Một số địa phương không đạt kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công quý I/2025
Theo Sở Tài chính tỉnh Hải Dương, trong quý I/2025, tỉnh có 4/12 địa phương không đạt kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công.
Các địa phương không đạt mục tiêu kế hoạch giải ngân của quý I/2025 gồm có: Huyện Ninh Giang đạt thấp nhất 26,3%, tiếp đến là huyện Thanh Hà đạt 25,6% và TP Hải Dương đạt 58,6%, Thanh Miện đạt 90%.
Trong số các địa phương vượt chỉ tiêu kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công quý I, thì TP. Chí Linh có tỷ lệ vượt cao nhất (72,4%), tiếp đến là huyện Tứ Kỳ vượt 35,4%, huyện Kim Thành vượt 4,4%.
Bên cạnh đó, 3 địa phương vượt mục tiêu kế hoạch gồm: Huyện Tứ Kỳ, huyện Kim Thành và TP.Chí Linh. 5 địa phương đạt kế hoạch là huyện Nam Sách, huyện Gia Lộc, huyện Bình Giang, huyện Cẩm Giàng và thị xã Kinh Môn.

Nhằm bảo đảm tiến độ kế hoạch kịch bản giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 của UBND tỉnh, thời gian tới, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, thường xuyên đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình đã có kế hoạch phân bổ vốn theo kế hoạch.
Đồng thời, UBND tỉnh tiếp tục kiểm tra, đôn đốc, giám sát các nhà thầu tập trung nguồn lực triển khai dự án đầu tư công bảo đảm chất lượng, tiến độ; cung cấp đủ nguyên vật liệu để thi công các công trình. Làm tốt công tác nghiệm thu, thanh quyết toán, bàn giao đưa dự án vào sử dụng.
Theo kịch bản kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 của UBND tỉnh, quý I/2025 toàn tỉnh phấn đấu giải ngân đạt hơn 1.950 tỷ đồng, kết quả thực hiện được hơn 1.800 tỷ đồng (đạt 93,6% kế hoạch); quý II giải ngân 3.418 tỷ đồng trở lên.
Năm 2025, tổng kế hoạch vốn đầu tư công toàn tỉnh Hải Dương là 10.452,6 tỷ đồng; phấn đấu giải ngân 10.421,7 tỷ đồng, đạt 99,7% kế hoạch giao.
Theo phân tích của Bộ Tài chính, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên.
Về phân bổ vốn, nhiều dự án khởi công mới chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư nên chưa đủ điều kiện bố trí kế hoạch vốn. Một số dự án chờ điều chỉnh bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025.
Mặt khác, một số bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đề nghị trả vốn do không có nhu cầu sử dụng.
Một số nguyên nhân khác, như dự án chưa được phép kéo dài thời gian, vướng mắc về vốn ODA, phân cấp theo cơ chế đặc thù chưa hiệu quả, chờ rà soát lại đối tượng hỗ trợ, một sô địa phương để lại phân bổ sau và một số nơi phân bổ chưa đúng quy định.
Đối với công tác giải ngân, Bộ Tài chính chỉ ra khó khăn nhất vẫn là giải phóng mặt bằng.
Cụ thể, công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng phục vụ thi công các dự án còn chậm do vướng mắc trong thỏa thuận với người dân, chậm bàn giao mặt bằng, khó khăn trong xác định nguồn gốc đất.
Cùng với đó, năng lực của ban quản lý dự án, cán bộ chuyên môn làm công tác đầu tư tại các cấp huyện, xã còn hạn chế.
Nguồn cung một số nguyên vật liệu hạn chế (đất, cát đắp...) và giá nhiều nguyên vật liệu tăng đột biến so với thời điểm mời thầu làm tăng chi phí dự án.