trên non

Trang Việt 28/03/2025 - 13:09

Theo lẽ thường tình, chẳng mấy ai lại đi chọn sự vất vả cho mình, họ sẽ tìm cách để bản thân được nhàn nhã hơn trong cuộc sống. Vậy mà ở miền biên giới heo hút Lộc Bình, có những tổ chức, cá nhân sẵn sàng gánh vác gian nan, vất vả để san sẻ phần nào với đồng bào sinh sống sau những dãy núi.

z6449012470933_4b9ea40dd5b8501dabd13b054c883500(1).jpg
Hình ảnh ông Triệu Sáng Sính và con trai vui mừng đứng bên căn nhà mới xây, ở cạnh là căn nhà cũ của ông đứng xiêu vẹo

“Gian khổ biết dành phần ai”

Trong một lần được theo chân bác Chủ tịch Hội Doanh nghiệp huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn, đi lên những ngôi nhà mà đơn vị nhận trách nhiệm xây dựng theo chương trình “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát”, tôi mới cảm nhận được phần nào cuộc sống vất vả, thiếu thốn của đồng bào - những phận người đã và đang vật vã mưu sinh nơi biên tái.

Ở giữa đại ngàn cao vút, mùa khô thì không có nước, mùa mưa thì chia cắt bởi nước lũ, còn mùa đông băng giá. Thiếu thốn là vậy, nhưng cho dù chính quyền địa phương có vận động như thế nào thì họ cũng không muốn dời đi.

Bởi bố mẹ, ông bà, tổ tiên họ sinh ra ở đây, lớn lên, già đi rồi nằm lại với mảnh đất này. Rồi đến đời họ, đời con, đời cháu họ cũng đang sinh cơ lập nghiệp, nó giống như cái cây đã “sâu rễ bền gốc”, khó lòng mà “bứng” đi đâu được.

Trở lại với chương trình “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát” theo Quyết định 539 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Nghị quyết 188 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn, Hội Doanh nghiệp huyện Lộc Bình đã nhận trách nhiệm thực hiện xây dựng 173 căn nhà trong toàn huyện Lộc Bình.

Trong đó, riêng trên địa bàn xã Mẫu Sơn đơn vị nhận xây mới 35 căn. Những ngôi nhà ở đây phải xây trong điều kiện cực kỳ khó khăn, bởi vì địa điểm người dân ở cao, hẻo lánh rất khó tiếp cận. Đường đi nhiều khi chỉ là lối mòn nhỏ bằng đất, rất nguy hiểm khi phải mang vác, vận chuyển nguyên vật liệu.

Trò chuyện về những hành trình “mang nặng nghĩa tình” này, ông Nguyễn Thế Hùng, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp huyện Lộc Bình chia sẻ: “Tuy rằng Hội doanh nghiệp chúng tôi là tổ chức gồm những đơn vị làm kinh tế. Nhưng với chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát này, chúng tôi không hề nghĩ tới vấn đề về lợi nhuận khi thực hiện, mà chỉ luôn trăn trở và coi đây là trách nhiệm đối với cộng đồng.

Khi phải chứng kiến những hoàn cảnh khó khăn, hàng ngày phải vật vã sống trong những căn nhà tạm bợ, xuống cấp, anh em trong hội lại tự bảo nhau để cùng gánh vác, hỗ trợ người dân vượt khó. Vẫn biết rằng đây là một hành trình còn nhiều gian nan, nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành, góp sức để mang lại những mái ấm vững chắc hơn, giúp người dân yên tâm để lao động và phát triển kinh tế”.

z6449012467809_63a09bb567553e8d6efbaa1ad820a201.jpg
Bên căn nhà mới xây, ông Sính ngồi trò chuyện cùng ông Nguyễn Thế Hùng, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn.

Gian nan công cuộc xóa nhà tạm

Từ lâu, núi Mẫu Sơn được xem là “nơi gió mùa đông bắc thổi vào đất Việt”. Với độ cao lên tới hơn 1000 m so với mực nước biển, nên vào mùa đông khu vực này rất lạnh. Nhiệt độ có thời điểm xuống tới mức -5 đến 7oC, ảnh hưởng nặng nề tới đời sống của người dân.

Đường lên Mẫu Sơn quanh co, uốn lượn, thường xuyên bị sương mù bao phủ. Có rất nhiều con dốc dựng đứng và trơn trượt mỗi khi mùa mưa tới. Vào mùa hè thì Mẫu Sơn lại nóng và oi bức bởi sự chênh lệch của thời tiết giữa ngày và đêm rất lớn. Vậy nên việc xây dựng nhà tại khu vực này gặp rất nhiều khó khăn, vất vả. Đặc biệt là việc vận chuyển nguyên vật liệu lên để thi công.

Tâm sự thêm về “công cuộc” đi xóa nhà tạm của đơn vị, ông Hùng cho biết: “Đối với những ngôi nhà dưới đồng bằng, các thành viên trong Hội mỗi người một lĩnh vực để hỗ trợ lẫn nhau, bù đắp sao cho không bị lỗ về kinh phí bỏ ra xây dựng nhà.

Nhưng đối với những ngôi nhà trên Mẫu Sơn thì có tính như thế nào thì chúng tôi cũng phải bù lỗ. Vì riêng khâu vận chuyển và nhân công xây dựng, có những căn nhà phải bỏ ra gấp 2, thậm chí gấp 3 lần so với số tiền kinh phí mà nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà.

