Cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là bảo vệ sức khỏe cộng đồng
Từ 1/1/2025, việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc lá điện tử chính thức bị cấm tại Việt Nam. Đây là một quyết định mạnh mẽ từ Chính phủ nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng, giảm thiểu những hệ lụy nghiêm trọng mà thuốc lá gây ra, nhất là với thế hệ trẻ.
.jpg)
Nếu như trước kia, đi trên đường, vào quán café, ngồi quán trà đá, hay quán cơm bình dân, thậm chí ở cổng trường học… không khó để bắt gặp hình ảnh các bạn trẻ, thanh niên, thậm chí phụ nữ, học sinh… rôm rả trò chuyện, trên tay ai cũng cầm một thiết bị thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có hình dáng, màu sắc, họa tiết khác nhau. Thì giờ đây tại các nơi công cộng, hình ảnh người dân đặc biệt là các bạn trẻ sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đã giảm đi đáng kể.
Trước đó, ngày 30/11/2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 173/2024/QH15 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Trong đó, tại điểm 2.2 đối với lĩnh vực y tế có nêu: "Quốc hội thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người từ năm 2025, bảo đảm sức khỏe cộng đồng, trật tự, an toàn xã hội; giao Chính phủ tổ chức thực hiện cụ thể".
Sau khi Nghị quyết của Quốc hội được thông qua, Việt Nam chính thức trở thành quốc gia thứ 6 của khu vực ASEAN cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Đây là sự kiện quan trọng và có ý nghĩa không chỉ với Việt Nam mà đối với cả quốc tế, Tổ chức Y tế thế giới và các tổ chức khác đều đã gửi thư chúc mừng.
Theo bà Phan Thị Hải, Phó giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế), tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử tăng nhanh, đặc biệt ở giới trẻ 15-24 tuổi.
Theo điều tra năm 2020, tỷ lệ sử dụng các sản phẩm này là 7,3%, đặc biệt ở lứa tuổi 13-15. Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong nhóm học sinh từ 13-17 tuổi tăng lên 8,1% trong năm 2023.
Kết quả điều tra liên quan đến sử dụng thuốc lá mới theo các nhóm tuổi cho thấy nhu cầu về việc sử dụng trong giới trẻ, đặc biệt là ở trẻ em gái cũng tăng lên. Theo báo cáo tổng hợp của gần 700 cơ sở khám, chữa bệnh trên cả nước, năm 2023, có 1.224 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, trong đó trẻ dưới 18 tuổi ghi nhận 71 ca, nhiều bệnh nhân được xác định ngộ độc ma túy tổng hợp.
Hiện nay, Bộ Y tế đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Cụ thể, Bộ Y tế đề xuất mức phạt với vi phạm quy định sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng: 1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng; 2. Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định tại (1) nêu trên đối với hành vi tái phạm;
Ngoài ra, theo dự thảo này, còn có hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đối với các hành vi vi phạm quy định nêu trên. Và buộc tiêu hủy thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng; Gửi thông báo xử phạt vi phạm hành chính tới cơ quan, tổ chức người vi phạm làm việc, học tập để cơ quan, tổ chức đó xử lý theo quy định, nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức.
Bộ Y tế cho biết hành vi sản xuất, kinh doanh, tàng trữ, vận chuyển, quảng cáo hàng cấm đã có các chế tài xử phạt tại điều 8 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tại điều 33 Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hoá và quảng cáo; tại điều 90 và 91 Bộ Luật Hình sự.
Tuy nhiên, chưa có chế tài xử lý hành chính đối với hành vi "chứa chấp" và "sử dụng" thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Tại dự thảo Nghị định này, Bộ Y tế đề xuất phạt tiền từ 1 triệu đến 2 triệu đồng đối với hành vi chứa chấp, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Theo bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, tới đây Việt Nam cần tập trung vào ngăn chặn nguồn cung, ngăn việc nhập lậu, buôn bán và quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng; tăng cường ngăn chặn tại các cửa khẩu cũng như tại các điểm bán.
“Mức phạt với các hành vi vi phạm cần đủ cao, có tính răn đe; cần tập trung nhiều cho việc ngăn chặn buôn bán và quảng cáo trên mạng; có chiến dịch ra quân và duy trì mạnh mẽ, giống như quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm và cấm uống rượu lái xe, kết hợp truyền thông nâng cao nhận thức và sự vào cuộc đa ngành. Đồng thời, cũng cần có các cuộc khảo sát, đánh giá thường xuyên để theo dõi mức độ sử dụng và hiệu quả của việc thực thi quy định cấm", bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm nhấn mạnh.