Trương Mỹ Lan: Tập đoàn Vạn Thịnh Phát không có bất kỳ giao dịch nào với SCB
"Họ chỉ làm công ăn lương, làm theo yêu cầu của bị cáo. Nhiều người đang bị bệnh, có người có con nhỏ, cha mẹ già yếu… xin HĐXX xem xét giảm thấp nhất cho họ", bị cáo Trương Mỹ Lan đề nghị.
Chiều 26/3, TAND cấp cao tại TP.HCM tiếp tục xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan (69 tuổi) và 25 đồng phạm tại giai đoạn 2 liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, ngân hàng SCB và các đơn vị liên quan.

Theo bản án sơ thẩm vào ngày 17/10/2024, bị cáo Trương Mỹ Lan với vai trò là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, đồng thời là người nắm giữ quyền quyết định cao nhất, chi phối và chỉ đạo mọi hoạt động tại SCB.
Bị cáo Lan là người sử dụng các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát để phát hành trái phiếu. đồng thời phân công nhiệm vụ cho các nhân sự chủ chốt tại Vạn Thịnh Phát, ngân hàng SCB, Công ty TVSI. Các nhân sự này phối hợp cùng các Công ty An Đông, Sunny World, Quang Thuận và Setra thực hiện nhiều thủ đoạn gian dối, phát hành 25 mã trái phiếu khống chiếm đoạt hơn 30.000 tỷ đồng.
Để sử dụng nguồn tiền từ hành vi phạm tội mà có, bị cáo Lan đã chỉ đạo đồng phạm rút tiền, cắt đứt dòng tiền để hợp thức hoá hơn 445.000 tỷ đồng. Ngoài ra, với việc thiết lập các giao dịch khống, thông qua ngân hàng SCB bị cáo Lan và đồng phạm vận chuyển trái phép qua biên giới hơn 4,5 tỷ USD.
Tại toà, bị cáo Lan nói gia tộc mình là dân làm ăn trên 50 năm, không có vi phạm pháp luật. Mùa dịch Covid-19, bản thân bị cáo và gia tộc đã mua vắc-xin cứu giúp cộng đồng. Cả gia tộc đều cống hiến cho đất nước, được tặng huân chương hạng nhất nhưng bây giờ gia đình tan nát hết.
Bị cáo Lan khóc, xin kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm vì bị tuyên xử quá nặng.

“Bản thân xin nhận tội hết, xin tha cho những người dưới quyền. Vì họ chỉ làm công ăn lương, làm theo yêu cầu của cấp trên. Nhiều người đang bị bệnh, có người có con nhỏ, cha mẹ già yếu, bệnh tật… xin HĐXX xem xét giảm án thấp nhất cho họ”, bị cáo Lan nói.
Bị cáo Lan cũng nói Tập đoàn Vạn Thịnh Phát không liên quan tới ngân hàng SCB, chưa có bất kỳ giao dịch nào giữa Vạn Thịnh Phát với SCB.
Về số tiền chiếm đoạt hơn 30.000 tỷ đồng trái phiếu, bị cáo Lan nói “Bản thân tự nhận trách nhiệm trả cho trái chủ chứ chưa bao giờ chiếm đoạt. Đó là trách nhiệm của SCB, bị cáo sợ dân biểu tình nên nhận trả thay, mong HĐXX và đại diện VKS làm rõ vấn đề này”…
Tại bản án sơ thẩm, TAND TP.HCM xử phạt bị cáo Lan chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 8 năm tù về tội “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới” và 12 năm tù về tội “Rửa tiền”. Tổng hình phạt bị cáo Lan chấp hành là chung thân.
Bản án sơ thẩm xác định, năm 2018 Nguyễn Phương Hồng (cựu Phó Tổng Giám đốc SCB- đã chết) báo cáo SCB phải chịu áp lực trả lãi cho dân, trả nợ nhiều khoản còn tồn tại (133.000 tỷ đồng) từ khi hợp nhất 3 ngân hàng để lại từ năm 2012.

Năm 2017, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đã thanh tra SCB. Kết quả thanh tra đã đưa SCB từ 1 ngân hàng cần được hỗ trợ để tái cơ cấu thành 1 ngân hàng hoạt động bình thường nhưng bị hạn chế về hạn mức tín dụng và nhiều hoạt động khác.
Do đó, Nguyễn Phương Hồng nhiều lần đề xuất Trương Mỹ Lan cho sử dụng Công ty An Đông và các Công ty khác thuộc Vạn Thịnh Phát, phát hành trái phiếu để có nguồn xử lý các khoản nợ, thoát khỏi cảnh bế tắc.
Ban đầu, Nguyễn Phương Hồng đề xuất phát hành khoản trái phiếu Công ty An Đông từ 10.000 tỷ đồng đến 15.000 tỷ đồng. Nhưng sau đó, do tình hình thực tế phát sinh nhiều áp lực tài chính nên đã phát hành lên tới 25.000 tỷ đồng.
Bị cáo Lan ra chủ trương cho mượn Công ty An Đông để phát hành trái phiếu, nhằm huy động nguồn tiền cho hoạt động của SCB. Đồng thời Trương Mỹ Lan giao cho các cá nhân này chủ động nghiên cứu thực hiện.