Trong những ngôi nhà mà chúng tôi xây dựng, khó khăn nhất vẫn là ngôi nhà của gia đình ông Triệu Sáng Sính, ở thôn Khuổi Tẳng, xã Mẫu Sơn.

Phải tới khi làm xong thì anh em chúng tôi mới thực sự yên tâm, rồi nói đùa với nhau, gọi vui về hành trình “mời” thợ lên để xây dựng nhà trên đó là “chiến dịch lùa gà”! Bởi lẽ với địa hình như vậy, khi đã lên thì phải ở lại xong công trình thì mới xuống, nên không đội thợ nào muốn lên làm cho dù là trả công rất cao.

Chúng tôi tìm anh em thợ thân quen, mời họ đi cùng lên trước mắt là để khảo sát địa điểm. Nhưng phía sau, chúng tôi đã âm thầm chuẩn bị sẵn những dụng cụ, nguyên liệu cho việc xây dựng, để khi họ lên là ở lại làm việc luôn.

Người dẫn đường đi trước, kẻ lội bước theo sau. Cứ như vậy, từ đồ ăn thức uống, cho tới chăn gối mùng màn, chúng tôi âm thầm vận chuyển lên để phục vụ đời sống cho anh em thợ xây trong những ngày ăn nằm cùng với mây trời lạnh giá nơi đây.

Vậy là “chiến dịch lùa gà” của chúng tôi đã thành công. Sau hơn chục ngày thi công thì công trình cũng đã hoàn thành. Thống kê lại kinh phí xây dựng, nguyên công trình này chúng tôi đã phải bù lỗ tới hơn 60 triệu đồng. Bởi lẽ nguyên tiền vận chuyển nguyên liệu lên để xây dựng đã tới hơn 60 đến 70 triệu đồng, và tiền công đối với 5 người thợ là gần 1 triệu/người/ngày”.

z6449012458442_853f9dbf57b4889be2bfbb42cab84f89.jpg
Tác giả ngồi trò chuyện cùng ông Triệu Sáng Sính bên căn nhà mới của gia đình ông.

Nghĩa tình trao đi, niềm vui nhận lại

Được sống trong căn nhà mới xây bằng nguồn kinh phí hỗ trợ từ chương trình “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát” theo đề án của Chính phủ kêu gọi, các thành viên trong gia đình ông Triệu Sáng Sính không giấu được niềm vui và xúc động. Bởi từ giờ, họ sẽ yên tâm hơn, khi có một mái nhà vững chãi để che mưa, chắn gió mỗi khi đất trời nổi giận.

Ở cái tuổi 83, khi lần đầu tiên bước vào căn nhà mới của mình, đôi mắt ông Sính rung rung, hai bàn tay gầy guộc run run chạm vào những bức tường kiên cố. Ông bảo: “Tôi chưa bao giờ dám nghĩ mình sẽ có ngày được sống trong một ngôi nhà thế này. Từ những năm chạy giặc, tôi lui về mảnh đất này để dựng tạm ngôi nhà bằng những cây cối nhặt nhạnh trên rừng.

Vậy mà thấm thoát cũng mấy chục năm, trải qua biết bao nhiêu bão tố, sự khắc nghiệt của thời tiết khiến ngôi nhà không còn nguyên vẹn. Mỗi khi mưa bão là tốc mái không có chỗ dung thân, nắng nóng thì không có nước để dùng, và mùa đông thì băng giá khắp cả những nhành cây, ngọn cỏ khiến cuộc sống thấp thỏm, ăn không no, ngủ không yên”.

Từ chương trình “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát” do Chính phủ phát động, gia đình ông Triệu Sáng Sính được sống trong căn nhà kiên cố với mái tôn vững chắc, nền nhà cao ráo đã trở thành chốn an cư mà ông chưa từng dám mơ tới.

“Giờ ở cái tuổi ngoài 80 mươi, tôi đã có thể yên tâm hơn nếu có chuyện không may.. con của tôi giờ cũng chỉ cần lo làm ăn, để cho con cái học hành mà không còn canh cánh nỗi lo nhà sập khi trời mưa bão, thật là biết ơn Đảng, biết ơn Chính phủ”, ông Sính chia sẻ thêm.

Ngồi trò chuyện cùng ông Sính và Chủ tịch Hùng tại ngôi nhà mới vững chắc, đỏ rực màu cờ giữa mây trời xanh thẳm của Mẫu Sơn, tôi cảm nhận được niềm hạnh phúc lan tỏa khắp núi rừng.

Hạnh phúc ở đây nó không chỉ đến với những người được nhận nhà mới, mà còn là động lực của người đi xây, niềm vui của xóm làng, người thân.

z6449012467160_44566bb195ff8bfdb7ce71b2798ed132.jpg
Tác giả cùng với Chủ tịch Nguyễn Thế Hùng ngồi trò chuyện bên căn nhà mới để chúc mừng gia đình ông Sính.

Chương trình xóa nhà tạm không chỉ là một chính sách an sinh xã hội, mà còn là biểu tượng của tinh thần đoàn kết dân tộc, sự sẻ chia trong cộng đồng. Với mỗi ngôi nhà mới được dựng lên, một cuộc đời như được mở ra với đầy hy vọng và niềm tin.

Trang Việt