Giao thông

Tuyến đường dành riêng cho xe đạp ở Hà Nội: Vì sao chưa thể thu hút người đi?

Dương Dũng 28/03/2025 10:19

Sau một thời gian đưa vào hoạt động, tuyến đường dành riêng cho xe đạp ở Hà Nội dường như rơi vào tình trạng vắng lặng, thưa thớt người đi lại.

Trước đó, ngày 1/2/2024 , Sở GTVT TP Hà Nội đã khánh thành thí điểm tuyến đường ưu tiên cho xe đạp “Đường ven sông Tô Lịch”. Đây là tuyến đường ưu tiên cho xe đạp đầu tiên trên địa bàn Thủ đô.

Sở GTVT TP Hà Nội điều chỉnh tổ chức giao thông tuyến đường ven sông Tô Lịch đoạn từ cầu Mọc đến cầu Yên Hoà, từ đường dành cho người đi bộ thành đường ưu tiên cho xe đạp và người đi bộ (Đường cho xe đạp và người đi bộ đi chung).

Trong đó, đường cho xe đạp tổ chức giao thông hai chiều, chiều rộng 3.0m, bố trí phía sông Tô Lịch; đường đi bộ rộng 1m bố trí phía đường Láng.

Ghi nhận thực tế của PV Báo Công lý, sau hơn 1 năm tuyến đường trên đi vào khai thác, số người dân sử dụng phương tiên xe đạp đi lại khá hạn chế. Nếu có thì cũng chỉ lác đác một số người dân sử dụng xe đạp để tập thể dục.

img_1319.jpg
Nằm cạnh tuyến đường Láng với mật độ xe cộ đi lại cao, thế nhưng đường ưu tiên ven sông Tô Lịch vẫn chưa thực sự hấp dẫn người dân tham gia.
img_1322.jpg
Làn đường dành riêng cho xe đạp và người đi bộ ven sông Tô Lịch chưa thu hút được người dân, dù đã triển khai thí điểm hơn một năm.
img_1340.jpg
Tuyến đường riêng cho xe đạp vừa hỗ trợ giải quyết nhu cầu đi lại của người dân, vừa bảo vệ môi trường, và cũng hạn chế được phần nào phương tiện cá nhân, giải tỏa áp lực giao thông đô thị. Anh N.T.V, cư trú tại Lê Văn Thiêm, quận Thanh Xuân, cho rằng việc xây dựng làn đường riêng cho người đi bộ và xe đạp là một quyết định hợp lý, giúp đảm bảo an toàn giao thông và giảm ùn tắc. Tuy nhiên, anh nhận xét rằng tuyến đường chưa phát huy được hiệu quả, vì "không ai muốn đi bộ hay đạp xe gần một dòng sông ô nhiễm và chưa được vệ sinh, dù làn đường riêng rất đẹp và an toàn”.
Kể cả vào các khung giờ cao điểm cũng chỉ có một vài người lựa chọn đi bộ hoặc đạp xe trên tuyến đường này, trong khi phần lớn vẫn ưu tiên di chuyển trên đường Láng khiến tuyến đường này vẫn đông và ùn ứ vào các khung giờ cao điểm.
img_1324.jpg
Nhiều người dân hi vọng sau khi thành phố cải tạo dòng sông và giải quyết vấn đề ô nhiễm, tuyến đường sẽ thu hút nhiều người sử dụng hơn, đúng với công năng của nó.
img_1328.jpg
Đường dành cho xe đạp được tổ chức giao thông hai chiều, rộng 3m; đường đi bộ rộng 1m bố trí phía đường Láng. Rất ít người sử dụng tuyến đường dành riêng cho xe đạp và người đi bộ dọc sông Tô Lịch. Một số người dân cho rằng nguyên nhân khiến ít người đi bộ hoặc sử dụng xe đạp trên tuyến đường này là do hệ thống kết nối với các trạm xe buýt và metro chưa thuận tiện. Bên cạnh đó, tình trạng một số người thiếu ý thức vứt rác bừa bãi cũng ảnh hưởng đến sự an toàn và mỹ quan chung.
img_1329.jpg
Từ khi đi vào khai thác, nhiều vấn đề đã được người dân phản ánh, như mùi hôi thối từ dòng sông Tô Lịch, rác thải; đoạn đường quá ngắn... khiến nhu cầu sử dụng của người dân không cao.
Nhiều người dân vẫn lựa chọn đạp xe trên tuyến đường chính, cùng với ô tô và xe máy, thay vì sử dụng làn đường này. Việc triển khai làn đường dành riêng cho xe đạp sẽ góp phần hạn chế xe máy, ô tô, thu hút người dân sử dụng phương tiện xanh, bảo vệ môi trường. Đồng thời, di chuyển trên đường dành riêng cho xe đạp ven sông Tô Lịch sẽ rộng rãi và an toàn hơn so với việc đi cùng với ô tô, xe máy trên tuyến đường Láng. Thế nhưng hiện nay, tuyến đường chưa thu hút được người dân sử dụng theo đúng công năng.
img_1338.jpg
Dù nằm cạnh tuyến đường Láng nhộn nhịp, đường ưu tiên ven sông Tô Lịch vẫn có ít người sử dụng. Để phát huy tối đa hiệu quả của tuyến đường ưu tiên ven sông Tô Lịch, việc cải thiện môi trường và cơ sở hạ tầng là điều cần thiết.
img_1343.jpg
Đường dành riêng cho xe đạp và người đi bộ khá rộng rãi, hai đầu đều có rào chắn cố định. Tuy nhiên, trải nghiệm thực tế cho thấy nhiều người dân lo ngại khi đạp xe ngay sát sông Tô Lịch, đặc biệt vì môi trường nơi đây có thể ảnh hưởng đến sức khỏe hơn là hỗ trợ rèn luyện thể chất. Mặc dù gặp phải không ít khó khăn, nhiều người dân vẫn hy vọng rằng tuyến đường này sẽ trở thành một phần quan trọng trong mạng lưới giao thông xanh của Thủ đô trong tương lai.

Dương Dũng