Nguyên tắc sáp nhập, giải thể nhà trường khi thay đổi đơn vị hành chính cấp xã
Khi có sự thay đổi hành chính cấp xã, việc sáp nhập, chia, tách, giải thể nhà trường sẽ thực hiện theo quy định tại Điều 51 Luật Giáo dục 2019.
Theo khoản 3 Điều 1 Nghị quyết 35/2023/UBTVQH15 hướng dẫn sắp xếp đơn vị hành chính trong giai đoạn 2023 – 2030, các đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện sáp nhập trong giai đoạn 2026 - 2030 gồm:
Đơn vị hành chính cấp xã đồng thời có diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 100% tiêu chuẩn của đơn vị hành chính tương ứng quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính;
Đơn vị hành chính cấp xã đồng thời có diện tích tự nhiên dưới 30% và quy mô dân số dưới 300% tiêu chuẩn của đơn vị hành chính tương ứng quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.

Khi có sự thay đổi hành chính cấp xã, việc sáp nhập, chia, tách, giải thể nhà trường sẽ thực hiện theo quy định tại Điều 51 Luật Giáo dục 2019 về sáp nhập, chia, tách, giải thể nhà trường như sau:
Nhà trường sáp nhập, chia, tách phải bảo đảm các yêu cầu: Phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục theo quy định của Luật Quy hoạch; Đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; Bảo đảm quyền, lợi ích của nhà giáo và người học; Góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục.
Nhà trường bị giải thể trong trường hợp sau đây: Vi phạm nghiêm trọng quy định về quản lý, tổ chức và hoạt động của nhà trường; Hết thời hạn đình chỉ hoạt động giáo dục mà không khắc phục được nguyên nhân dẫn đến việc đình chỉ; Mục tiêu và nội dung hoạt động trong quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập nhà trường không còn phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; Không bảo đảm chất lượng giáo dục; Theo đề nghị của tổ chức, cá nhân thành lập trường.
Quyết định sáp nhập, chia, tách, giải thể nhà trường phải xác định rõ lý do, biện pháp bảo đảm quyền, lợi ích của nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, người học, người lao động trong nhà trường và phải được công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.
Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 52 Luật Giáo dục 2019: Thẩm quyền, thủ tục thành lập hoặc cho phép thành lập; cho phép hoạt động giáo dục, đình chỉ hoạt động giáo dục; sáp nhập, chia, tách, giải thể nhà trường như sau:
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép hoạt động giáo dục đối với cơ sở giáo dục đại học. Thẩm quyền cho phép hoạt động giáo dục đối với nhà trường ở các cấp học, trình độ đào tạo khác thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Người có thẩm quyền thành lập hoặc cho phép thành lập nhà trường có thẩm quyền thu hồi quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập, quyết định sáp nhập, chia, tách, giải thể nhà trường. Người có thẩm quyền cho phép hoạt động giáo dục có thẩm quyền quyết định đình chỉ hoạt động giáo dục.